Mới đây, Trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) triển khai cuộc vận động “Mùa thi nghiêm túc - hiệu quả” tới tất cả học sinh trong trường.
Theo đó, nhiều hình thức vận động được phổ biến như nói không với tiêu cực trong thi cử; học bài, làm bài tại nhà thật đầy đủ, khi đến trường, đến lớp nghiêm túc trong giờ học để tiếp thu kiến thức thật tốt; đi thi đúng giờ, nghiêm túc trong giờ thi, không gian lận trong thi cử; không nhìn bài của bạn; không xem tài liệu trong giờ thi, nghiêm túc trong khi thi… Dù những vấn đề này không mới và nó thuộc về ý thức, trách nhiệm mà mỗi học sinh khi đến trường phải có nhưng “việc hâm nóng” này nhắc nhở các em thấm nhuần hơn, có ý thức hơn đối với sự nghiệp học hành, trau dồi kiến thức, kỹ năng sống. Hơn nữa, ý thức về việc không gian lận trong thi cử, không nhìn bài của bạn là các em đã thể hiện sự nghiêm túc, làm bài thi bằng chính năng lực của mình. Đây chính là thước đo lòng trung thực và sự rèn luyện về nhân cách sống đúng chuẩn mực, có trách nhiệm đối với bản thân. Bởi lẽ khi vào đời, các em sẽ bước trên đôi chân và tư duy bằng cái đầu của mình chứ không phải của người khác.
Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TPHCM) cho thấy có đến 42% cho rằng học sinh phổ thông hay nói dối ở trong trường, gia đình lẫn ngoài xã hội. Điều này rất đáng báo động, bởi lẽ thiếu tính trung thực, hay nói dối hoặc có hành vi gian lận trong học hành, làm bài kiểm tra, thi cử… là biểu hiện về lối sống thiếu lành mạnh, không trong sáng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế học sinh thời nay hay nói dối, áp lực học hành căng thẳng nên chán học và nảy sinh hành vi đối phó với kiểm tra, thi cử. Vì thế, việc giáo dục học sinh về ý thức công dân, nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp như trung thực, sống nhân ái, biết phản ứng với những hành vi tiêu cực, lối sống thiếu chuẩn mực là cần thiết. Và để gieo vào tâm hồn học trò những mầm xanh hy vọng, niềm tin trong sáng thì chính thầy cô, cha mẹ, người lớn phải làm tấm gương sáng về đạo đức, lối sống.
Chúng ta không thể yêu cầu học sinh sống trung thực khi có không ít hình ảnh thiếu trung thực vẫn diễn ra ở trường học. Thậm chí, ngay cả giáo viên khi chấm bài thi hoặc kiểm tra cuối năm cũng phải phân chéo trường hoặc mỗi bài kiểm tra phải có ít nhất hai chữ ký? Đó là chưa kể, nhiều giáo viên vì chạy theo thu nhập, thiếu công tâm, trung thực khi đánh giá năng lực của học sinh nếu những trò này không theo học thêm. Hoặc nữa, vì để có những con số đẹp về tỷ lệ học sinh khá, giỏi cao, nhiều giáo viên đã xin điểm, nâng điểm kiểm tra cho học sinh, khiến không ít học sinh bất bình. Bài học trung thực luôn có ý nghĩa và nó tạo ra những phẩm chất đẹp nhất, trong sáng nhất của mỗi công dân trẻ. Vì thế, hãy nuôi dưỡng, hãy gieo vào tâm hồn các em những hành vi, lối sống và cách ứng xử chuẩn mực.
HƯNG HÀ
Các tin, bài viết khác
-
Cần đào tạo 7.300 giảng viên trình độ tiến sĩ trong 10 năm tới
-
Dạy văn hóa trong trường nghề - Gỡ khó cho chương trình 9+
-
Trao quyết định bổ nhiệm ông Vũ Hải Quân làm Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM
-
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tuyển 640 thí sinh có hộ khẩu tại TPHCM
-
Triển khai kế hoạch phòng chống đuối nước ở trẻ em, học sinh
-
Siết điều kiện xác định chỉ tiêu tuyển sinh
-
Giáo dục học sinh về cội nguồn dân tộc
-
TPHCM công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của 114 trường THPT công lập
-
Khuyến khích tổ chức dạy bơi cho học sinh trong và ngoài nhà trường
-
Tiếp tục tuyển sinh đào tạo nghệ thuật trình độ trung cấp, cao đẳng