Đây là vấn đề “cũ người mới ta”, nhưng đề xuất tiên phong này lại được nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi, từ Bộ GD-ĐT cho đến các chuyên gia, tại hội thảo tổ chức mới đây tại TPHCM.
Thế giới đã làm từ lâu
PGS-TS Vũ Phan Tú, Trưởng ban Sau ĐH (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết: Chương trình TS định hướng ứng dụng đầu tiên được xây dựng tại ĐH Toronto (Canada) vào năm 1894 về lĩnh vực giáo dục. Hiện nay ước tính có khoảng hơn 1.000 chương trình TS định hướng ứng dụng nghề nghiệp tại các trường ĐH trên thế giới, phần lớn tập trung ở các ĐH của các quốc gia như Mỹ (hơn 500 chương trình), Anh (320 chương trình), Úc (265 chương trình).
Ở Mỹ, TS định hướng ứng dụng được đào tạo từ năm 1920 khi ĐH Harvard bắt đầu đào tạo TS giáo dục, sau đó chương trình này được áp dụng vào các lĩnh vực khác như y tế, khoa học điều dưỡng, tâm lý... Ở Úc, chương trình TS được đào tạo từ năm 1984 tại ĐH Wollongong. Tại Anh, chương trình TS định hướng ứng dụng được đào tạo từ năm 1980. Ngoài ra, ngay tại khu vực, TS ứng dụng cũng được Thái Lan, Singapore… áp dụng.
Đặc điểm chung của chương trình TS này là yêu cầu đầu vào của các ứng viên là phải có trình độ thạc sĩ trong lĩnh vực tương ứng. Đặc biệt, kinh nghiệm làm việc là một điều kiện tiên quyết (6 tháng, 2 năm, 3 năm, 5 năm hoặc cao hơn)… Những yêu cầu này nhằm đáp ứng các tính đặc thù của chương trình TS định hướng ứng dụng, nhằm gắn kết giữa trường ĐH với hiệp hội nghề nghiệp và đơn vị công tác.
PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho rằng chương trình TS định hướng ứng dụng là xu thế của thế giới, hiện phát triển mạnh tại châu Âu và châu Mỹ. Ngay cả Cộng hòa Liên bang Đức trước đây không công nhận hình thức TS này, nhưng hiện nay đã công nhận. Đại diện Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng: Chúng ta đang hội nhập nên chúng ta cứ mạnh dạn làm theo những gì thế giới đang làm. Thực tế nhu cầu học tập của xã hội là rất lớn. Tuy nhiên, từ khi quy chế đào tạo TS mới được Bộ GD-ĐT ban hành năm 2017, tình hình tuyển sinh của các trường sụt giảm đáng kể. Vừa rồi trường tuyển 150 chỉ tiêu, nhưng kết quả chỉ tuyển được 1/3. Số còn lại không đáp ứng được các điều kiện đào tạo theo hướng hàn lâm nên phải bị loại.
Đừng dựng hàng rào để ngăn cản
PGS-TS Nguyễn Minh Kiều, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐH Mở TPHCM), thẳng thắn: “Tôi là người học chương trình đào tạo TS định hướng ứng dụng từ năm 1998 tại Úc. Đến nay tôi đã gần 30 năm tham gia đào tạo trong ngành giáo dục. Tôi đã hướng dẫn trên dưới 300 thạc sĩ, ngồi hội đồng phản biện đề tài TS cũng cả trăm, hướng dẫn 5 TS. Tôi được Nhà nước phong hàm PGS từ năm 2010. Nói như vậy để thấy rằng, không phải người học TS định hướng ứng dụng là không có năng lực, không biết nghiên cứu. Vì vậy, chúng ta đừng dựng rào cản hoặc lấy lý do để cản trở khi áp dụng đào tạo theo xu thế của thế giới”.
Nhìn từ thực tế, PGS-TS Nguyễn Minh Kiều cho rằng: “Chúng ta đang gom cả đào tạo TS hàn lâm và ứng dụng làm một. Và cái hạn chế của chúng ta là đào tạo TS hàn lâm chưa đạt đến đỉnh nghiên cứu lý thuyết. Giữa 2 hình thức đào tạo, điều khác nhau cơ bản là ở mục tiêu đào tạo. Mục tiêu đào tạo sẽ quyết định đến đầu vào và cả đầu ra. Thực tế, hiện nay xã hội có nhu cầu rất lớn trong việc học TS định hướng ứng dụng để nâng cao kiến thức nghề nghiệp, giải quyết những vấn đề thực tế theo phương pháp khoa học”.
Tuy nhiên, PGS-TS Trần Văn Nghĩa băn khoăn: “Đúng là nhu cầu của xã hội là có thật và rất nhiều, nhưng xã hội chúng ta đang chạy theo bằng cấp, khi triển khai sẽ gặp khó khăn. Nếu một lãnh đạo, hay giám đốc doanh nghiệp mà đi học với mục đích lấy cái bằng TS treo tường hay làm oai thì họ sẽ tìm cách thế này, thế kia để có tấm bằng, như vậy rất không ổn. Do đó, khi triển khai, chúng ta phải lường và tính hết những quy định hiện hành về quy chế, bằng cấp”.
PGS-TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho biết: Các văn bản quản lý hành chính thực tế không theo kịp với sự phát triển của kinh tế - xã hội nên lúc nào cũng phải điều chỉnh cho phù hợp. Trong các quy định hiện hành chúng ta chưa nói đến TS định hướng ứng dụng. Do đó, việc đổi mới, thí điểm sẽ gặp rào cản này kia. Khi triển khai thí điểm chương trình này, ĐH Quốc gia TPHCM phải trả lời thỏa đáng các vấn đề như: ngành đào tạo, đầu vào và mục tiêu đào tạo, nội dung, hình thức chương trình đào tạo, phương pháp đánh giá, đội ngũ giảng viên, công nhận văn bằng, cách quản lý chất lượng ra sao... Nếu giải quyết những vấn đề trên thì Bộ GD-ĐT sẽ cùng ĐH Quốc gia TPHCM tháo gỡ những khó khăn để thí điểm chương trình.
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, đơn vị này sẽ thí điểm 2 chương trình TS định hướng ứng dụng ngành Quản trị kinh doanh và Quản lý giáo dục. Điều kiện đầu vào là có bằng thạc sĩ các lĩnh vực phù hợp, có ít nhất 5 năm kinh nghiệm, có minh chứng năng lực nghiên cứu. Nếu chỉ có bằng ĐH thì phải đạt loại khá, giỏi. Thời gian đào tạo từ 3 - 5 năm hoặc 4 - 7 năm. Số tín chỉ môn học 35 - 45, tín chỉ thực hành là 45 - 55. |