Báo Tuổi Trẻ ngày 5-4-2008, nơi trang 9 có bài viết về chữ trinh của người con gái, nhan đề “Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường...”. Tác giả viết: “...Đến mối quan hệ ngoài hôn nhân như Thúc Sinh với Thúy Kiều mà trước khi về với bà vợ Hoạn Thư, anh chàng họ Thúc kia còn dặn:
Gìn vàng giữ ngọc cho hay,
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời...”
Tác giả nhầm rồi! Câu nói này không phải của Thúc Sinh mà là của Kim Trọng nói với Thúy Kiều. Lúc mối tình của Kim Kiều đang thời kỳ nồng thắm thì đột nhiên Kim Trọng nhận được thư nhà báo tin chú của chàng Kim mới chết và giục chàng mau về chịu tang. Trước lúc chia tay, Kim Trọng còn ân cần dặn Kiều hãy gìn vàng giữ ngọc để chờ chàng trở lại:
Gìn vàng giữ ngọc cho hay,
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.
Trước khi gặp Thúc Sinh, Kiều đã làm gái lầu xanh nhiều năm rồi, thì đâu còn vàng ngọc (chữ trinh) mà gìn giữ? Khi chia tay Kiều về với vợ là Hoạn Thư, Thúc Sinh không nói câu nào, chỉ có Kiều nói dài dòng tới 14 câu (vì Kiều là vai chủ động trong việc giục Thúc Sinh về nhà thu xếp với vợ cả chuyện lập “phòng nhì” để cho trong ấm ngoài êm).
XUÂN HUY
Vua có mấy hoàng hậu?
Trong mục “Nhặt sạn văn nghệ” Báo SGGP ngày 6-4-2008, tác giả T.N.T. viết: “Một vua có thể có nhiều vợ, nhiều cung phi, nhưng chỉ có một hoàng hậu mà thôi”! Theo tôi, đó là nguyên tắc, luật lệ cơ bản của chế độ phong kiến nói chung, điển hình như Trung Quốc. Nhưng các triều đại phong kiến ở nước ta có một số ngoại lệ.
Thí dụ: Năm 970 (2 năm sau ngày lên ngôi vua), Đinh Tiên Hoàng cho lập một lúc 5 hoàng hậu – một là Đan Gia, hai là Trinh Minh, ba là Kiểu Quốc, bốn là Cồ Quốc, năm là Ca Ông (“Đại Việt sử ký toàn thư”, tập I – 1993, trang 212).
Cũng vậy, vào năm 982 (2 năm sau ngày lên ngôi vua), Lê Hoàn (Đại Hành hoàng đế) cũng cho lập một lúc 5 hoàng hậu, gồm Đại Thắng Minh hoàng hậu, Dương Vân Nga (nguyên là hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng), Phụng Càn Chí Lý hoàng hậu, Thuận Thánh Minh Đạo hoàng hậu, Trịnh Quốc hoàng hậu và Phạm hoàng hậu (sách đã dẫn, trang 221-222).
Về hoàng hậu của vua Trần Duệ Tông, sử cho biết: Năm 1373 (3 tháng sau khi lên làm vua), ông sách phong cho nguyên phi (vợ chính) là Lê Thị làm Gia Từ hoàng hậu. Sau đó (năm 1375), sách phong cho Trần Thị (con gái của quan Thái bảo Trần Liêu) làm phi (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II – 1993, trang 157 và 159). Không thấy nói Trần Duệ Tông có nhiều hoàng hậu. (Duệ Tông tên thật là Trần Kính, sinh năm 1337, lên ngôi vua năm 1372. Đến năm 1377, ông đích thân cầm quân đi đánh Chiêm Thành, bị thua và tử trận. Năm ấy Trần Duệ Tông mới tròn 40 tuổi).
PHAN TRỌNG HIỀN (Ngô Tất Tố, Q. Bình Thạnh)