Ca sĩ

Đâu chỉ có hào quang!

Đâu chỉ có hào quang!

Có ca sĩ hát phòng trà với cát sê 100.000đ - 150.000đ/đêm. Có ca sĩ hàng đêm vô quán bar ngồi chờ chỉ để được hát lót trong lúc ca sĩ chính chưa đến, tất nhiên hát không thù lao. Lại có ca sĩ lãnh lương bằng tiền “bo” của thực khách đến nhà hàng. Còn rất nhiều ca sĩ bán giọng ca cho một đám cưới với giá 10.000đ. Tất nhiên cũng có ca sĩ mà giọng ca có giá 1.000 USD/1 sô diễn…

  • Ca sĩ hát, khán giả… dzô!

Hầu hết ca sĩ mới bước chân vào nghề đều bắt đầu từ việc đi hát trong các quán ăn, nhà hàng, tiệc cưới. V.H là một ca sĩ chuyên hát ở các quán nhậu, thuộc diện ca sĩ hát không cát sê. Cũng như những ca sĩ quán nhậu khác, thu nhập chính của cô đến từ những vị khách mời xuống bàn ngồi chung rồi “bo”. Vì vậy, đối với các ca sĩ quán nhậu thì trẻ, đẹp mới là yếu tố quyết định về thu nhập chứ không phải giọng ca.

Đâu chỉ có hào quang! ảnh 1

Tay micro, tay ly bia - hình ảnh quen thuộc của ''ca sĩ'' trong quán.

Thậm chí, ca sĩ trẻ M.N tuy nhan sắc chỉ ở mức trung bình nhưng mỗi lần xuất hiện đều thu hút sự quan tâm của các ông khách với một bộ đồ theo kiểu “ngắn tứ phương”. N cứ ra hát là các ông có chút hơi men thi nhau nhảy lên sân khấu hát cùng, rồi những ly bia đầy tràn liên tục cụng với ca sĩ và cuối cùng lúc nào cũng có vài tờ xanh được dúi vào tay thay cho lời cảm ơn.

Nam ca sĩ cũng không phải không có đất dụng võ, đối tượng chính của họ là các bà. Tại quán T.M có một bà khách thường xuyên đến nhậu và các ca sĩ trẻ nam là đối tượng được bà để ý nhiều nhất. Cứ sau mỗi bài hát chàng ca sĩ nào được bà để ý đều nhận được một khoản tiền “bo” kha khá! Tất nhiên, ở trong “môi trường” quán nhậu, ca sĩ bị chê bai, xua đuổi là chuyện bình thường, nhiều ca sĩ còn bị khách sờ soạng nhất là khi đã cho tiền “bo”.

Môi trường lành mạnh hơn một chút so với quán nhậu là tiệc cưới. Hiện trung bình ca sĩ được trả 50 ngàn đồng cho ba bài hát. Toàn bộ tiền “bo” của khách ca sĩ được hưởng trọn do chủ tiệc thông qua nhà hàng đã thanh toán phần cho nhạc công, ánh sáng. Tuy nhiên, tiền “bo” cho ca sĩ ở đám cưới thường không nhiều, ở tiệc cưới cũng không có việc xuống bàn ngồi với khách nên thu nhập chính của ca sĩ thường gói gọn trong khoản tiền do nhà hàng hay bầu trả. T.A (20 tuổi, nhà ở Phú Nhuận) là ca sĩ trưởng thành từ những ngày đi hát đám cưới!

Cô vốn là một cây văn nghệ ở trường. 5 năm trước, khi đi dự đám cưới người họ hàng và lên hát góp vui, cô bất ngờ được ông chủ nhà hàng đề nghị hát luôn cho các đám cưới được tổ chức tại đây. Công việc một ca sĩ bắt đầu từ đó. Giá cho một sô (2 bài) lúc đó được chủ nhà hàng trả 10.000đ. Sau vài tháng, nhờ sự giới thiệu, T.A mở rộng mạng lưới của mình sang các nhà hàng khác. Có đêm cô hát tới 5 đám cưới. Niềm sung sướng vì được lên sân khấu hát kéo dài không bao lâu, T.A nhận ngay ra rằng hát đám cưới chẳng ai thèm nghe!

  • Hát không cát sê, một cách tự tiếp thị

Nam ca sĩ P.N không lý giải được tại sao mình lại đam mê ca hát đến thế. Anh đã tốt nghiệp ĐH Luật và cũng đã là một luật sư tập sự, thế nhưng cái ước mơ được đứng trên sân khấu vẫn luôn thôi thúc P.N. Không quen biết ai, P.N tự vào sân khấu 126 xin được hát miễn phí.

