Tôi đi làm về, trời vừa nhá nhem tối, chưa kịp đặt lưng nghỉ, bỗng nhiên có tiếng nhạc vang lên ầm ĩ, kèm theo tiếng nhiều người hò hét cổ vũ rất nhiệt tình. Bước ra xem, tưởng nhà nào tổ chức tiệc vui, nào ngờ bên nhà hàng xóm đang có đám tang đã thuê một “đoàn tạp kỹ pê đê” đến múa hát vui như hội. Tiếng cổ vũ ầm ĩ, khiến không khí trong xóm hân hoan, vui vẻ hơn ngày thường. Từ trẻ em đến người lớn, ai nấy đều tò mò ra xem, chỉ chỏ, cười cợt.
Tôi đứng xem một hồi, không thể nào tưởng tượng được đây là đám tang. Tiếng nhạc ngày càng sôi động thêm, đoàn tạp kỹ toàn hát những bài nhạc trẻ, quậy tưng. Bạn bè của tang gia xúm lại ngồi nhậu ngay chỗ đám tang cũng nói cười um sùm như ở quán nhậu. Người chết vẫn đang nằm đó, trong quan tài, vậy mà lại mở nhạc xập xình, mọi người vẫn hớn hở ca hát nhảy múa. Càng về khuya, rượu thấm dần vào người, các “ca sĩ”, “vũ công” càng hứng khởi hơn. Chợt một ông độ tuổi sồn sồn gào lên: “Thoát y đi!” và nhét một ít tiền vào ngực áo một “ca sĩ”. Thế là một người liền lột áo quần chỉ còn trang phục kiểu bikini trên người. Tiếng gào cổ vũ càng ầm ĩ. Lại có thêm một “cô” nữa bước ra nhảy nhót với trang phục như vậy trước sự chứng kiến của nhiều người già và cả trẻ em.
Đến gần nửa đêm, vắng “khán giả”, đoàn tạp kỹ khăn gói ra về. Tôi tưởng rằng cuối cùng cũng được yên tĩnh nghỉ ngơi, chợp mắt vài tiếng, thế nhưng không được bao lâu sau lại nghe tiếng nhạc, tiếng hát karaoke phát ra từ nhà có đám tang. Lúc này, những người nhà ngồi nhậu canh đám tang bắt đầu thay phiên nhau hát hò cho tới sáng. Càng về khuya, tiếng nhạc, tiếng hát càng vang to hơn, mà nào phải hát hay, các “ca sĩ” hát giọng nhừa nhựa hoặc gào thấy ớn, chắc hẳn cả xóm không ai ngủ được. Sáng ra, nhìn mặt bà con trong xóm, ai cũng phờ phạc vì mất ngủ. Tuy vậy mọi người bảo nhau rằng đành ráng chịu thôi, thông cảm nhà người ta có đám tang. Nhưng rồi, đâu phải chỉ một đêm đó mà liên tiếp những đêm sau cứ diễn ra việc tra tấn hàng xóm như vậy. Đám tang kéo dài đến 5 ngày đêm, cả xóm không được yên tĩnh nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhọc, trẻ em cũng không thể nào học hành vì quá ồn.
Đâu phải đám tang là phải có không khí ai oán thê lương, kẻ khóc người buồn. Nhưng khi tiễn biệt người thân, sẽ rất phản cảm nếu để diễn ra cảnh nhảy nhót, hát hò bát nháo. Chừng chục năm qua ở Nam bộ và ngay tại TPHCM có không ít đám tang diễn ra cảnh bát nháo như vậy. Nhà có tang mở loa công suất thật lớn, ban ngày tụng kinh, ban đêm mở nhạc hát hò inh ỏi. Có người biện hộ rằng tại nhà có đám tang vào ban đêm mọi người thức trắng nên có nhu cầu cùng ăn khuya, uống nước trà, uống rượu và ca hát nhảy nhót cho đỡ buồn, thế nên đám tang lại ồn ào, nhộn nhịp hơn đám cưới cũng phải thôi.
Trong lúc tang gia đang rất đau buồn và mệt mỏi, cần sự yên tĩnh hơn là sự huyên náo, thế nên không cần thiết phải dùng dàn loa để gây huyên náo cả xóm. Người đến chia buồn cùng tang gia nếu ở lại đêm cũng cần có ý thức tôn trọng cộng đồng dân cư, không gây ồn ào hay có hành vi phản cảm. Đó cũng là một nếp sống văn hóa cần phải giữ. Ngoài ra, một vấn đề cần được TPHCM quy định rõ trong việc tang, khuyến khích người dân rút ngắn thời gian quàn linh cữu tại nhà, không quàn kéo dài quá nhiều ngày, để vừa đảm bảo an toàn vệ sinh, vừa hạn chế tình trạng gây ồn ào, xáo trộn cuộc sống của cộng đồng dân cư.
Sơn Việt (khu Đồng Tiến, quận 1, TPHCM)