Để chấm dứt xung đột

Tính đến ngày 15-10, giao tranh giữa phong trào Hamas và Israel ở Dải Gaza đã khiến hơn 3.500 người thiệt mạng, hơn 12.000 người bị thương. Giới chuyên gia nhận định, xung đột có thể khiến các ngân hàng trung ương đối mặt với những xu hướng lạm phát mới, cũng như “giáng đòn mạnh” vào triển vọng kinh tế toàn cầu.
Người dân Palestine rời bỏ nhà cửa ở Dải Gaza nhằm tránh cuộc xung đột Hamas - Israel, ngày 9-10-2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân Palestine rời bỏ nhà cửa ở Dải Gaza nhằm tránh cuộc xung đột Hamas - Israel, ngày 9-10-2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Xung đột bùng lên trong bối cảnh Israel đang rơi vào tình trạng bất ổn chính trị nội bộ khiến nước này dễ bị tổn thương. Về mặt quốc tế, Israel đang trong quá trình đàm phán với Saudi Arabia về một thỏa thuận 3 bên phức tạp, trong đó Washington đóng vai trò trung gian.

Một phần của thỏa thuận dự kiến sẽ liên quan đến những nhượng bộ của Israel ở Bờ Tây nhằm củng cố chính quyền Palestine và tăng thêm khả năng thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

Ngoài ra, Israel cũng đã đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác về xuất khẩu khí đốt sang châu Âu cùng với các hành lang thương mại từ châu Á. Tuy nhiên, Saudi Arabia hôm 14-10 đã tuyên bố đình chỉ các cuộc đàm phán hướng tới bình thường hóa quan hệ với Israel.

Những thỏa thuận còn lại cũng có nguy cơ chấm dứt do tình hình giao tranh khốc liệt trên Dải Gaza. Chiến dịch quân sự lớn cuối cùng của Israel chống lại Hamas ở Gaza là vào năm 2014, kéo dài 7 tuần và khiến hơn 2.000 người Palestine cùng hàng chục người Israel thiệt mạng.

Sau đợt tấn công đó, cùng với việc Israel phá hủy cơ sở hạ tầng điện, nước tại khu vực, Liên hợp quốc cảnh báo nếu cộng đồng quốc tế không mạnh mẽ hành động, Gaza sẽ “không thể sinh sống được”. Cùng với thời gian, bạo lực bùng phát gần đây nhất ở Dải Gaza là một lời cảnh tỉnh bi thảm về hậu quả mà con người phải gánh chịu sau nhiều thập kỷ bị áp bức. Những con số thương vong tăng vọt mỗi ngày đã cho thấy sự bi thảm đó, trong đó nhiều mục tiêu và người thiệt mạng ở cả hai bên đều là dân thường.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về nhân quyền tại lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng đã lưu ý “bất cứ ai tấn công dân thường (các nhóm vũ trang Palestine hoặc lực lượng chiếm đóng của Israel) đều phạm những tội ác cần được vạch trần”.

Lầu Năm góc cho biết, trong cuộc điện đàm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin với người đồng cấp Israel, ông Austin đã thảo luận về tầm quan trọng của việc tuân thủ luật chiến tranh, “bao gồm cả nghĩa vụ bảo vệ dân sự và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Gaza trong khi Israel tiếp tục các hoạt động nhằm khôi phục an ninh”.

Còn trong điện đàm với Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi Chính phủ Israel “chấm dứt hành vi trừng phạt tập thể đối với người dân Dải Gaza”, đồng thời cho rằng hành động của Israel ở Dải Gaza đã “vượt quá phạm vi tự vệ”… Các cuộc tuần hành yêu cầu bảo vệ dân thường trong cuộc xung đột này cũng đã diễn ra tại nhiều thành phố lớn trên thế giới.

Không có một cuộc tấn công nhằm vào dân thường nào là hợp pháp hoặc được chấp nhận. Nhưng nếu không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ, bạo lực sẽ tiếp tục bùng phát. Ngay từ bây giờ, điều cần thiết là cộng đồng quốc tế cùng Liên hợp quốc cần hành động khẩn cấp trong việc kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.

Quan trọng nhất, tất cả các bên không nên có bất kỳ hành động nào làm leo thang tình hình, cung cấp các điều kiện cần thiết để giảm bớt tác động tiêu cực của khủng hoảng nhân đạo và quay lại bàn đàm phán sớm nhất có thể. Lối thoát cơ bản cho điểm nóng lúc này vẫn là thực hiện giải pháp hai nhà nước. Ngoài ra, Liên hợp quốc cũng cần yêu cầu trách nhiệm thực sự đối với các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và đưa những động thái nhằm đòi hỏi sự bình đẳng cho tất cả người dân.

Tin cùng chuyên mục