Đánh thức đảo xanh

Trong kỳ nghỉ hè và dịp Quốc khánh 2-9 vừa qua, các hòn đảo ở vùng biển Tây Nam đón nhiều du khách đổ về tham quan du lịch. Trên các bến cảng đảo Phú Quốc, Nam Du, Thổ Chu, Hòn Đốc... các chuyến tàu cao tốc nhộn nhịp đưa đón du khách. Sự yên tĩnh, lãng mạn đã bị xao động, nhịp sống hối hả hơn trong cuộc chuyển mình phát triển kinh tế và đời sống.
Đánh thức đảo xanh

Trong kỳ nghỉ hè và dịp Quốc khánh 2-9 vừa qua, các hòn đảo ở vùng biển Tây Nam đón nhiều du khách đổ về tham quan du lịch. Trên các bến cảng đảo Phú Quốc, Nam Du, Thổ Chu, Hòn Đốc... các chuyến tàu cao tốc nhộn nhịp đưa đón du khách. Sự yên tĩnh, lãng mạn đã bị xao động, nhịp sống hối hả hơn trong cuộc chuyển mình phát triển kinh tế và đời sống.
 
Cải thiện đời sống người dân

Vùng biển Tây Nam Tổ quốc có hơn 130 đảo, trong đó có 5 quần đảo (An Thới, Thổ Chu, Nam Du, Hải Tặc, Bà Lụa), nhiều đảo có dân sinh sống. Các hải đảo vùng biển Tây Nam đóng vai trò quan trọng về an ninh - quốc phòng và có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển đảo, đặc biệt là ngư nghiệp và du lịch, dịch vụ biển. Để khai thác tiềm năng này, trong vài năm gần đây, các đảo lớn đã được đầu tư mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật, đưa điện lưới quốc gia ra và xây dựng những con đường bê tông khang trang vòng quanh đảo. Nhiều đảo lớn có trạm hải đăng, đài khí tượng, trạm y tế, bưu điện. Việc xây dựng công trình làm mất đi vẻ hoang sơ của đảo, nhưng bù lại đã thiết thực giúp cải thiện đời sống người dân trên đảo, giao thông thuận tiện, du khách có thể đi lại để ngắm toàn cảnh vẻ đẹp của biển đảo.

Nhằm đánh thức tiềm năng kinh tế biển đảo, sau khi đưa điện lưới quốc gia ra đảo Phú Quốc và Hòn Tre, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam đang tiếp tục đưa điện ra nhiều đảo và cụm đảo nhỏ thuộc vùng biển Tây Nam, thực hiện dự án đầu tư cấp điện cho 6.800 hộ dân ở 7 xã đảo của tỉnh Kiên Giang, gồm Hòn Heo, Hòn Nghệ, Hòn Đốc, Lại Sơn, An Sơn, Nam Du, Hòn Thơm. Tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng. Hồi tháng 4-2016, điện lưới quốc gia đã kéo ra đảo Lại Sơn, cấp điện cho gần 2.000 hộ dân trên đảo. Đường dây 110kV ra Lại Sơn có tổng chiều dài gần 44km, trong đó có 24,5km đường dây vượt biển. Trong những ngày này, người dân trên các đảo thuộc tỉnh Kiên Giang đang náo nức dõi theo tiến độ thi công dự án đưa điện lưới quốc gia về các đảo. Gặp ai cũng nghe chia sẻ niềm hân hoan về việc đảo sắp hòa điện lưới quốc gia, cuộc sống sẽ tiện nghi hơn, hoạt động dịch vụ du lịch sẽ chu đáo hơn. Để đón lưới điện quốc gia, xã đảo An Sơn đã triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý rác bảo vệ môi trường, cấp phép cho hàng chục cơ sở kinh doanh lưu trú, khuyến khích người dân trên đảo tham gia làm dịch vụ du lịch.

