ĐBSCL được “đánh thức” nhưng chưa vươn lên mạnh mẽ

Ngày 27-10, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Liên kết vùng trong phát triển nhanh và bền vững vùng ĐBSCL”.
Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có: GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV; ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang và các nhà khoa học tại các học viện chính trị, trường chính trị.

Hội thảo đã nhận được 50 tham luận của các cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học.

Nhiều đại biểu chỉ ra những thách thức mà ĐBSCL phải đối diện, nhất là biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt hơn

Nhiều đại biểu chỉ ra những thách thức mà ĐBSCL phải đối diện, nhất là biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt hơn

Các ý kiến tại hội thảo đã làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về liên kết vùng trong phát triển bền vững ở ĐBSCL, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả liên kết vùng ở ĐBSCL. Từ đó góp phần triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, ĐBSCL là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia. Vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển; là một trong những đồng bằng lớn và phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á. Trong công cuộc đổi mới, kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đạt được kết quả khá toàn diện.

Song, GS.TS Lê Văn Lợi cũng chỉ ra, kinh tế - xã hội của ĐBSCL vẫn còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức; phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. ĐBSCL đang và sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mới, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và rủi ro từ việc hợp tác quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Công. ĐBSCL là một vùng đất trù phú, giàu tiềm năng, lợi thế nhưng phát triển chậm, chưa thịnh vượng; vùng đất mà sau nhiều năm “ngủ yên”, đã được “đánh thức” vào những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng chưa vươn lên mạnh mẽ. Người dân nơi đây phần lớn chưa khá giả.

Trong các hạn chế của ĐBSCL hiện nay là hạ tầng giao thông còn yếu

Trong các hạn chế của ĐBSCL hiện nay là hạ tầng giao thông còn yếu

Theo GS.TS Lê Văn Lợi, có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng là tư duy về liên kết vùng chậm được đổi mới; hoạt động của Hội đồng điều phối vùng chưa hiệu quả; cơ chế điều phối, kết nối vùng, liên vùng còn nhiều bất cập.

Sự kết nối, liên kết giữa các địa phương dựa trên quy hoạch cũng như việc xây dựng, hình thành thể chế chính sách thống nhất về thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới khoa học công nghệ và chia sẻ thông tin... cũng còn một số bất cập. Bên cạnh đó, liên kết trong phát triển kinh tế - xã hội giữa ĐBSCL và vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là TPHCM, hiệu quả chưa cao. Tư duy về liên kết vùng chậm được đổi mới, một số địa phương chưa thấy được sự cần thiết và lợi ích của việc tăng cường liên kết vùng. Từ đó chỉ quan tâm đến địa phương, chưa đặt sự phát triển của địa phương trong mối quan hệ, liên kết với các địa phương khác trong vùng. Thiết chế điều tiết, điều phối liên kết vùng hoạt động chưa hiệu quả; cơ chế điều phối, kết nối vùng còn nhiều bất cập, quy hoạch tổng thể phát triển của vùng chậm được ban hành…

Các nhà khoa học đã chỉ ra những thách thức mà ĐBSCL đang đối diện: Hạ tầng còn yếu, nhất là hạ tầng giao thông; biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt; tình trạng di dân gia tăng; nhiều địa phương còn sản xuất lúa vụ 3 - làm mất không gian chứa nước ngọt trong mùa mưa lũ...

Tại hội thảo, các đại biểu đã làm rõ về mặt lý luận một số vấn đề cơ bản về liên kết vùng. Đồng thời, chia sẻ trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong liên kết vùng và mô hình liên kết vùng trên thế giới và một số khu vực ở Việt Nam, cũng như kinh nghiệm thực tiễn về tăng cường liên kết vùng giữa một số địa phương ở ĐBSCL với Đông Nam bộ thời gian qua.

Nhiều ý kiến đã làm rõ thực trạng, nguyên nhân và một số vấn đề đang đặt ra trong liên kết vùng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở ĐBSCL. Ý kiến từ các đại biểu đã góp phần làm rõ ưu điểm, kết quả đạt được thời gian qua. Đồng thời chỉ rõ một số vấn đề đang đặt ra trong thực hiện liên kết vùng ở ĐBSCL trong thời gian tới.

“Chúng tôi rất mừng khi nhận được những đề xuất gắn với giải pháp khả thi nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết vùng ở ĐBSCL đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, nhất là trong quá trình chuyển đổi số. ĐBSCL cần trả lời được câu hỏi: Làm thế nào để liên kết vùng trở thành quan điểm chỉ đạo, chiến lược dẫn dắt sự phát triển của toàn vùng và từng địa phương trong vùng; đổi mới thiết chế điều phối vùng như thế nào để đáp ứng yêu cầu định hướng, điều phối liên kết vùng ở ĐBSCL trong bối cảnh mới?”, GS.TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục