Mekong Invest 2017 là sự kiện kinh tế lớn trong lĩnh vực xúc tiến thương mại đầu tư, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các tập đoàn kinh tế lớn về tư vấn đầu tư, dịch vụ bất động sản du lịch, logistics. Đặc biệt, có các khách mời quốc tế đến từ các cơ quan ngoại giao, tổ chức xúc tiến quốc tế cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, ban tổ chức đã giới thiệu tiềm năng, cơ hội, lợi thế phát triển du lịch cũng như phân tích đánh giá nhu cầu phát triển hạ tầng, điểm đến du lịch. Ngoài ra, còn có các hoạt động gặp gỡ, giao thương, tìm hiểu đầu tư giữa doanh nghiệp và các cơ quan xúc tiến địa phương giữa doanh nghiệp trong, ngoài nước với doanh nghiệp ĐBSCL.
Tại hội nghị, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao tiềm năng du lịch của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng; đồng thời cho biết du lịch đang là mảng kinh doanh hấp dẫn, nhiều tiềm năng, nếu đúng mục tiêu phát triển của doanh nghiệp thì sẽ ưu tiên đầu tư.
Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, trong 8 năm qua, du lịch ĐBSCL tăng trưởng hàng năm hơn 10% trên cả 3 tiêu chí (lượng khách, lưu trú, doanh thu). Đặc biệt, hạ tầng phát triển du lịch ngày càng được đầu tư, các doanh nghiệp du lịch ngày càng phát triển. Năm 2016, ĐBSCL đón 28 triệu lượt khách; trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế và 8,5 triệu lượt khách lưu trú (900.000 khách quốc tế). Doanh thu ước đạt 15.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay, ĐBSCL mới chỉ có khoảng 60 khách sạn từ 3 đến 5 sao với hơn 8.000 phòng, tập trung chủ yếu ở Phú Quốc và Cần Thơ. So với quy hoạch, cơ sở lưu trú thiếu trầm trọng, khu vui chơi giải trí lớn chỉ có 2 điểm là Vinpearl Phú Quốc và Nhà Mát Bạc Liêu, chưa có nhiều điểm dừng chân lớn (chỉ có một điểm dừng chân là Mekong Tiền Giang Reststop), chưa có trung tâm ẩm thực kết hợp giải trí tổng hợp có quy mô lớn và trung tâm mua sắm tầm cỡ thu hút khách du lịch.
Tại hội nghị, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL kiến nghị Trung ương và các công ty hàng không có cơ chế cho Sân bay Cần Thơ mở thêm các đường bay nội ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và một số chuyến bay quốc tế có thị trường khách du lịch đến ĐBSCL như Đông Á, Đông Nam Á… Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển thêm đường cao tốc tại ĐBSCL, xây cầu Hồng Ngự - Tân Châu của tuyến đường N1 và cho cơ chế đặc thù đầu tư phát triển du lịch vào ĐBSCL.
Cùng quan điểm trên, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, hạ tầng để phát triển du lịch tại ĐBSCL đầu tiên phải nói đến giao thông. Theo đó, thế mạnh đặc biệt của ĐBSCL là sông nước, và việc phát triển hệ thống du lịch đường sông sẽ mang lại hiệu quả đặc thù của vùng sông nước Cửu Long.
Theo ông Nam, hiện giao thông thủy của vùng còn thiếu kết nối, thiếu tuyến, thiếu tàu thuyền, thiếu bến tàu du lịch, vì thế, thiếu sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.