Đầu tư công tại TPHCM: Phấn đấu giải ngân năm 2021 đạt trên 90%

Năm 2021 dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong bối cảnh nền kinh tế thấm đòn với những khó khăn trước đó. Trong bối cảnh ấy, TPHCM xác định đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm. Vậy giải pháp nào để thành phố thực hiện được nhiệm vụ chính trị đặc biệt trong tình hình khó khăn do dịch bệnh? PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT, xung quanh các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM
PHÓNG VIÊN: Với khả năng ứng phó dịch bệnh giúp TPHCM là một thành phố có vốn giải ngân lớn đi đầu trong “top” các tỉnh thành về giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020, năm nay tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, bà có thể chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả?

Bà LÊ THỊ HUỲNH MAI: Hoạt động giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 được đánh giá là điểm sáng tích cực, cao hơn cùng kỳ các năm trước. Tổng số vốn đầu tư công năm 2020 của thành phố cao gấp 1,6 lần kế hoạch năm trước. Kết quả giải ngân năm 2020 cao gấp 1,4 lần về giá trị tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2019. Nếu không tính nguồn vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của thành phố đã đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (từ 90% trở trên). Theo xác nhận của Kho bạc Nhà nước TPHCM thì năm 2020 giải ngân được 35.114 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt là 83,6% tổng kế hoạch vốn thành phố đã giao (41.984,822 tỷ đồng). Nếu không tính nguồn vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, tỷ lệ giải ngân đạt là 92% tổng kế hoạch vốn thành phố giao.

Kết quả nêu trên đạt được là nhờ sự chủ động và nỗ lực rất lớn của cả thành phố. UBND TPHCM thường xuyên họp giao ban với các sở chuyên ngành, chủ đầu tư để rà soát các dự án và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất, áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng... nghiên cứu, rà soát các quy định Luật Đầu tư công, có các văn bản gửi Bộ KH-ĐT hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc...

Bên cạnh đó, UBND TPHCM cũng ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2020 để đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đối với công tác điều hành trong quản lý kế hoạch đầu tư công của thành phố.

Năm nay tiến độ giải ngân của TPHCM sẽ diễn biến như thế nào, thưa bà?

Bà LÊ THỊ HUỲNH MAI: TPHCM đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và bình ổn cuộc sống của người dân. Do đó, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công được xem là một trong những giải pháp trọng yếu mà thành phố phải triển khai. Thành phố xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2021 của các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp. Với sự quyết tâm của các ngành, các cấp như hiện nay, việc giải ngân các dự án sẽ thực hiện hiệu quả, tỷ lệ giải ngân tổng kế hoạch vốn đầu tư của thành phố đến hết năm dự kiến đạt kết quả từ 90% trở lên.

Vậy giải pháp để xử lý những khó khăn trong tình hình dịch hiện nay là gì, cách nào để thành phố đẩy nhanh hoạt động giải ngân các dự án vốn đầu tư nói chung, dự án vốn đầu tư công nói riêng?

Bà LÊ THỊ HUỲNH MAI: Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã trực tiếp tạo ra các khó khăn ảnh hưởng tiến độ giải ngân các dự án, đặc biệt đối với các dự án ODA vì các chuyên gia nước ngoài và thiết bị, máy móc phục vụ cho dự án không thể nhập khẩu vào Việt Nam; tiến độ thực hiện dự án bị chậm vì nhân công, lao động bị giãn cách; khó khăn dẫn đến nhiều tranh chấp liên quan đến hợp đồng, ảnh hưởng công tác thi công, nghiệm thu và giải ngân…

Đầu tư công tại TPHCM: Phấn đấu giải ngân năm 2021 đạt trên 90% ảnh 2 Dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sử dụng nguồn vốn ODA. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Để khắc phục, tháo gỡ các khó khăn nêu trên, ngoài các giải pháp đã thực hiện hiệu quả trong thời gian qua, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất. Tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 9-3-2020 của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của từng dự án, đề xuất điều chỉnh giảm vốn đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để kiến nghị điều chuyển sang các dự án có tỷ lệ giải ngân cao và có khả năng hoàn thành dứt điểm trong năm hoặc dự án đã có khối lượng hoàn thành, tránh để việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn vào cuối năm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư năm 2021.

Tuy nhiên, trong quá trình tham mưu xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2021, Sở KH-ĐT luôn đề xuất ưu tiên phân bổ vốn tập trung vào các dự án trọng điểm có tính lan tỏa, đã có mặt bằng thi công. Hiện sở cũng đã trình UBND TPHCM ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công.

TPHCM có chìa khóa dự trữ nào để tháo gỡ khó khăn nếu dịch diễn biến phức tạp không, thưa bà?

Bà LÊ THỊ HUỲNH MAI: TPHCM sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác. Trong đó, Sở KH-ĐT đánh giá yếu tố quan trọng nhất là sự phối hợp nhịp nhàng, kịp thời trên tinh thần trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc triển khai các dự án. Đặc biệt là công tác phối hợp thực hiện các thủ tục về đầu tư và tháo gỡ các vướng mắc về mặt bằng thi công. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần phải tích cực tuyên truyền, thông tin kịp thời, giải đáp các vướng mắc của người dân, từ đó tạo sự đồng thuận của người dân đối với việc thực hiện giải phóng mặt bằng, vì sự phát triển chung của thành phố.

Tin cùng chuyên mục