Dễ mà khó!

Dịp tết vừa qua, rạp Hưng Đạo sáng đèn liên tục từ mùng 2 đến mùng 10 Tết, trình diễn một loạt các vở tuồng nhiều thể loại, thu hút đông đảo khán giả mộ điệu đến xem, ủng hộ cải lương.
Sau tết, trong tháng 3-2018, một loạt vở cải lương lại tiếp tục được các ông “bầu”, các đơn vị xã hội hóa như: Nhóm nghệ sĩ Chí Linh - Vân Hà, Đoàn 3 Nhà hát Trần Hữu Trang và Công ty Hoàng Song Việt Entertainment phối hợp tổ chức biểu diễn tại rạp Hưng Đạo vở Trung Liệt Dương Gia Tướng, Đường gươm Nguyên Bá.
Trong khi đó, sân khấu tư nhân Lê Hoàng cũng hâm nóng không khí biểu diễn cải lương tại TPHCM từ trong tết đến sau tết bằng các đêm diễn tuồng Tứ tử đậu tân khoa, Loạn chiến Phụng hoàng cung... 
Hàng loạt vở cải lương được dàn dựng và trình diễn trọn vở tuồng, tiếp nối nhau sáng đèn sân khấu từ tháng 2 đến tháng 3-2018 đã góp phần thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết, tình yêu nghề của bao nghệ sĩ sân khấu. Sự kiện sân khấu cải lương sáng đèn liên tục cũng đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cải lương của bao khán giả mộ điệu. Đây là một tín hiệu vui mừng, phấn khởi của nghệ thuật cải lương tại TPHCM.
Từ thực tế cho thấy, sức cuốn hút của loại hình sân khấu cải lương tuồng cổ vẫn luôn sống âm ỉ trong lòng khán giả mộ điệu, dẫu sàn diễn cải lương có phải trải qua bao thăng trầm, gian khó, chông gai. Khi TPHCM đã có một sàn diễn cải lương ổn định là rạp Hưng Đạo, dù điểm diễn này chưa thật sự hoàn hảo, chưa thể đáp ứng tốt nhất theo chuẩn của việc tổ chức biểu diễn sân khấu tuồng cổ, nhưng có một địa điểm trình diễn cải lương ổn định vẫn dễ thu hút khán giả đến với sân khấu hơn.
Mặt khác, sau những năm dài xem đi xem lại các trích đoạn, ca cổ, tân cổ giao duyên, khán giả hôm nay ít nhiều cũng chán và có xu hướng thích xem những vở cải lương được đầu tư dàn dựng trọn vở, đặc biệt là những vở tuồng cổ, tích xưa, nghệ sĩ mặc trang phục đẹp, lộng lẫy, vũ đạo đẹp, lôi cuốn, sân khấu lung linh, những bài bản âm nhạc tuồng cổ quen thuộc, dễ nghe, dễ cảm.
Xu hướng thưởng thức nghệ thuật cải lương này cũng phản ánh một thực trạng các vở tuồng xưa của các soạn giả tên tuổi, dày dạn kinh nghiệm, sâu rộng kiến thức nghề, luôn đạt được chất lượng, sức hấp dẫn người xem từ nội dung, lời thoại, âm nhạc, đến cách dàn dựng hấp dẫn. Điều mà các vở tuồng mới còn thiếu vắng.
Với xu thế này, những người làm sân khấu hôm nay cần phải nắm bắt và nỗ lực phát huy nhiều hơn nữa sức sáng tạo, tay nghề biểu diễn qua hoạt động hợp tác, tổ chức biểu diễn những vở tuồng chất lượng để thu hút, hấp dẫn công chúng. 
Hơn thế nữa, việc tạo điều kiện thuận lợi để những người làm nghề tâm huyết, đóng góp nhiều hơn cho sàn diễn, giúp sàn diễn cải lương được sáng đèn thường xuyên cũng là một vấn đề cần được quan tâm, chú trọng. Khi cải lương đã có tín hiệu vui, cần phải có nhiều sự chung tay góp sức, đừng để sự thay đổi tươi sáng của sàn diễn cải lương sẽ đi theo lối mòn của các sân khấu kịch xã hội hóa: các ông bà “bầu” hoạt động tự thu, tự chi, thường xuyên phải bù lỗ và vấn đề nặng gánh chi phí mặt bằng đã khiến không ít sân khấu kịch đành tắt đèn, đóng cửa.

Tin cùng chuyên mục