Dạy học sinh làm... lãnh đạo?

Nỗi niềm cán bộ lớp
Dạy học sinh làm... lãnh đạo?

Ban cán sự lớp là những thành viên đóng vai trò “cánh tay đắc lực” hỗ trợ cho giáo viên chủ nhiệm lớp theo dõi, quản lý, đánh giá kết quả học tập của lớp trong suốt năm học. Trở thành cán bộ lớp đối với một học sinh là niềm vinh dự, song việc nắm giữ vai trò cán bộ lớp cũng đem đến không ít áp lực cho học sinh.

Học sinh thay phiên nhau làm lớp trưởng tại Trường Lương Định Của, quận 3. Ảnh: Nguyễn Thủy

Học sinh thay phiên nhau làm lớp trưởng tại Trường Lương Định Của, quận 3. Ảnh: Nguyễn Thủy

Nỗi niềm cán bộ lớp

Tạ Nguyễn Ý Nhi, HS lớp 11A16 Trường THPT Nguyễn Thái Bình tâm sự: “Lên cấp 3 mà bảo xung phong tự nguyện làm cán bộ thì hiếm bạn nào chịu lắm, vì các bạn sợ mất thời gian, ảnh hưởng tới học tập, sợ thầy cô phê bình thiếu gương mẫu, chưa hoàn thành trách nhiệm, sợ bị bạn bè nói là “chảnh” và mách lẻo, thậm chí bị đánh tập thể nếu dám tố cáo sai phạm của bạn cho thầy cô”. Bản thân Nhi vì sợ áp lực và không muốn đứng giữa bạn bè và thầy cô nên đầu năm học Nhi được phân công làm lớp trưởng, Nhi đã từ chối, nhưng nhìn qua nhìn lại không ai chịu làm nên Nhi đành miễn cưỡng làm.

Không mấy hồ hởi với vai trò cán bộ lớp, nhiều HS đã tìm cách trốn tránh, thậm chí “tự đánh mất hình tượng” trong mắt thầy cô để được làm “dân thường”. Không ít HS vì cố “gồng” để hoàn thành nhiệm vụ cán bộ lớp đã gặp vô số áp lực: luôn phải giữ vai trò gương mẫu, chẳng may học sa sút so với các thành viên khác trong lớp thì bị đem ra so sánh… Chưa kể, những năm gần đây, không ít trường hợp vi phạm nội quy học đường lại rơi vào ban cán sự lớp.

Cách đây không lâu, việc nhóm nữ sinh Trường THCS Chu Văn An đánh bạn hội đồng và quay clip có sự tham gia của các thành viên trong ban cán sự lớp (lớp trưởng và 2 lớp phó) đã làm nhà trường và các bậc phụ huynh vô cùng ngỡ ngàng.

Trước đó, dư luận vẫn chưa hết xôn xao về vụ lớp trưởng lớp 12A3 Trường THPT số 1, Quảng Trạch, Quảng Bình là N.B.S ôm hàng chục hồ sơ và lệ phí tuyển sinh bỏ trốn khiến 25 học sinh trong lớp điêu đứng và bàng hoàng. Việc một thủ quỹ lớp N.Th.T.U, HS lớp 7 Trường THCS Phú Túc, Đồng Nai vì lỡ xài hết 160.000 đồng của lớp, sợ bạn bè, gia đình và nhà trường truy tội, cảm thấy xấu hổ đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.

Tiêu chuẩn nào cho một... “viên chức” lớp?

Theo thông lệ, đầu năm học giáo viên chủ nhiệm sau khi nhận lớp thường tổ chức bầu chọn hoặc chỉ định ban cán sự lớp (lớp trưởng, lớp phó học tập, lớp phó phong trào, thủ quỹ…). Thường giáo viên sẽ dựa vào học lực, hạnh kiểm của HS để làm tiêu chí chọn cán sự lớp. Ngoài ra, giáo viên còn dựa trên tinh thần tự nguyện của HS.

Tuy nhiên, một phụ huynh Trường THCS Bạch Đằng, quận 3 chia sẻ: “Một thực tế đáng buồn là bây giờ, nhà trường giao cho các em nhiệm vụ làm cán sự lớp, nhưng lại quên nhắc nhở các em hiểu rõ cũng như ý thức được tầm quan trọng và trách nhiệm của ban cán sự lớp. Nguy hiểm hơn, nhiều em lại có suy nghĩ làm cán sự lớp là có quyền lực và nhiều em đã dùng cái quyền này để up hiếp bạn bè hoặc nếu có làm sai thì cũng được giảm nhẹ tội”.

Hiện nay, tại nhiều trường tiểu học đã có mô hình dạy HS trở thành cán bộ lớp gương mẫu và những người lãnh đạo tương lai. Đơn cử, tại Trường Tiểu học Lương Định Của, hàng tuần học sinh các khối lớp, từ lớp 1 đến lớp 5 sẽ được luân phiên nhau làm lớp trưởng.

Tại Đà Nẵng, từ năm học 2006 - 2007 cho đến nay, Trường Tiểu học Lý Công Uẩn cũng áp dụng mô hình cán bộ lớp luân phiên này. Hàng tuần, từng HS trong lớp sẽ thay phiên nhau đảm nhiệm vai trò tổ trưởng, tổ phó, lớp trưởng… Đến nay, hầu hết học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 của nhà trường đã ít nhất một lần được làm cán bộ lớp. Điều này góp phần cải thiện hành vi, giáo dục kỹ năng sống và giao tiếp cho từng HS và góp phần thúc đẩy khả năng sáng tạo, quản lý, trách nhiệm của học sinh đối với bản thân và tập thể.

Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn tâm lý, ĐH Sư phạm TPHCM, chia sẻ: “Cán sự lớp cần được trang bị những kỹ năng nhất định. Điều này phụ thuộc vào trách nhiệm của hoạt động Đội TNTP (ở cấp tiểu học và THCS) hay Đoàn TNCS (cấp THPT). Đặc biệt, giáo viên cần trang bị những kỹ năng quản lý dù ở mức độ đơn giản cho cán sự lớp mới có thể hỗ trợ và định hướng công việc… Cán sự lớp vẫn là học sinh nên được giáo dục khi có những sai lầm. Vấn đề quan trọng là phải nhìn ra khuyết điểm của mình để điều chỉnh bằng cách tự giáo dục và chọn đúng người, cần động viên – trang bị những kỹ năng nhất định để cán sự có thể tự tin và vượt qua áp lực”.

Nguyễn Thủy - Anh Khoa

Tin cùng chuyên mục