Mặc dù được đánh giá cao về tiềm năng phát triển nhưng các chuyên gia cho rằng, TPHCM vẫn thiếu sức bật nên để vuột mất nhiều cơ hội phát triển… Những thông tin này được nêu ra tại buổi tọa đàm ngày 16-8 do Sở Du lịch TPHCM tổ chức, có chủ đề “Công tác quản lý Nhà nước về du lịch của TPHCM - 25 năm thành công và thách thức”.
Thống kê nhanh của Sở Du lịch TPHCM, trong nửa đầu năm 2018, lượng khách quốc tế đến TP đạt 3,8 triệu lượt và dự báo cả năm có thể đạt 7,5 triệu lượt. Qua 25 năm (1993-2018), lượng khách quốc tế đến TP cũng tăng 14 lần, chiếm khoảng 50% lượng khách quốc tế đến cả nước.
Cụ thể, nếu năm 1993, khách quốc tế đến TPHCM chỉ 519.000 lượt thì năm 2017 đã đạt gần 6,4 triệu lượt. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết ngành du lịch TP được đánh giá cao về mức tăng trưởng, lợi thế sẵn có nhưng đang đối mặt với nhiều thách thức gay gắt, liên quan đến sự cạnh tranh với các TP lớn trong khu vực.
Tại hội thảo, PGS-TS Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, góp ý TPHCM là địa phương đi sau nhiều tỉnh, thành phố khác thực hiện xây dựng chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch. Hiện nay, TPHCM vẫn đang trong quá trình xây dựng chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch TP đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Nhìn sang các nước láng giềng trong khu vực, nhiều chuyên gia du lịch có chung quan điểm nên lắng nghe, học hỏi những cái hay, cái đẹp của nước bạn để từ đó xem xét, có thể áp dụng cho du lịch TP. PGS-TS Phạm Trung Lương dẫn chứng, thủ đô Bangkok (Thái Lan) có hệ thống hạ tầng phát triển, được xem là cửa đến của khu vực Đông Nam Á. Trong nhiều năm, Bangkok luôn xếp hàng đầu trong tốp các đô thị thu hút khách du lịch nhiều nhất trên thế giới do Business Insider xếp hạng (năm 2017, thu hút 20,19 triệu lượt du khách).
Để làm được điều này, Bangkok đã tạo ra các sản phẩm du lịch đẳng cấp để “quyến rũ” du khách, như xây tổ hợp mua sắm kết hợp vui chơi giải trí tầm cỡ khu vực và thế giới. Tiêu biểu là Asiatique với hơn 2.000 gian hàng, hệ thống nhà hàng sang trọng dọc bờ sông Chao Phraya, nhà hát đặc trưng văn hóa Thái Calypso Cabaret…
Thêm nữa, chính quyền Bangkok cũng hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp du lịch phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh; cung cấp thông tin về thị trường, cơ hội và rủi ro trong kinh doanh du lịch trước những biến động chính trị, xã hội, dịch bệnh…
Tương tự, với Singapore, đảo quốc này chú trọng hoạch định, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch cho từng giai đoạn. Từ năm 1965 đến nay, Singapore đã xây dựng 6 kế hoạch phát triển du lịch khác nhau, gồm: “Kế hoạch du lịch Singapore”, “Kế hoạch phát triển du lịch”, “Kế hoạch phát triển chiến lược”, “Du lịch 21” (năm 1996), “Du lịch 2015”, “Địa giới du lịch 2020”. Trong kế hoạch “Du lịch 2015”, Singapore tập trung phát triển các thị trường chính với phương châm tạo sự hiểu biết tốt hơn về Singapore, phát triển Singapore thành một điểm du lịch phải đến...
Để thực hiện kế hoạch trên, ngay từ năm 2012, Singapore đã chi 300 triệu đô la Singapore tổ chức các sự kiện du lịch, chi 340 triệu đô la Singapore phát triển các sản phẩm du lịch, chi 265 triệu đô la Singapore phát triển nguồn nhân lực du lịch…
“Hút” khách bằng dịch vụ chất lượng
So sánh về thứ tự xếp theo lượng khách, rõ ràng du lịch TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung còn khá khiêm tốn so với một số quốc gia xung quanh. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, chỉ ra rằng nếu xếp theo lượng khách thì Việt Nam đứng thứ 5 (sau Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia), rồi tới Lào; nhưng xếp theo hiệu quả thì du lịch nước ta đứng sau cả Lào và Campuchia. Vậy làm thế nào để du lịch TPHCM phát triển hiệu quả hơn?
Ông Nguyễn Văn Mỹ đưa ra giải pháp, TP cần tăng thêm giá trị sản phẩm bằng tinh thần và thái độ phục vụ du khách với nụ cười niềm nở, thân thiện… Điều này ai cũng có thể làm ngay và không tốn tiền. Các homestay theo quy chuẩn giá lưu trú khoảng 80.000 đồng/chỗ ngủ, khách đến đều được chào đón bằng nước trà và khăn lạnh. Vậy kết thúc các điểm tham quan tại TP, tại sao không thể mời khách chai nước sâm mát và khăn lạnh? Không ai cấm các điểm du lịch, mua sắm, nhà nghỉ hay khách sạn 1 - 2 sao phục vụ khách với tinh thần 4 - 5 sao.
Thêm nữa, TP nên có thêm các sản phẩm mới với nhiều chợ đêm và những phố đi bộ du lịch đúng nghĩa. TPHCM phải là trung tâm ẩm thực và hình thành tam giác trọng điểm du lịch, lấy các quận 1, 3, 5 làm trung tâm kết nối đến các huyện Củ Chi, Hóc Môn với loại hình du lịch nông nghiệp truyền thống, làng nghề, văn hóa, lịch sử… Phát triển Cần Giờ thành trung tâm du lịch sinh thái rừng ngập mặn và các liên hợp trò chơi mạo hiểm…
Trao đổi trực tiếp tại hội thảo, TS Hà Bích Liên, cố vấn cấp cao của 2 hãng tàu biển hàng đầu thế giới đến từ Mỹ và Đức, khẳng định rằng TPHCM là điểm đến hàng đầu của khách tàu biển trên những du thuyền cao cấp. Thế nhưng, thời gian qua một số tàu biển không thể vào được TP vì thiếu bến đậu, cầu cảng. Một tàu biển có thể chở từ 3.000 - 5.000 khách quốc tế, thuộc nhóm khách hàng có mức chi tiêu cao, nhưng TPHCM rất khó đón được. Đầu tháng 9 tới sẽ có tàu biển chở 2.800 khách nhưng phải hủy vì thiếu bến đậu. Một tàu biển khác chở 4.800 khách quốc tế dự kiến tới TPHCM vào tháng 10 cũng phải hủy.
“Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần về việc thiếu cầu cảng chuyên dụng đón du khách nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết, dù rằng Sở Du lịch TP cũng tích cực kết nối với các đơn vị chuyên trách khác để hỗ trợ doanh nghiệp. TP không thu hút được lượng du khách tàu biển này là sự lãng phí lớn”, TS Hà Bích Liên trăn trở.
Đối với kiến nghị này, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, đang tích cực phối hợp cùng với các đơn vị, trong đó có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng giải quyết về vấn đề cảng biển, phí neo đậu...
Vừa qua, TP đã chính thức giao Sở Du lịch TP mời đơn vị tư vấn nước ngoài để thống nhất tiêu chí, mời thầu, có nguồn tài trợ 2 triệu USD làm chiến lược phát triển du lịch. Các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ cùng phản biện để có chiến lược đúng tầm nhìn, đúng điều kiện phát triển ngành du lịch. Trong thời gian qua, sở cũng đã tiến hành điều tra tài nguyên du lịch, lấy ý kiến đánh giá của chuyên gia đối với tài nguyên có thể khai thác, phát triển hiệu quả.