
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù ngành thủy sản xuất khẩu của Việt Nam luôn đạt kim ngạch xuất khẩu lớn, tuy nhiên những rào cản kỹ thuật, rào cản môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) từ các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga... đã làm cho các doanh nghiệp (DN) trong nước gánh chịu những thiệt hại nặng nề về tài chính và uy tín. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng trên là do khâu sản xuất, chế biến nguyên liệu chưa được kiểm soát hữu hiệu.

Từ thực tiễn trên, VASEP đã khuyến cáo các DN trong ngành: đẩy mạnh công tác tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng liên kết sản xuất với các nhà khoa học - nhà quản lý để tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh.
Ngoài ra, các DN cần xây dựng và thực hiện tốt các chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm mới có tiềm năng; đồng thời áp dụng các công nghệ tiên tiến vào khâu bảo quản, tiếp tục nâng cấp điều kiện sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý đảm bảo VSATTP theo HACCP, GMP, SSOP, đảm bảo 100% DN chế biến xuất khẩu đạt tiêu chuẩn ngành về an toàn thực phẩm. Và, tiếp tục đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghệ chế biến để tiếp cận với nền công nghiệp chế biến hiện đại của thế giới.
Việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và giáo dục về VSATTP ngay tại người sản xuất và cung ứng nguyên liệu; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng cần được chú trọng. Các DN chế biến tăng cường năng lực kiểm soát và phát hiện dư lượng kháng sinh, hóa chất trong nguyên liệu và tăng cường hoạt động liên ngành trong công tác bảo đảm VSATTP nhằm đáp ứng được yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, giúp ngành thủy sản đẩy mạnh được xuất khẩu trong thời gian tới.
TẤN MÂN