Đánh giá cao những đổi mới của đề minh họa thi tốt nghiệp THPT từ 2025

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề minh họa thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhiều học sinh và giáo viên đã bày tỏ sự thích thú, tuy nhiên vẫn còn trăn trở đề thi chưa đáp ứng tốt kỳ vọng của xã hội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của học sinh học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với yêu cầu kiểm tra, đánh giá khác hoàn toàn so với chương trình giáo dục phổ thông trước đây.

Một trong những đề thi được nhiều người trông chờ nhất là môn Ngữ văn. Năm 2025, đề thi Ngữ văn vẫn theo hình thức tự luận 100%, thời gian làm bài 120 phút.

Cấu trúc đề minh họa có 2 phần gồm Đọc hiểu (4 điểm) và Viết (6 điểm). Trong đó, phần viết có 2 câu hỏi là nghị luận văn học (2 điểm) và nghị luận xã hội (4 điểm).

Ở phần Đọc hiểu, đề thi có 5 câu hỏi nhỏ ở nhiều mức độ gồm nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Nội dung câu hỏi gồm cả kiến thức tiếng Việt và liên hệ thực tế.

Theo nhận xét của nhiều giáo viên, đề thi có độ bao phủ kiến thức rộng, câu hỏi nghị luận văn học có ngữ liệu hơi dài, song điểm mới là nêu lên vấn đề xã hội đặt ra trong một tác phẩm văn học chứ không đi sâu phân tích ngữ liệu văn học như các năm trước đây.

Hoàng Minh, học sinh lớp 11, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cho biết, mong mỏi lớn nhất của học sinh cấp THPT hiện nay là thoát khỏi tình trạng "xổ số đoán đề thi để học tủ".

Việc đề thi thoát khỏi ngữ liệu trong sách giáo khoa một mặt giúp học sinh cởi bỏ hoàn toàn tâm lý "học tủ", song đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng phân tích đề và viết văn nghị luận.

NTT.4.jpg
Thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TPHCM

Riêng với đề thi minh họa môn Hóa học, thầy Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11) nhận xét có nhiều điểm mới.

Bên cạnh sử dụng hình thức câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn - dạng thức đã được áp dụng nhiều năm qua tại Việt Nam, đề thi còn có thêm dạng câu hỏi trắc nghiệm chọn đáp án đúng/sai.

Trong đó, mỗi câu hỏi có 4 ý phát biểu, thí sinh phải vận dụng toàn diện kiến thức và kỹ năng chuyên môn mới có thể chọn được câu trả lời đúng/sai đối với từng ý của câu hỏi.

Nhờ đó, đề thi phân loại được tư duy và năng lực của nhiều nhóm đối tượng học sinh khác nhau, đồng thời đo được năng lực thực tế của từng học sinh, hạn chế việc dùng mẹo hay đoán mò để chọn đáp án từ các phương án nhiễu như đề thi ở dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Với dạng câu hỏi này, xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay.

Cùng với đó, đề thi còn có sự kết hợp hình thức câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Dạng này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức, kỹ năng cao mới có thể viết được câu trả lời chính xác, hạn chế được việc "đánh lụi" như dạng câu hỏi trắc nghiệm truyền thống.

Nhìn chung, sự kết hợp nhiều hình thức câu hỏi chuẩn hóa trong đề thi giúp quá trình kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh chuẩn xác hơn, phân loại đúng năng lực từng học sinh.

"Tuy nhiên, tôi vẫn mong chờ Bộ GD-ĐT định hướng nội dung đề thi theo hướng gần gũi thực tế đời sống, không nặng về kỹ năng ghi nhớ và hiểu kiến thức mà khuyến khích các kỹ năng tư duy bậc cao hơn thông qua ứng dụng kiến thức để giải quyết vấn đề cụ thể trong cuộc sống, bởi nếu kiến thức không được vận dụng vào thực tế thì kiến thức đó chỉ là thông tin", thầy Phạm Lê Thanh bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục