Cách nay vừa tròn 50 năm, ngày 1-2-1962, tại cánh rừng thuộc căn cứ Mã Đà - chiến khu Đ, Đài Phát thanh giải phóng - cơ quan của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã chính thức phát sóng buổi đầu tiên.
1. Được xây dựng trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn của chiến khu, từ sự nỗ lực của lực lượng tại chỗ và đặc biệt là có sự hậu thuẫn tích cực của cán bộ nhân viên Đài Giải phóng A ở miền Bắc, chỉ trong thời gian ngắn, đài đã phát 10 giờ mỗi ngày và bằng 5 thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Hoa và Khmer phục vụ đồng bào và chiến sĩ, phát qua phía đối phương và truyền đi nhiều nơi trên thế giới. Phát huy tinh thần tự lực tự cường, linh hoạt sáng tạo, đài đã giữ vững làn sóng liên tục trong suốt 14 năm 7 tháng trong hoàn cảnh khó khăn do địch chống phá.
Sau phong trào Đồng khởi năm 60, phong trào cách mạng miền Nam phát triển ngày một mạnh mẽ, ngoài Thông tấn xã Giải Phóng và Báo Giải Phóng, nhu cầu thành lập một đài phát thanh ngay tại căn cứ kháng chiến được Bộ Chính trị đặt ra và Trung ương Cục miền Nam nhanh chóng chỉ đạo triển khai xây dựng Đài Phát thanh giải phóng. Các kỹ thuật viên đã mày mò tự lắp ráp máy phát công suất nhỏ, còn máy nổ là sử dụng một đầu máy xe tải. Việc thu âm được thực hiện bằng máy ghi âm băng tròn và dưới mái chòi lợp lá mật cật của vùng Mã Đà, đài đã phát thử lần đầu tiên và dùng chuyện Võ Tòng đả hổ làm nội dung. Ngay lập tức các địa phương Nam Trung bộ và ĐBSCL nghe được mừng vui báo về.
Tuy nhiên ở Mã Đà không được bao lâu, toàn bộ cơ sở phải quay về căn cứ cũ tại đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông thuộc tỉnh Tây Ninh. Vậy là trong vòng một tuần lễ, cả trăm tấn thiết bị nhanh chóng vượt 200km qua quốc lộ 13-14, qua sông Sài Gòn và được lắp đặt ổn định. Mọi công tác chuẩn bị về chương trình, nội dung, tiết mục rất khẩn trương và ngoài tiếng Việt, trung ương yêu cầu phải phát cả tiếng Anh, tiếng Pháp, Hoa và Khmer.
Ngày 1-2-1962, nhạc hiệu bài Giải phóng miền Nam của nhạc sĩ Huỳnh Minh Siêng - tức Lưu Hữu Phước vang lên, cùng với giọng của 2 xướng ngôn viên Xuân Việt và Thành Kỉnh: “Đây là Đài Phát thanh giải phóng - Tiếng nói của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam”, nghe mới thiêng liêng và cảm động làm sao. Lúc đầu tín hiệu phát đi còn khó nghe, lần lượt Bến Tre, Cần Thơ rồi Biên Hòa cùng điện về chúc mừng, chia sẻ và sau đó là gần như toàn bộ Khu 5 và cả Hà Nội đều bắt được sóng của Đài Phát thanh giải phóng.
2. Hàng ngày Đài Phát thanh giải phóng được Ban Tuyên huấn Trung ương Cục chỉ đạo sát sao về nội dung. Các đồng chí thường vụ phân công nhau theo dõi qua Đài TNVN, Đài Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh, Úc và một số đài khác để nắm tình hình, tổ chức giao ban hàng ngày vào 21 giờ để tổng hợp tin nóng, báo cáo Trung ương Cục và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, xin ý kiến chỉ đạo về từng vấn đề cụ thể. Ngoài ra, các đồng chí thường vụ Trung ương Cục cũng phân công viết bài để phát trên đài. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, bút danh Trường Sơn; Trần Độ, bút danh Cửu Long; Hoàng Văn Thái, bút danh Nam Hải; Trần Bạch Đằng, bút danh Đại Nghĩa….
Đồng chí Phạm Hùng sau này thay đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư Trung ương Cục đã từng nhận định: “Trong điều kiện khó khăn của kháng chiến, báo chí bị hạn chế, đến với quần chúng vừa ít lại vừa chậm thì đài đóng vai trò quan trọng, thay mặt các cơ quan báo chí, thông tấn, thông tin văn hóa đưa những tin tức cách mạng xác thực đến quần chúng nhân dân...”.
Vai trò và sứ mạng của đài là như vậy, song ngay từ những buổi phát sóng đầu tiên, đài đã lộ rõ nhược điểm là sóng yếu và chập chờn, bởi công suất chưa đầy 1kW. Chính điều này cùng với yêu cầu phải tăng cường thêm về nội dung và các chương trình của đài phải đi xa hơn, nên trung ương đã chỉ đạo cần phải có thêm Đài Phát thanh giải phóng A để hỗ trợ và tăng cường cho Đài Phát thanh giải phóng B khi ấy còn nhiều khó khăn và hoạt động trong sự uy hiếp, tìm diệt ngày đêm của kẻ thù. Và chỉ hơn 2 tháng sau khi đài B cất tiếng tại miền Nam, ngày 30-4-1962, Đài Phát thanh giải phóng A chính thức phát sóng tại Hà Nội.
Có thể nói trong suốt 13 năm hoạt động âm thầm và lặng lẽ, Đài Phát thanh giải phóng A đã hỗ trợ đắc lực cho Đài Phát thanh giải phóng B về mọi mặt, thể hiện mối quan hệ máu thịt giữa hậu phương lớn và tiền tuyến lớn. Sự phối hợp của 2 đài nhịp nhàng và hiệu quả, thực sự là mũi tiến công sắc bén, hết sức quan trọng, đưa tiếng nói của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đến với đồng bào và chiến sĩ cả nước, với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và với hàng ngũ đối phương.
3. Tiếp nối truyền thống vẻ vang và oai hùng của Đài Phát thanh giải phóng, Đài Tiếng nói nhân dân (TNND) TPHCM hôm nay đã và đang nỗ lực tiếp bước cha anh xây dựng sự nghiệp phát thanh phát triển không ngừng. Từ chỗ sau khi tiếp quản chỉ có 1 kênh AM 610 KHz, nay đài đã có thêm 2 kênh FM thông tin thương mại và giải trí phát trên kênh 99,9 MHz và kênh giao thông đô thị trên kênh 95,6 MHz với tổng cộng 62 giờ phát trong một ngày.
Trong suốt 36 năm qua, Đài TNND TPHCM vẫn luôn là tiếng nói tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào TP; thường xuyên và liên tục truyền đi các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân để dân tin tưởng, hưởng ứng, nghe theo và làm theo; là diễn đàn để mọi người dân góp ý, trao đổi về các vấn đề thiết thực của đời sống, góp phần làm cho công tác tuyên truyền pháp luật đi vào cuộc sống một cách hiệu quả hơn; là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với người dân - thể hiện rõ nét tính công khai, dân chủ và ưu việt của chế độ ta. Hàng ngày, các tin tức thời sự nóng trong và ngoài nước, các vấn đề dân sinh, các chương trình văn hóa văn nghệ giải trí, thông tin kẹt xe… được chuyển tải nhanh và đều đặn trên cả 3 hệ thống phát thanh của Đài TNND TPHCM, phục vụ tốt nhu cầu của bạn nghe đài gần xa.
VIỆT ANH