Đảo Thổ Chu là đảo xa nhất trong vùng biển Tây Nam, cách thành phố Rạch Giá 110 hải lý, cũng đang trên đà phát triển. Đảo Thổ Chu đang đổi thay từng ngày, trên đảo đã có đường giao thông, trường học, bệnh xá và các dịch vụ nên đời sống quân dân dần được cải thiện. Bệnh xá Quân dân y Thổ Chu đã có bác sĩ, dược sĩ và được ngành y tế đầu tư trang thiết bị hiện đại. Cảnh quan biển đảo nơi đây thật đẹp, đặc biệt là bãi tắm Mun Dông vẫn giữ được khung cảnh đẹp hoang sơ, nước xanh trong vắt, cát trắng mịn màng, hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến thu hút du khách khi các dịch vụ du lịch hoàn thiện. 

Nhà dân xây dựng không theo quy hoạch, làm mất vẻ đẹp của bãi biển thơ mộng ở Nam Du.
Ảnh: THANH LUÂN

Phát triển du lịch sinh thái

Đến thăm đảo Hòn Đốc (trong quần đảo Hải Tặc) có thể nghe những câu chuyện rất vui về phát triển kinh tế biển. Các hộ làm nghề nuôi cá lồng bè và ngư dân đánh bắt hải sản ở xã có mức thu nhập bình quân đầu người rất cao. Những năm gần đây, quần đảo Nam Du và quần đảo Hải Tặc đã chuyển mình mạnh mẽ, trên đảo xuất hiện các công trình trung tâm hành chính xã, chợ, khu dân cư tập trung, bến tàu, khu du lịch sinh thái, nhà máy xử lý rác... Có nhiều công ty du lịch tổ chức tour du lịch Hà Tiên - quần đảo Hải Tặc, Rạch Giá - quần đảo Nam Du. Do vậy, nhiều hộ dân chuyển sang ngành nghề kinh doanh dịch vụ du lịch. Nơi đây đã thử nghiệm mô hình du lịch homestay - du khách cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chơi với người dân trên đảo. Du khách ở nhà dân, tìm hiểu cuộc sống người dân, đi tham quan lồng bè nuôi trồng thủy sản, đi thuyền đánh cá ra biển câu mực, lặn biển... Với việc phát triển dịch vụ du lịch, người dân trên đảo có thêm nhiều việc làm và Tuy nhiên, để phát triển du lịch, ngay từ bây giờ các cấp chính quyền quản lý - nhà nước các đảo trong vùng biển Tây Nam cần phát triển du lịch biển đảo đúng định hướng du lịch sinh thái. Hiện nay, tại các đảo Thổ Chu, Cổ Tron, Hòn Đốc, Hòn Chuối..., nhiều nhà lụp xụp mọc lên dọc bãi biển, nhiều nhà phố xây dựng chen chúc, không quy hoạch, thiết kế lung tung, gây ra cảnh nhếch nhác quanh bờ biển và cản trở giao thông ở bến cảng. Tại đảo Hòn Chuối, cảnh nhà chòi lụp xụp, rác thải bừa bãi gây mất vệ sinh ngày càng trầm trọng hơn.

Chỉ sau 2 năm trở lại các đảo đã phải thấy tiếc nhớ thời các đảo còn nguyên vẻ hoang sơ, lãng mạn, trong lành. Biển xanh, sạch, đẹp chính là ưu thế phát triển du lịch ở các đảo vùng biển Tây Nam, do vậy nếu đánh mất điều đó thì chỉ là phát triển kiểu “ăn xổi ở thì”, không bền vững. Cần sớm hoàn chỉnh các văn bản quản lý, quy hoạch và phát triển vùng biển Tây Nam để xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các bộ, ngành trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, phát triển căn cơ, ngăn chặn hiệu quả việc khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy hải sản và các hoạt động làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái biển. Hoạt động tàu cao tốc đưa du khách đến các đảo và các thuyền đưa du khách tham quan quanh đảo phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, cần trang bị đầy đủ áo phao cho du khách.

VÂN KHANH

Tin cùng chuyên mục