Để doanh nghiệp dám vay và vay được

Không chỉ hao hụt về số lượng, mà “sức khỏe” nhiều mặt của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thời gian qua cũng đã bị bào mòn đáng kể, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Lần đầu tiên trong nhiều năm, số DN dừng hoạt động, đóng cửa, giải thể vượt quá số DN gia nhập thị trường. Chỉ số niềm tin kinh doanh của DN cũng ở mức gần như thấp nhất trong suốt 18 năm VCCI triển khai khảo sát DN thường niên. Theo VCCI, những khó khăn hàng đầu mà DN đang gặp phải hiện nay là tiếp cận tín dụng có nhiều trở ngại, thị trường bị thu hẹp, khó khăn trong tìm kiếm khách hàng và tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 vẫn còn kéo dài.

Xét riêng về tiếp cận tín dụng, mức độ gặp khó khăn của các DN có sự khác nhau theo nguồn gốc sở hữu của các ngân hàng thương mại. Khoảng 61% DN đánh giá “thủ tục vay vốn phiền hà” trong năm 2022 có liên quan đến việc vay từ các ngân hàng tư nhân, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 36% đối với DN đi vay từ ngân hàng có vốn nhà nước, một phần do ngân hàng có vốn nhà nước có dư địa tín dụng dồi dào hơn.

Trong năm 2022, một trong những chương trình hỗ trợ tín dụng quan trọng nhất dành cho DN là gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại nhằm giúp các DN phục hồi sau đại dịch Covid-19.

VCCI đã đề nghị các DN tham gia khảo sát cho biết là DN có biết tới gói hỗ trợ lãi suất này không; DN hiện đã có khoản vay nào theo gói hỗ trợ này chưa; mức độ thuận lợi của thủ tục vay và cho biết cụ thể các khó khăn là gì. Kết quả, 29,5% DN có biết tới chương trình này, song chỉ có khoảng 2% DN cho biết đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. DN quy mô càng nhỏ thì càng khó khăn. Khó nhất là đáp ứng tiêu chí “có khả năng phục hồi” (quy định tại khoản 4, điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP) chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Kể cả các DN có khả năng trả nợ cũng không dám chắc chắn mình đáp ứng tiêu chí “có khả năng phục hồi”. Đó là chưa kể tâm lý ngại phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán sau khi tiếp nhận hỗ trợ.

Đáng nói hơn là một loạt khó khăn khác mang nặng tính chủ quan lại có dấu hiệu gia tăng rõ rệt. Như “các ngân hàng, tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho DN tư nhân” được 58,7% DN tham gia khảo sát phản ánh năm 2022, tăng mạnh từ con số 41,8% của năm 2021; “thủ tục vay vốn phiền hà” (58,6% năm 2022 so với 46,2% năm 2019); tình trạng “DN phải ‘bồi dưỡng’ cho cán bộ tín dụng để vay vốn” (55,8% năm 2022 trong khi năm 2021 là 37,3%) và “cán bộ tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ của DN” (49,8% năm 2022, năm 2021 chỉ là 27,4%).

Trong khi đó, nhu cầu của DN vẫn rất lớn. Không vay được từ ngân hàng, DN buộc phải vay mượn từ người thân, bạn bè, huy động từ cổ đông, vay từ DN khác hoặc cầm cố, bán tài sản của DN ... Tỷ lệ DN tiếp cận nguồn vốn từ tổ chức tín dụng khác (như công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng nhân dân) là 21%. Khoảng 10,9% DN vay cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng không qua thủ tục chính thức trong năm 2022. Đáng gióng lên hồi chuông báo động hơn cả là có tới 12,5% DN đã phải xoay sang vay “tín dụng đen” (tăng mạnh so với con số 4% của năm 2021) với lãi suất khoản vay rất cao (trung bình khoảng 46,5%/năm, cao gấp khoảng 5,5 lần so với lãi suất trung bình năm của các khoản vay từ ngân hàng thương mại).

Làm thế nào để DN dám vay và vay được từ ngân hàng, tận dụng được sự hỗ trợ hết sức cần thiết của Chính phủ trong bối cảnh khó khăn hiện nay? Trả lời được câu hỏi này thì niềm tin kinh doanh mới được củng cố. Và hàng chục ngàn tỷ đồng đã được bố trí cho gói hỗ trợ mới được “phá băng”, hóa giải nghịch lý “chỗ cần không có, tiền có lại trong… kho”.

Tin cùng chuyên mục