Dấu ấn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã nỗ lực đạt được những thành tựu hết sức quan trọng: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao. 

Năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng GDP 2,91%. Đây là mức tăng thấp nhất trong thập niên gần đây của Việt Nam nhưng là thành công lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nước trong khu vực và thế giới rơi vào suy thoái. Đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Dấu ấn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng ảnh 1 Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã nỗ lực đạt được những thành tựu hết sức quan trọng: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao. 

Kiện toàn hệ thống

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Việt Nam được đánh giá là 1 trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất; 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020. 

Bên cạnh việc phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đặc biệt quan tâm, tạo chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả thiết thực, có tính đột phá. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 4 nghị quyết, 1 quy định và Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành gần 130 văn bản, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và đạo đức. Nhiều quy định, quy chế được ban hành và thực hiện, nổi bật là Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25-10-2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm có thời hiệu, kể cả khi cán bộ đã nghỉ hưu; Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19-12-2017 về phân cấp quản lý cán bộ và quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy trình 5 bước để bảo đảm dân chủ, khách quan, chặt chẽ hơn; Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 về việc giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2-1-2020 về khung tiêu chuẩn chức danh và khung tiêu chí đánh giá cán bộ diện Trung ương quản lý… Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức được tiến hành mạnh mẽ, đồng bộ, gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của hệ thống chính trị được chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở và đạt nhiều kết quả. Cả nước đã giảm 4 đầu mối trực thuộc Trung ương; 7 tổng cục và tương đương; 83 cục, vụ và tương đương; 119 sở, ngành và tương đương; 5.889 phòng và tương đương; 5.145 đơn vị sự nghiệp công lập. Các địa phương bước đầu đã giảm được 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 545 đơn vị hành chính cấp xã, hơn 15.300 thôn, tổ dân phố và hơn 200.000 người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố.

Kỷ luật Đảng ngày càng nghiêm minh

Một đổi mới quan trọng, có tính đột phá là việc đánh giá cán bộ được tiến hành thường xuyên, liên tục, xuyên suốt cả quá trình công tác như đánh giá toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, năng lực, kết quả công tác và sức khỏe; đánh giá của cấp trên, cấp dưới, cùng cấp và tự đánh giá của bản thân; đánh giá bằng kết quả cụ thể; có sự so sánh với các chức danh khác tương đương; đánh giá công khai theo quy định và thông qua khảo sát; đánh giá người đứng đầu phải gắn với đánh giá của tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị. 

Cùng với đó, công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, huyện là người ngoài địa phương được đẩy mạnh; tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng và những biểu hiện tiêu cực khác trong công tác cán bộ từng bước được kiềm chế, đẩy lùi có hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được chỉ đạo chặt chẽ, kiên trì, quyết liệt với tinh thần “không có vùng cấm”, không có ngoại lệ đã đem lại nhiều kết quả cụ thể, có tác dụng răn đe mạnh mẽ, phòng ngừa sai phạm. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, thậm chí một số cán bộ bị xử lý hình sự. Trong số đó, có đến 53 cán bộ công tác ở các cơ quan chính quyền, 31 cán bộ lực lượng vũ trang nhưng các vi phạm phần lớn là thuộc các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. 

Những dấu ấn nhiệm kỳ Đại hội XII và kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã góp phần quan trọng làm cho Đảng đoàn kết, thống nhất hơn; trong sạch, vững mạnh hơn; củng cố, tăng cường hơn niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Phát huy tinh thần đó, dự thảo báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định sẽ: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Tin cùng chuyên mục