Anh hát ở đây cả năm mà không được nhận một xu. “Nước chảy đá mòn” cuối cùng thì P.N đã được nhận vào hát chính thức, từ đó anh bắt đầu thiết lập các mối quan hệ. P.N tâm sự: “Khó mà trụ lại nếu sống bằng giọng hát. Trong suốt một năm hát miễn phí ấy tôi vẫn phải lấy ngắn nuôi dài, dựa vào gia đình”. Giờ thì P.N đã là ca sĩ quen thuộc của các bar 2000, Cao Phong, Number 1, Lê Minh…

Vào một quán bar trên đường Lý Tự Trọng, anh chỉ một cô gái ăn mặc rất môđen ngồi một mình ở một góc quán bar và nói: “Đó là một ca sĩ hát lót. Ngày nào cô ấy cũng vô đây ngồi chờ. Nếu vì lý do nào đó ca sĩ hát chính đến trễ cô ấy mới được lên hát để kéo dài thời gian cho khách đợi. Tất nhiên là hát miễn phí rồi…”. Từ sau hôm đó, mỗi lần vô quán bar tôi lại có thói quen quan sát tìm người hát lót. Quả thực những người như vậy không ít, trẻ có, trung niên có… tất cả đều có một nỗi đam mê chung là ca hát.

Thực tế, đối với các ca sĩ chưa nổi tiếng, việc tìm cho được những người chịu nghe mình hát là một chặng đường vô cùng gian nan.

  • Dám chơi, dám chịu!

4 cô gái trẻ của nhóm N.N lập nhóm nhạc chỉ để được hát và được… mặc đồ đẹp. Tuy nhiên, bước vào nghề, 4 cô gái trẻ mới phát hiện ra đủ thứ khó khăn chất chồng trước mắt. 4 cô gái phải chia việc ra lo, từ chuyện thu chi, tiền nong, thuê phòng, lên lịch tập hát, tập vũ đạo cho đến chuyện đối ngoại, đối nội sao cho ổn…

Đâu chỉ có hào quang! ảnh 2

Hát trong quán nhậu - nghề khó khăn cho các ca sĩ.

“Gian nan lắm, nhưng dám chơi, dám chịu! Nhiều bạn trẻ bây giờ cứ nghĩ làm ca sĩ là sướng. Thật ra, nhóm tụi em chỉ dám coi như đây là một lần thử sức mình. Thử làm việc mình thích, làm được đến đâu thì làm, vậy thôi. Mai mốt lấy chồng, có thể sẽ mỗi nơi một đứa” - M.T, người “chị cả” của nhóm nói.

Thực ra, N.N hiện vẫn là nhóm nhạc có nhiều sô, với cát sê trung bình vài trăm ngàn đồng/đêm diễn. Nhiều người còn cho rằng làm được như N.N đã là… mơ ước! Thế nhưng, 4 cô gái trẻ này hiểu mình chỉ mới có một chỗ đứng mong manh trong lòng khán giả.

Ngay chính U., một ca sĩ từng đoạt giải Tiếng hát Truyền hình TPHCM, từng là một trong những ca sĩ vơđét của các phòng trà nổi tiếng tại thành phố mà chỉ sau 1 năm nghỉ sinh quay lại, hầu như tất cả những nơi chị từng gắn bó đều quay lưng…

Nhưng rõ ràng hiện nay, sức hút của những “sao ca nhạc” vẫn quá lớn. Mắt thấy, tai nghe những Ư.H.P, T.H., L.C.K từng một thời nổi tiếng bởi công nghệ lăng xê của những ông bầu, nhiều bạn trẻ đã bất chấp tất cả mà lao vào giấc mơ “sao” như những con thiêu thân. Đã có rất nhiều người mất tình, mất tiền chỉ để được lăng xê vài lần trên những sân khấu lớn, tiếng chưa kịp nổi đã “chìm”!

Mới đây nhất là trường hợp của Tuyết Sơn, một chàng Việt kiều Úc trẻ tuổi đã tốn hàng chục ngàn đô cho ông thầy nhạc sĩ… Là những người có kinh nghiệm cay đắng trong nghề, hầu hết những ca sĩ đã thành danh đều muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ đang chạy theo những hào quang của các “sao” rằng: con đường ấy rất dài, nhiều cay đắng lắm! Mà vinh quang chẳng bao giờ đến với nhiều người. Hãy bước vào với một niềm đam mê thực sự, để đủ sức chịu đựng những khó khăn của nghề ca sĩ… 

NHÓM PHÓNG VIÊN VHVN
 

Tin cùng chuyên mục