Đảo khát…

Đảo Trí Nguyên, thuộc phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang (Khánh Hòa) chỉ cách đất liền chừng 1km đường biển nhưng dân trên đảo thiệt thòi về điều kiện sống, nhất là chuyện điện, nước.
Đảo khát…

Đảo Trí Nguyên, thuộc phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang (Khánh Hòa) chỉ cách đất liền chừng 1km đường biển nhưng dân trên đảo thiệt thòi về điều kiện sống, nhất là chuyện điện, nước.

Vượt đảo tìm nước

Trên chuyến tàu khách sang đảo, khi tàu cập bến, chúng tôi thật sự ngạc nhiên vì tàu chở khách nhưng có rất nhiều người từ già đến trẻ ai nấy cũng kè kè bên mình những can nhựa mang ra đảo, tưởng đó là những can xăng dầu, người dân mua về để đi biển, nên tôi băn khoăn về độ an toàn. Thế nhưng, ông chủ tàu đã trấn an, đó chỉ là những can nước ngọt, người dân xách từ trong bờ ra đảo.

Bà Phan Thị Thắm, người hơn 40 năm sống tại Trí Nguyên, năm nay ngoài 60 tuổi nhưng đôi chân bà bước lên xuống ghe còn nhanh nhẹn, rõ khỏe. Chủ tàu ghé tai tôi và nói, bà Thắm không khỏe mới lạ, vì đã 3 năm nay lúc vào mùa khô hạn, cứ hai ngày bà lại vào thăm con cháu ở đất liền, khi về bao giờ cũng xách theo 2 can nước ngọt, mỗi can 10 lít. Số nước này đủ hai ông bà dùng trong 2 ngày, khi hết bà lại vào đất liền đem nước ra.

Cùng chuyến tàu, chị Nguyễn Thị Phượng (tổ dân phố 2 đảo Trí Nguyên) bước lên mũi tàu khá nhọc nhằn khi hai tay chị xách hai can nhựa to. Phía sau, 3 đứa con nhỏ của chị cũng dắt díu từng bước với những can nước to, nhỏ. Lần nào vào đất liền, khi trở về chị và các con cũng tranh thủ mang theo những can nước ngọt, vì nước ở đảo quý như vàng.

Một góc đảo Trí Nguyên.

Một góc đảo Trí Nguyên.

Giành giật nguồn nước lợ

Từ 5 giờ sáng, sương còn dày đặc và hơi lạnh từ núi trên đảo Trí Nguyên tỏa ra buốt da thịt. Bất chấp, bà Nguyễn Thị Thảo (65 tuổi) vẫn dậy sớm, lọ mọ ra giếng nước công cộng chờ chắt (múc) nước, mong có chút nước buổi sáng sớm để nấu cơm, nấu nước, có cái cho con cháu vệ sinh sáng. Sau hơn 2 giờ mỏi gối chờ đợi, lượng nước bà chắt được từ hơn 100 lần thả gàu, chỉ khoảng 15 lít. Số nước này để gia đình bà chắt chiu sinh hoạt trong 1 ngày.

Nhà chị Phạm Thị Lý sát kế bên giếng nước công cộng ở tổ dân phố 3 Trí Nguyên nhưng chị cũng như những người khác phải chờ đến phiên chắt nước. Theo chị Lý, do cả đảo chỉ còn một giếng nước nên giờ phút nào cũng có người đứng canh để chắt. Vậy nên chuyện có người chờ nhiều giờ để đến lượt chắt vài lít nước là bình thường, có khi người chờ chắt nước kéo dài như một đoàn tàu xe lửa.

Đã vậy, nước ở đây là nước lợ, chỉ phù hợp với giặt giũ, chứ nấu ăn thì cực chẳng đã. Nhưng khi không còn sự lựa chọn, nhiều gia đình cũng đành dùng nước lợ này nấu cơm, canh. “Do nấu ăn bằng nước lợ nên nhiều gia đình trên đảo này không bao giờ mua muối ăn, tiết kiệm được một khoản…”, một phụ nữ múc nước cười đùa.

Đảo Trí Nguyên có 3 thôn với 3.052 người dân sinh sống. Vào mùa khô, tất thảy người dân trên đảo đều uống chung một giếng nước nhiễm mặn đang cạn đáy. Thực tế, tại đảo Trí Nguyên đã được đầu tư 3 giếng nước từ lâu, tuy nhiên vào mùa khô (từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm) thì 2 giếng đã cạn đáy. Còn duy nhất giếng có mạch nước ngầm chảy rỉ rả nên luôn đông người chen chúc.

Để chuẩn bị chắt nước, các gia đình tại đảo Trí Nguyên luôn chuẩn bị sẵn sàng từ 5 đến 10 thùng chứa nước. Hàng ngày, mỗi gia đình phải cử một thành viên đi đến giếng nước xếp hàng chờ đến lượt, sau đó gọi điện thoại cho cả gia đình mang thùng, gàu ra hối hả chắt nước. Thời gian lấy nước cũng được phân chia, trung bình mỗi hộ có 3 đến 4 giờ để chắt nước.

Cách đây hai tuần, thương cảnh người già trẻ con còng lưng vét từng giọt nước, một gia đình sống gần giếng đã bỏ tiền mua máy bơm về bơm nước miễn phí cho bà con. Thế nhưng, chiếc máy bơm mới mua cũng không chịu nổi vì hoạt động quá công suất nên đã hỏng, người dân lại còng lưng chắt… nước!

Giếng nước luôn có nhiều người vây quanh để chắt nước.

Giếng nước luôn có nhiều người vây quanh để chắt nước.

Chờ đến khi nào?

Người dân đảo Trí Nguyên đã “khát” nước ngọt từ nhiều năm qua nên nhiều gia đình phải mua nước từ đất liền chở ra, với giá từ 80.000 - 150.000 đồng/m³ tùy theo khoảng cách xa hay gần bến tàu. Ông Trần Sửu, một người dân sống ở lưng chừng núi, nhẩm tính: “Gia đình tôi có 6 người lại ở trên đỉnh đảo, mỗi ngày dùng khoảng 1m³ nước, tính ra mỗi tháng cũng mất 5 triệu đồng mua nước”.

Cuộc sống của người dân đảo Trí Nguyên chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và buôn bán nhỏ nên kinh tế còn chật vật. Nay họ phải gồng mình gánh thêm một khoản tiền không nhỏ để mua nước, khiến cuộc sống khốn khó thêm.

Ông Nguyễn Minh Ngọc, tổ trưởng một tổ dân phố trên đảo Trí Nguyên, cho biết qua tất cả các lần tiếp xúc cử tri hay họp dân, người dân trên đảo chỉ băn khoăn một chuyện đó là nước sạch. “Qua các lần họp dân, phía thành phố phúc đáp chưa có kinh phí. Tuy nhiên, đảo Trí Nguyên chỉ cách đất liền chừng 1km, khoảng cách liệu có quá xa để không thể kéo nước!?”, ông Ngọc băn khoăn.

Đầu tháng 6 vừa qua, tại một buổi làm việc với UBND phường Vĩnh Nguyên, ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đã có ý kiến, yêu cầu UBND TP Nha Trang cần phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương sớm tiến hành khảo sát và đưa ra phương án khả thi để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân trên đảo Trí Nguyên.

Theo đại diện UBND TP Nha Trang, hiện chủ trương đã được giao cho Phòng Quản lý đô thị thành phố khảo sát, lên kế hoạch, kinh phí, công nghệ đưa nước ra đảo một cách tốt nhất, vì thế tất cả còn phải chờ đợi từ các ngành.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục