Thủ đô Bangkok của Thái Lan vào những ngày này đang “nóng” lên bởi sắc áo đỏ của hàng ngàn người thuộc phe áo đỏ do Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) đứng đầu đã tập trung và biểu tình rầm rộ kêu gọi chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva từ chức và giải tán Hạ viện. CTV Báo SGGP đã có mặt ở Thái Lan tường thuật về việc này.
Người dân Bangkok bình thản
Chúng tôi đến thủ đô Bangkok vào trưa ngày 14-3 trên chuyến bay của hãng hàng không ThaiAirway với nỗi lo có thể bị kẹt lại ở sân bay vì sợ lực lượng biểu tình chiếm giữ và phong tỏa sân bay (giống như sự kiện phe áo vàng phong tỏa hai sân bay chính ở Bangkok vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm 2008 làm hơn 300.000 khách bị mắc kẹt ở Thái Lan trong hơn 1 tuần). Tuy nhiên, may mắn điều đó đã không xảy ra!
Đại diện Liên đoàn Nhà báo Thái Lan đón tại sân bay quốc tế Suvarnabbumi và đưa chúng tôi về khách sạn Rembrandt Hotel & Towers ở đường Sukhumvit ở thủ đô.
Trong những ngày này, trên các tờ báo, tạp chí và các kênh truyền hình ở Thái Lan đều đưa tin, hình ảnh về cuộc biểu tình rầm rộ này với sắc màu áo đỏ gần như nhuộm đỏ cả thủ đô Bangkok.
Tuy nhiên, tại khách sạn Rembrandt Hotel & Towers và một số khách sạn khác tập trung trên đường Sukhumvit dường như ít bị ảnh hưởng bởi cuộc biểu tình này vì lượng khách nước ngoài vẫn đến thuê phòng và đi tham quan, mua sắm bình thường. Đội ngũ nhân viên phục vụ vẫn vui vẻ đón khách với nụ cười thân thiện luôn hiện diện trên môi. Một số nhân viên lễ tân khi được hỏi về cuộc biểu tình, họ trả lời “chúng tôi cũng theo dõi qua kênh truyền hình để xem diễn biến ra sao”.
Nếu như không khí tại những khu vực trọng điểm ở thủ đô Bangkok như vừa nêu trên đang “nóng rực”, bởi áp lực ngày một tăng của lực lượng áo đỏ tham gia biểu tình, thì mọi hoạt động ở các nơi khác hầu như vẫn diễn ra bình thường.
Người dân ở Bangkok dường như đã quen với những cuộc biểu tình như thế này nên phần lớn họ vẫn làm công việc thường ngày của mình. Hệ thống tàu điện trên cao (skytrain), xe buýt, taxi vẫn hoạt động bình thường để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Các trung tâm mua sắm lớn như trung tâm thương mại Central World, “đại lộ mua sắm” Siam Square, trung tâm mua sắm MBK (Mah Boon Krong), trung tâm mua sắm mới Platinum Fashion Mall… vẫn nhộn nhịp người mua, đặc biệt về đêm.
Nhiều tụ điểm giải trí vẫn mở cửa và thu hút đông đảo khách du lịch nước ngoài đến vui chơi… Chỉ có một điểm khác dễ nhận thấy so với thời điểm chưa xảy ra biểu tình ở các khu vực trọng điểm, các bến xe buýt, trạm skytrain… đều có nhân viên cảnh sát và quân đội mang súng đứng cảnh giới. Tuy nhiên, các nhân viên này vẫn khá thân thiện, sẵn sàng hướng dẫn chi tiết khi khách du lịch nhờ chỉ dẫn đường đi.
Căng thẳng và mệt mỏi
Tối ngày 15-3, một nữ đồng nghiệp người bản xứ nhà báo Tatikarn Dechapong, làm việc tại tờ báo ThaiRath, dẫn chúng tôi đi xem cảnh lực lượng áo đỏ biểu tình. Sau khi đón gần chục xe taxi dừng lại nhưng các tài xế đều không dám chở đến khu vực đang diễn ra biểu tình; thậm chí dừng lại ở khu vực gần đó họ cũng không dám. Cuối cùng, cả nhóm đành phải đón xe Tuk tuk (loại xe đặc trưng ở Thái Lan với hình dáng tự xe lam).
Càng đến gần doanh trại Trung đoàn Bộ binh 11 ở quận BangKhen (nơi Chính phủ Thái Lan lập Trung tâm Hành động gìn giữ hòa bình), tình hình an ninh càng được thắt chặt bởi một số con đường đã được phong tỏa để ngăn chận sự tấn công của những người áo đỏ vào buổi sáng.
Qua quan sát, sau gần một ngày mệt mỏi dưới nắng nóng, những người biểu tình áo đỏ đã rút dần khỏi khu vực bên ngoài trụ sở của Trung đoàn Bộ Binh số 11 và tập trung về khu vực biểu tình chính ở cầu PhanFa trên đại lộ Ratchadamnoen. Nhiều cảnh sát và binh lính đứng chốt chặn, kiểm soát ở một số tuyến đường vào khu vực này nhưng chỉ dò xét đối với các đối tượng có mang túi xách hoặc vật thể nghi ngờ.
Ở con đường dẫn vào khu vực biểu tình gần Đài tưởng niệm lịch sử, một vài cửa hiệu của người dân vẫn mở cửa bán hàng bình thường; một số quán ăn vẫn sáng đèn để phục vụ thực khách. Thậm chí vào khu vực biểu tình thì vẫn có nhiều người dân bày bán thức ăn, hàng rong và đặc biệt là bán các bàn tay nhựa để vỗ tay (20 baht), áo thun đỏ (250 baht), hình cựu thủ tướng Thaksin…
Lực lượng biểu tình đã dựng lên các dãy lều dã chiến để phát thức ăn, chụp ảnh, thu thập chữ ký của người tham gia biểu tình…
Một sân khấu ngoài trời gần nhà trưng bày hình ảnh Hoàng hậu Hoàng gia Thái Lan được dựng lên với thiết bị ghi hình trực tiếp, truyền ra các màn ảnh rộng gắn trong khu vực biểu tình cùng hệ thống loa công suất lớn để các thủ lĩnh tổ chức biểu tình phát biểu. Hàng ngàn người áo đỏ đang tụ tập trước sân khấu và xung quanh sử dụng kèn, trống, bàn tay nhựa và các vật dụng khác để hưởng ứng sau mỗi câu hô hào tạo thành một âm thanh hỗn độn, ồn ào…
Trong lúc chụp ảnh một số hoạt động của người biểu tình, tôi bất ngờ bị một người phụ nữ áo đỏ nắm áo và hỏi một tràng tiếng Thái. Tôi lúng túng trả lời bằng tiếng Anh, chị ta không hiểu và lại càng la to hơn làm gần một nhóm đàn ông áo đỏ lực lưỡng xông tới, cặp cổ ôm chặt tôi, một đối tượng khác còn giật máy ảnh. Nghe tiếng tôi kêu cứu, cô bạn nhà báo Thái Lan Tatikarn Dechapong cùng nhóm đồng nghiệp đi cùng chạy lại, giải thích sự việc nên đám đông mới thả tôi ra.
Sau khi trao đổi bằng tiếng địa phương, những người biểu tình đã bắt tay và nói câu xin lỗi vì hiểu lầm tôi là người của…phe áo vàng (phe ủng hộ Chính phủ). Sau sự cố này, thấy tình hình quá phức tạp nên chúng tôi ra về trong bất ngờ xen lẫn một chút nuối tiếc!
Trên đường về, chúng tôi đã ghi nhận được hình ảnh mệt mỏi của những người tham gia biểu tình (phần lớn là nông dân ở các vùng nông thôn) phải ăn bánh mì, nằm ngủ vật vạ trong các lều dã chiến. Trên mặt đường và xung quanh cơ man là rác thải từ đám đông biểu tình, gây nên tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng.
Một chủ cửa hiệu ăn gần khu vực biểu tình, bất bình: Việc biểu tình đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi, đó là chưa nói đến những hậu quả xấu như gây tắc đường, mất vệ sinh và gây ồn ào cho người dân sống ở đây.
NGUYỄN HỮU CHÍ
(Tường thuật từ Bangkok)