Dạy trẻ trung thực: Bắt đầu từ người lớn

Dạy trẻ trung thực: Bắt đầu từ người lớn

Đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ ngày nay đang xuống cấp và làm méo mó hình ảnh người Việt. Bên cạnh đó, đức tính trung thực, thẳng thắn đang bị lu mờ cũng là mầm mống của tham nhũng, tiêu cực. Để mổ xẻ vấn đề rất đáng báo động này, SGGP thứ bảy đã trao đổi với chuyên gia xã hội học, ThS Phạm Thị Thúy - Học viện Hành chính Quốc gia.

Phóng viên: Nhận định của bà về thực trạng và những con số học sinh, sinh viên thời nay vi phạm đạo đức, lối sống ngày một gia tăng?

- Thầy cô và cha mẹ đang chóng mặt vì ngày càng nhiều hiện tượng tiêu cực phản ánh sự vi phạm chuẩn mực đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên. Là giáo viên, tôi xót xa, đau lòng lắm! Một phần vì giới trẻ ngày nay dùng điện thoại quá phổ biến, chuyện tốt chả quay toàn quay chuyện xấu đưa lên mạng xã hội, cộng với báo chí, dư luận quan tâm đẩy sự việc bùng lên, lan rộng như một đám cháy.

Dạy trẻ sống trung thực ngay từ khi còn bé và uốn nắn từ những hành vi sai lệch nhỏ nhất
Dạy trẻ sống trung thực ngay từ khi còn bé và uốn nắn từ những hành vi sai lệch nhỏ nhất

Hiệu ứng ngược của truyền thông mạng là làm cho giới trẻ tò mò về những chuyện xấu đó, xem nhiều, bình luận nhiều... Thậm chí, những học sinh, sinh viên có mầm mống mải chơi, lười học, bất mãn với thầy cô sẽ bắt chước. Điều này rất đáng báo động.

Vì sao tật nói dối, sống thiếu trung thực lại nở rộ và một bộ phận giới trẻ xem đây là chuyện bình thường?

- Theo tôi, nguyên nhân của thực trạng vi phạm đạo đức, nói dối, thiếu trung thực… ở thanh thiếu niên là do người lớn. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều như những thiên thần. Nhưng trong quá trình lớn lên, ảnh hưởng từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè, cộng đồng xã hội… đã tác động, hình thành nhân cách của các em bây giờ, bao gồm cả tốt lẫn xấu. Ở cái nôi gia đình, cha mẹ bận rộn ít quan tâm đến con, đụng chuyện là cấm, phạt, chửi, mắng...

Ở nhà trường, thầy cô dạy buồn tẻ, bài giảng kém hấp dẫn cả về nội dung lẫn hình thức... càng kích thích trẻ quậy phá, nổi loạn. Đó là chưa kể một số thầy cô, cha mẹ chưa phải là tấm gương tốt cho trẻ nhìn vào học hỏi. Những hành vi đánh con khi nổi nóng, nói dối, làm ăn gian dối... diễn ra hàng ngày trước mắt trẻ thì làm sao dạy trẻ sống tử tế, trung thực?

Rồi game bạo lực, chat trong game, mạng xã hội bùng nổ với những ngôn từ ngày càng thô tục, viết tắt kiểu @... đã làm giới trẻ xa rời nét đẹp của tiếng Việt, ngày càng cằn cỗi tâm hồn. Thực tế này cũng xuất phát từ văn hóa đọc, môn văn, môn đạo đức của chúng ta ngày càng bị xem nhẹ. Người Việt chúng ta chỉ đọc bình quân 0,8 cuốn sách/năm là thực trạng đáng buồn. Sách, nhất là sách văn học, là những bài học làm người, trau dồi nhân cách con người nhưng giới trẻ đang xem nhẹ.



Thực trạng môn văn học khô khan, còn môn đạo đức, giáo dục công dân bị xếp vào môn phụ, phải để giờ cho các môn chính khác ôn thi... cũng là một trong các nguyên nhân. Văn mẫu là thứ tệ hại nhất làm mất đi khả năng sáng tạo của học sinh. Học theo thành tích, học để thi làm trẻ không có niềm vui khi học, giết chết cảm xúc thánh thiện trong các em.

Một vấn đề chúng ta đang phải đối mặt là mạng xã hội, Internet chuyển tải rất nhiều thông tin tiêu cực trong đời sống xã hội... Người lớn đọc còn thấy bi quan, nói gì đến trẻ em, thanh thiếu niên. Khi bi quan, chán sống, trẻ không còn ước mơ, mất định hướng... sẽ càng dễ dẫn đến làm bậy.

Theo bà, có những lỗ hổng nào trong vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, định hướng lối sống trung thực, nói không với những hành vi sai trái, tật xấu như ăn cắp vặt, chỉ mưu cầu cái lợi cho mình bất chấp mọi thứ... của một bộ phận giới trẻ?

- Theo tôi, các lỗ hổng quá lớn và rất khó trám. Bữa cơm chung trong gia đình đang ngày càng ít đi. Cha mẹ và con cái ngày càng không hiểu nhau. Tôi đi nói chuyện chuyên đề và nhận được nhiều lời than phiền của các bậc cha mẹ. Còn nhà trường, như đã nói, nghiêng về nhồi nhét kiến thức mà xem nhẹ việc giáo dục học sinh làm người, hoàn thiện những tính tốt, chuẩn mực như trung thực, thẳng thắn, nói không với những hành vi xấu, sai trái, vi phạm đạo đức...

Có lẽ điều nhức nhối hơn cả là người lớn chúng ta đang thiếu gương mẫu. Khá nhiều cha mẹ, thầy cô, người lớn trong xã hội đang sống, làm việc thiếu trung thực, chỉ biết lợi ích bản thân, tìm mọi cách tham nhũng, tiêu cực... Một khi giới trẻ phải chứng kiến mỗi ngày, tiếp nhận quá nhiều tin xấu trên mạng thì làm sao chúng không tiêm nhiễm?

Theo bà, chúng ta cần phải làm gì để chấn hưng đạo đức, lối sống và giúp học sinh, sinh viên thay đổi hành vi, nhận thức đúng giá trị tốt đẹp là sống trung thực, thẳng thắn, có trách nhiệm?

- Tất cả phải bắt đầu từ người lớn, cụ thể ở đây là trách nhiệm của mỗi cha mẹ, mỗi thầy cô giáo và những người có trách nhiệm. Khi nào họ sống thật với những giá trị tốt đẹp, cẩn trọng trong lời ăn, tiếng nói, việc làm... thì đó là gương tốt cho trẻ và các em sẽ có ảnh hưởng tốt, từ đó học được nhiều điều hay. Không có ngôn ngữ giáo dục nào có sức thuyết phục bằng hành động đúng đắn, chuẩn mực của người lớn.

Chân thành cảm ơn bà.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục