ĐBQH đề nghị mạnh dạn cho TPHCM thí điểm đột phá để kiểm nghiệm trong thực tiễn

Chiều 30-5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Đoàn ĐBQH TPHCM thảo luận tổ chiều 30-5. Ảnh: QUANG PHÚC
Đoàn ĐBQH TPHCM thảo luận tổ chiều 30-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Hầu hết các ý kiến đều ủng hộ cao và mong muốn Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp thứ 5 này để tạo điều kiện cho TPHCM phát triển nhanh, mạnh trong thời gian tới.

Nhấn mạnh vị trí, vai trò đóng góp của TPHCM đối với cả nước, ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đồng tình sự cấp thiết ban hành Nghị quyết cho TPHCM theo thể thức rút gọn tại kỳ họp thứ 5 này, bảo đảm tính liên tục để tạo điều kiện cho TPHCM phát triển với đặc điểm về vị trí, vai trò đóng góp của TPHCM đối với cả nước. Với vị trí đặc thù của TPHCM cần có những chính sách đặc thù, đặc biệt, nổi trội để TPHCM vượt lên, vượt qua sự trì trệ, suy giảm về tăng trưởng hiện nay. Thậm chí, theo ĐB, cần có chính sách vượt trội hơn nữa cho TPHCM.

ĐB Trần Chí Cường cho rằng chúng ta đang băn khoăn những vấn đề, chính sách đang nằm trong các dự thảo đang bàn, chưa muốn cho TPHCM thí điểm. “Nhưng tôi cho rằng, chúng ta tạo điều kiện để TPHCM thí điểm, tiên phong thí điểm, do đó có những vấn đề được, có vấn đề chưa được luật cho phép, nhưng vì thí điểm nên phải chấp nhận cho vượt ra ngoài đường biên để TPHCM làm, đột phát, như thế mới là đặc thù, đặc cách, còn nếu những gì đã có, đã rõ thì không cần thí điểm”, ĐB nêu.

Do đó không chỉ TPHCM, những nơi được cơ chế đặc thù cần mạnh dạn cho thí điểm đột phá để kiểm nghiệm trong thực tiễn. Những gì TPHCM đề xuất có thể hiệu quả trong thực tiễn, nên ủng hộ TP làm, còn Trung ương có cơ chế để hậu kiểm, kiểm soát. ĐB Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) hoàn toàn nhất trí với ý kiến của ĐB Cường.

ĐB Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng hoàn toàn đồng tình với dự thảo nghị quyết, bởi vị trí, vai trò đặc biệt của TPHCM, Bộ Chính trị cũng đã có nghị quyết về phát triển TPHCM.

Theo ông Tùng, TPHCM là đô thị đặc biệt, là nơi luôn thể hiện tính năng động, sáng tạo, do đó là nơi để chúng ta có thể thí điểm các chính sách mang tính đột phá, để từ đó có thể đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng ra cả nước.

ĐB Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: PHAN THẢO

ĐB Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: PHAN THẢO

Về việc HĐND TP được quyết định số lượng cán bộ công chức công tác tại xã phường thị trấn đáp ứng yêu cầu công việc mà một số ĐB đề cập, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, tính chất địa bàn của TPHCM có sự khác biệt, dân số rất đông, do đó chỗ này cũng cần tính toán. Biên chế bộ máy do cấp có thẩm quyền giao cứng cho từng địa phương, TPHCM đã có tổng biên chế hành chính được giao, khi được quyết định số lượng cán bộ công chức công tác tại xã phường thị trấn đáp ứng yêu cầu công việc thì sẽ tính lại ở chỗ khác, do đó phải bảo đảm tính khả thi, hài hòa, hợp lý.

“Đồng tình phải bảo đảm tính vượt trội của cơ chế đặc thù nhưng cũng phải bảo đảm hợp lý”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu.

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM là những quy định xứng đáng và nên có.

Trong số những nhóm cơ chế, chính sách đặc thù này, ĐB Lê Thanh Vân lưu ý về vấn đề tổ chức bộ máy của TPHCM. “Suy cho cùng, 3 nhóm cơ chế về đầu tư, tài chính, đất đai, cho dù trao cho họ quyền tích cực hơn nhưng nếu bộ máy không đủ năng lực pháp lý, nhân sự không tương xứng thì ba nhóm kia không có ý nghĩa”, ĐB Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau). Ảnh: VIẾT CHUNG
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau). Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Vân cho rằng, cần trao năng lực pháp lý để TPHCM tự tổ chức bộ máy phù hợp với điều kiện của Thành phố trên cơ sở luật tổ chức chính quyền địa phương quy định. Ví dụ, các sở, ngành liên quan tổ chức văn hóa, thiết chế kinh tế nên trao Thành phố quyền năng động tự tổ chức phù hợp, TP có quyền linh hoạt trong định đoạt tổng số biên chế. Có như vậy, mới tạo ra bộ máy vận hành phù hợp với TPHCM.

ĐB Lê Thanh Vân cũng đề xuất trao cho TPHCM quyền phân cấp cán bộ mạnh hơn. Ví dụ, Trung ương quản lý tới cấp trưởng, cấp phó ở cấp trụ cột, còn cấp dưới như cấp thường vụ nên cho TPHCM tự quyết định và chịu trách nhiệm. TPHCM cần được quyền ban hành các cơ chế nổi trội, thậm chí khác với quy định hiện hành để thu hút nhân tài. Trao cho họ quyền tự chủ, thu hút nhân tài thì có thể thu hút được nhiều nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Tin cùng chuyên mục