Đất thiêng Long Khốt

Để có ngày hôm nay, có thể nói trên đất nước ta nơi nào cũng thắm máu xương của đồng bào, đồng chí. Một ngã ba Đồng Lộc, một Truông Bồn, một Thành cổ Quảng Trị, một Vị Xuyên, Gạc Ma... chưa kể đến đường 13 Tàu Ô - Xóm Ruộng, một Long Khánh với 10 ngày đêm bom cày, đạn xới và hàng ngàn người lính ngã xuống trước giờ toàn thắng…
Đất thiêng Long Khốt

Để có ngày hôm nay, có thể nói trên đất nước ta nơi nào cũng thắm máu xương của đồng bào, đồng chí. Một ngã ba Đồng Lộc, một Truông Bồn, một Thành cổ Quảng Trị, một Vị Xuyên, Gạc Ma... chưa kể đến đường 13 Tàu Ô - Xóm Ruộng, một Long Khánh với 10 ngày đêm bom cày, đạn xới và hàng ngàn người lính ngã xuống trước giờ toàn thắng…

Mùa hè nóng bỏng

Còn nhiều, nhiều lắm, những địa danh như thế; trong đó có Long Khốt, vùng đất thiêng nằm ở biên giới phía Tây Nam Tổ quốc.

Long Khốt là địa danh thuộc xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, giáp biên giới Việt Nam - Campuchia. Có vị trí chiến lược về quân sự trên tuyến hành lang từ miền Đông Nam bộ qua đất bạn Campuchia xuống đồng bằng sông Cửu Long. Trong các cuộc kháng chiến giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, Long Khốt là trọng điểm tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch.

Để có trận Tháp Mười, Mộc Hóa lừng danh, thời chống Pháp, nơi đây là căn cứ địa quan trọng. Vào những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân địch đã xây dựng Long Khốt thành yếu khu án ngữ đường tiến quân của ta về giải phóng đồng bằng.

Mùa hè năm 1972, trong chiến dịch Nguyễn Huệ, Trung đoàn 174, Sư đoàn 5, sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Lộc Ninh, đã được điều về giải phóng yếu khu Long Khốt. Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng chủ quan là chính, giữa mùa hè "đỏ lửa" năm ấy, Trung đoàn 174 mấy lần tấn công Long Khốt nhưng không dứt điểm được. Hệ lụy là hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 174 (đơn vị chủ công) nói riêng và các đơn vị phối hợp nói chung đã nằm lại nơi đây.

Các cựu chiến binh Trung đoàn 174 về thăm lại chiến trường xưa Long Khốt - năm 2015
Ảnh: MAI XUÂN THỌ

Chưa hết, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc, khói bom của cuộc chiến tranh chưa tan hẳn, thì tiếng súng lại rền vang một vùng biên giới khi bọn phản động Pol Pot - Ieng Sary tràn sang tàn sát đồng bào ta. Long Khốt lại trở thành điểm nóng. Suốt 43 ngày đêm bị địch bao vây, các chiến sĩ biên phòng đồn Long Khốt đã bám trụ kiên cường, còn người còn trận địa, không để một tấc đất của Tổ quốc rơi vào tay giặc. Và thêm một lần nữa, hàng chục cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Long Khốt đã anh dũng hy sinh sau khi đánh lui nhiều đợt tấn công và tiêu diệt hàng trăm tên địch.

Để tri ân những người đã ngã xuống vì đất nước, với sự giúp đỡ của Báo Sài Gòn Giải Phóng và các nhà tài trợ; năm 2008, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An và cấp ủy, chính quyền địa phương đã xây dựng nơi đây một đền thờ liệt sĩ khang trang.

Trong quá trình sưu tầm tư liệu xây dựng đền và bia tưởng niệm, anh em đã thống kê (chưa đầy đủ): riêng Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng) từ năm 1972 đến 1975 đã có gần 800 cán bộ, chiến sĩ hy sinh thuộc khu vực Long Khốt. Nếu tính cả các đơn vị phối thuộc, lực lượng địa phương và bộ đội biên phòng có tới gần 2.000 liệt sĩ đã nằm lại nơi đây .

Con số tổn thất đã nói lên sự đau buồn và hơn thế, đó là sự hy sinh cao cả, ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước của những người con ưu tú.

Giỗ liệt sĩ và tưởng nhớ Bác Hồ 

Đã thành truyền thống nhân văn tốt đẹp, từ hơn chục năm nay, năm nào cũng vậy, đúng kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), bà con hai xã Thái Bình Trung và Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An (nơi có Đồn biên phòng Long Khốt) lại phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng Long An tổ chức giỗ các liệt sĩ và tưởng nhớ Bác Hồ.

Trân trọng tri ân những người đã nằm xuống cho cuộc sống bình yên hôm nay, bà con tự nguyện đóng góp lễ vật để cúng liệt sĩ và Hồ Chủ tịch. Số người về dự lễ tưởng niệm và giỗ liệt sĩ mỗi năm một tăng thêm. Ngày 19-5- 2016 này là giỗ thứ 10 chúng tôi có mặt, có tới gần 500 người từ khắp nơi về dự, trong đó có các cựu chiến binh đã từng chiến đấu nơi đây.

Đất thiêng Long Khốt

Thực sự trở thành ngày hội, một hoạt động văn hóa tâm linh, bà con khắp nơi đã đến chăm lo hương khói cho liệt sĩ và thả đèn hoa đăng trên dòng sông Long Khốt từ tối hôm trước (18-5). Các cuộc viếng nghĩa trang, thăm hỏi gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng diễn ra thật ấm cúng, nghĩa tình. Mỗi năm giỗ liệt sĩ, chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng đều đề ra chỉ tiêu thực hiện ít nhất một công trình tri ân. Dịp 19-5 này, phối hợp với Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 5 và Trung đoàn 174 (đơn vị đã tham gia giải phóng Long Khốt trước đây), Huyện ủy - UBND huyện Vĩnh Hưng và BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã bàn việc chuẩn bị hồ sơ và các điều kiện cần thiết để đề nghị cấp trên công nhận Long Khốt là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trước đó, năm 2008, khu vực này đã được UBND tỉnh Long An cấp bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Xứng đáng một di tích

Luật Di sản văn hóa đã được kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 10 thông qua ngày 29-6-2001 và tại Điều 1 (Chương I) ghi rõ: "Di sản văn hóa là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác". Tại khoản 3 Điều 4 của luật này nói rõ thêm: "Di tích lịch sử - văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia...".

Căn cứ luật này, theo chúng tôi, Long Khốt đủ điều kiện để công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Thứ nhất, đây là địa điểm, di vật lịch sử qua các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra rất quyết liệt, nơi hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta đã ngã xuống để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Thứ hai, từ hơn thập kỷ qua, ngày 19-5 hàng năm đã trở thành ngày lễ hội văn hóa tâm linh (giỗ liệt sĩ và tưởng nhớ Bác Hồ) với sự tự nguyện từ lòng yêu nước, nghĩa cử tri ân của các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang, thu hút cả đồng bào Campuchia cùng tham dự.

Thứ ba, Long Khốt đã được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và ngày càng trở thành điểm hẹn văn hóa tâm linh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương phía Nam và nhân dân cả nước. Một dự án xây dựng cửa khẩu Long Khốt đang hình thành với nhiều công trình thiết thực, ý nghĩa về kinh tế, văn hóa, an ninh - quốc phòng trên vùng đất chiến trường xưa.

Cuối cùng, đó là tâm nguyện của các thế hệ các cựu chiến binh - những người đã trực tiếp chiến đấu tại Long Khốt nói riêng, của Long An nói chung qua các cuộc kháng chiến, là điểm hẹn tâm linh, tri ân đồng đội.

Vì vậy, Long Khốt - vùng đất thiêng nên sớm được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Tháng 7- 2016

TRẦN THẾ TUYỂN

Tin cùng chuyên mục