Chính phủ vừa có văn bản đồng ý về chủ trương mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ đã tạo ra cơ hội mới cho hòn đảo này. Với lợi thế có hệ sinh thái rừng và biển đẹp, đa dạng, phong phú, Cồn Cỏ hứa hẹn là điểm du lịch thu hút nhiều du khách trong thời gian tới.
Từ bãi biển Cửa Tùng thuộc huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) hướng ra biển Đông thấy một hòn đảo xanh lam nổi lên như chiến hạm trấn giữ ngoài khơi - hòn đảo ấy mang tên Cồn Cỏ.
Bên ngọn hải đăng soi rọi giữa đêm tối, phóng tầm mắt sẽ thấy đảo Cồn Cỏ tròn vành vạnh đang hoàn thiện hình hài một đô thị giữa trùng khơi. Nhà cửa xây kiên cố san sát, nhiều trụ sở cao tầng chen giữa màu xanh cây trái như xóa đi sự khắc nghiệt của phong ba, bão táp. Ông Lê Minh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cho biết, việc từng bước xúc tiến, thúc đẩy hoạt động du lịch ở đảo Cồn Cỏ nằm trong định hướng phát triển du lịch sinh thái biển và là một sản phẩm du lịch mới có lợi thế của địa phương đã được tỉnh quan tâm đón đầu, chỉ đạo, triển khai, thực hiện.
Đặc biệt mới đây, Chính phủ đã đồng ý chủ trương mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ. Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Trị cũng công bố mở cảng cá đảo Cồn Cỏ có khả năng tiếp nhận phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa ra, vào cảng với tải trọng 200CV; phê duyệt đề án mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ chỉ đạo đầu tư xây dựng, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ nhu cầu của du khách. Đây là những sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của đảo Cồn Cỏ trong lộ trình trở thành đảo du lịch, một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch của cả nước.
Đảo Cồn Cỏ nhìn từ biển
Theo đề án quy hoạch phát triển du lịch huyện đảo Cồn Cỏ, giai đoạn 2016 - 2017, lượng khách du lịch đến đảo đạt từ 5.000 - 10.000 lượt, đến năm 2020 đạt 20.000 - 25.000 lượt. Hiện lãnh đạo huyện đảo Cồn Cỏ đã liên hệ với Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP (TPHCM), thống nhất các điều kiện, quy trình, thủ tục liên quan về đầu tư tàu cao tốc vận tải hành khách ra đảo Cồn Cỏ và ngược lại. Đây là động thái tích cực nhằm hướng đến giải quyết phương tiện vận tải phục vụ du lịch của đảo Cồn Cỏ. Bên cạnh đó, huyện đảo sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng hệ thống điện lưới ổn định; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ hoạt động du lịch, hệ thống cung cấp nước ngọt, cơ sở lưu trú, xây dựng danh mục ẩm thực, quà lưu niệm đặc thù; đào tạo đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp…
Cồn Cỏ có rừng, có đồi tranh rậm rạp chiếm 3/4 diện tích đảo. Rừng trên đảo có những loài cây lạ mà trong đất liền không có. Trên đảo còn có cả những rừng bàng trái vuông, vào mùa thu, lá bàng đỏ ối cả một vùng như điểm tô cho đảo. Dưới biển có hải sâm đen, trắng to bằng ngón chân cái, dài bằng gang tay, vừa là vị thuốc quý, vừa là món ăn cao cấp, được xếp ngang với yến sào. Riêng ở bờ biển Cồn Cỏ còn có loài ốc nón, luộc ăn rất ngon, vỏ ốc có thể tận dụng làm đồ trang sức, mỹ nghệ...
Chính lẽ đó, Cồn Cỏ được các nhà khoa học ví như một bảo tàng đa dạng sinh học, sức hấp dẫn đến từ thiên nhiên, cảnh quan, sản vật độc đáo.
VĂN THẮNG