Dạy ngoại ngữ ở trường phổ thông còn ngổn ngang trăm bề

Dù đã có nhiều giải pháp nỗ lực nhưng việc cải thiện chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông vẫn ngổn ngang cái khó lẫn vướng mắc. Thực trạng học sinh học xong phổ thông nhưng không thể giao tiếp, sử dụng tiếng Anh đang là thách thức rất lớn. Cần một chiến lược dạy - học ngoại ngữ hiệu quả, nhưng làm thế nào để tạo ra đột phá?
Dạy ngoại ngữ ở trường phổ thông còn ngổn ngang trăm bề

Dù đã có nhiều giải pháp nỗ lực nhưng việc cải thiện chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông vẫn ngổn ngang cái khó lẫn vướng mắc. Thực trạng học sinh học xong phổ thông nhưng không thể giao tiếp, sử dụng tiếng Anh đang là thách thức rất lớn. Cần một chiến lược dạy - học ngoại ngữ hiệu quả, nhưng làm thế nào để tạo ra đột phá?

Giáo viên và học sinh đều lúng túng

Vì sao học sinh của chúng ta phần nhiều không có động lực và hứng thú học tiếng Anh? Lý giải thực trạng này, thạc sĩ Trần Đình Thanh Lâm (Trường THPT chuyên Sóc Trăng) nêu bức tranh chung ở đồng bằng sông Cửu Long: “Không có môi trường giao tiếp, không gặp người nước ngoài nào, học sinh thực hành với ai?”. Vì không có động lực để học nên các em chỉ học đối phó, để kiểm tra, thi cử và lâu dài cũng ngán học môn ngoại ngữ “vua” này. Chính thói quen thụ động học ngoại ngữ của học sinh cũng là rào cản phát triển kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Ngoài những bất cập lưu cữu như cơ sở vật chất không đảm bảo, giáo viên chưa đủ chuẩn, nội dung sách giáo khoa tiếng Anh lạc hậu…, một số giáo viên cho rằng thời lượng dành cho môn ngoại ngữ quá ít.

Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh, giáo viên giỏi dạy môn tiếng Anh, trường THPT Mạc Đĩnh Chi TPHCM đang trao đổi với học sinh lớp 12 chuyên Anh.

Theo thạc sĩ Trương Thuận Cần (Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long), chất lượng đầu vào của học sinh tỉnh Vĩnh Long theo học chương trình Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 rất  thấp. Có đến 25% học sinh tiểu học và 50% học sinh THCS tham gia khảo sát đầu năm học 2014-2015 không đạt yêu cầu. Do thiếu điều kiện về phòng ốc, giáo viên, nên có trường chỉ dạy 2 tiết/tuần. Và chỉ học 2 - 3 tiết/tuần từ bậc tiểu học đến bậc trung học thì lấy thời gian đâu để học sinh thực hành - luyện nghe, nói? Dẫn chứng các nước trong khu vực đầu tư dạy ngoại ngữ bài bản và dành thời lượng dạy tiếng Anh gấp 5 - 6 lần so với Việt Nam, thầy Vương Văn Cho (Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, TPHCM) cho biết ở Thái Lan, học sinh được học 18 tiết/tuần nên cơ hội thực hành nhiều hơn.

Tuy nhiên, khảo sát đối với học sinh ở hai trường Trung học Sài Gòn (Đại học Sư phạm Sài Gòn) và Trung học Phổ thông thực hành (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) - nơi có đầu vào cao - thì phần nhiều các em cũng trả lời không tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh, kỹ năng nghe - nói yếu. Theo giảng viên Trần Quang Nam, với thời lượng học tiếng Anh 3 - 4 tiết/tuần thì không đủ để học sinh nâng cao năng lực, kỹ năng giao tiếp.


Nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT cần phải tích hợp chương trình, giảm tải môn học để tăng thời lượng dạy - học tiếng Anh. Bên cạnh đó, để học sinh nâng cao kỹ năng giao tiếp thì phải bố trí thêm giáo viên chuyên luyện kỹ năng nghe, nói, không nên để một giáo viên đảm nhận dạy cả 4 kỹ năng như hiện nay. Và muốn đánh giá học sinh bằng 4 kỹ năng thì cần đầu tư phòng học, thiết bị đạt chuẩn, đội ngũ giám thị giỏi tiếng Anh… Điều này không thể thực hiện được vì các trường đều thiếu kinh phí đầu tư bài bản.

Cần chiến lược và giải pháp đồng bộ

Dù đã triển khai được 4 năm nhưng Đề án ngoại ngữ quốc gia đã đạt được điểm nhấn nào so với mục tiêu đặt ra? Kết quả mới nhất tại kỳ thi THPT quốc gia với phổ điểm bình quân của thí sinh chỉ đạt 2 đến 3,5 điểm cho thấy những nỗ lực cải thiện chất lượng dạy và học tiếng Anh còn tù mù. “Nhìn vào thực tế này để thấy rằng muốn đột phá, muốn đạt được mục tiêu của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 không dễ, nếu không muốn nói là duy ý chí khi đòi hỏi cả giáo viên lẫn học sinh phổ thông đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu”, đó là nhận định của nhiều chuyên gia, giáo viên dạy ngoại ngữ tiếng Anh tại hội thảo “Thực trạng dạy học tiếng Anh trong việc đảm bảo chất lượng đầu vào và kết quả đầu ra của học sinh các cấp phổ thông ở các tỉnh, thành phía Nam” do Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Ban soạn thảo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 tổ chức tại TPHCM mới đây.

Mổ xẻ, phân tích thực trạng, nhiều ý kiến cho rằng hướng tới đạt chuẩn khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc (Khung tham chiếu châu Âu) như đặt ra thì cần xây dựng chiến lược mang tính tổng thể, khoa học. Trước mắt cần phải lấp những điểm khuyết, thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thư viện, mở rộng học online, tạo môi trường học ngoại ngữ quốc gia cộng đồng, ngoại khóa… Trước mắt, phải chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên bằng nhiều hình thức, linh hoạt, khuyến khích họ tự học nâng cao trình độ. Điều đặt ra ở đây là chỉ có một bộ phận nhỏ giáo viên chịu khó tự học, tự đổi mới phương pháp dạy học tiếng Anh theo hướng hiện đại, tạo hứng thú cho học sinh.

Tiến sĩ Trần Thị Bích Phượng (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM) trăn trở: “Giáo viên tiếng Anh cũng phải bươn chải kiếm sống và họ quan tâm đến thu nhập nhiều hơn nâng cao kiến thức”. Vì thế, có không ít trường hợp được chọn đi tập huấn, nâng cao kiến thức nhưng từ chối hoặc “nhường” người khác đi. Nhưng ngay cả khi buộc phải đi tập huấn, có bao nhiêu giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực, trình độ, góp phần truyền lửa, sự tạo hứng thú cho học sinh học tiếng Anh?

Bàn về sách giáo khoa tiếng Anh, thạc sĩ Trần Đình Thanh Lâm cũng đặt vấn đề: “Vì sao chúng ta cứ phải loay hoay với việc làm sách tiếng Anh mà không tham khảo bộ sách giáo khoa phong phú của nước ngoài được biên soạn khoa học, có đầy đủ CD, chương trình kiểm tra đánh giá kèm theo để học sinh dễ dàng học?”

Ngoài ra, các kiến nghị cũng cho rằng phải sớm thay đổi cách kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh theo 4 kỹ năng, tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh chuẩn, phát triển các câu lạc bộ, sân chơi trải nghiệm bằng tiếng Anh... Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người và cần có chính sách tuyển dụng, ưu đãi phù hợp để thu hút giáo viên giỏi tiếng Anh vào nghề sư phạm. Như thế, để môn ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu hội nhập, đòi hỏi Bộ GD-ĐT phải nghiên cứu, đổi mới toàn diện chương trình dạy - học tiếng Anh theo hướng hiện đại.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục