Bình luận Chủ nhật

Để mãi mãi đừng quên…

Khi bộ phim tài liệu “Những linh hồn phiêu bạt” của đạo diễn Pháp Boris Lojkine chiếu trên VTV1, chắc mỗi người Việt Nam chúng ta đều tự hỏi: “Vì sao có một người Pháp lại từ bỏ vị trí của một giáo sư đại học, sang Việt Nam đi theo người phụ nữ tìm hài cốt chồng để thực hiện một bộ phim tài liệu trong suốt 4 năm trời?”.

Trước nay, chúng ta đã làm rất nhiều phim thuộc đề tài này, có phim từng được giải thưởng trong nước và cả quốc tế. Bởi đó là một chủ đề day dẳng trong tâm hồn mỗi người Việt sau 30 năm chiến tranh.

Nhưng với cách làm phim của ê kíp làm phim Boris - Anh Tuấn như “Những linh hồn phiêu bạt” thì có lẽ đây là lần đầu tiên. Và cũng lần đầu tiên chúng ta chạm được đến tâm hồn nhân vật một cách tự nhiên và chân thật đến vậy. Cái chất mộc trong từng khung hình, trong tướng đi, giọng nói của nhân vật như hiễn hiện trong cuộc đời thật. Đến nỗi đôi lúc người xem không còn cảm thấy đó là phim, mà là chính cuộc đời.

Phim không có lời bình, chỉ có tiếng nói và tiếng kể lể trong giọng nức nghẹn của nhân vật, và chỉ bấy nhiêu cũng đủ để người xem rơi nước mắt. Đây là một cách thể hiện cực khó, bởi phải làm sao để nhân vật sống được như cuộc đời thật của họ trong phim, không hề có sự sắp đặt nào, dù trước mặt họ lúc nào cũng có chiếc máy quay phim. Càng khó hơn với một người phụ nữ nông thôn, không hề biết diễn xuất, chỉ cần đứng trước máy ảnh thì tay chân mặt mũi đã căng cứng lên.

Và vì vậy, để có những thước phim thuyết phục như chúng ta đã xem, đó là thành quả đáng khâm phục của sự kiên trì hiếm có. Sự kiên trì ấy chính là tấm lòng, là tình yêu, là sự thấu hiểu, nỗi đồng cảm đến mức lay động và làm thức tỉnh được trái tim đã héo khô vì đau khổ của người phụ nữ. Boris đã chọn chị Trần Thị Tiếp, người phụ nữ góa chồng năm 20 tuổi và chấp nhận sống cô quạnh cùng với hình bóng của chồng suốt 40 năm.

Chọn một số phận đại diện cho hàng triệu số phận, nên dù anh đi theo một người, nhưng người xem rơi nước mắt cùng anh và chị Tiếp không hẳn chỉ vì những giọt nước mắt ràn rụa trên gương mặt chị, mà đó chính là giọt nước mắt của Việt Nam dù 30 năm đã trôi qua. Nên khi Boris nói nhân dân Pháp xem phim đã vô cùng ngạc nhiên, không hiểu nổi vì sao bao nhiêu năm qua vẫn có người phụ nữ sống chung thủy với người chồng đã khuất đến vậy.

 Và 30 năm qua vẫn còn có những người lính kiên trì kiếm tìm hài cốt đồng đội như vậy. Đó là cái gì? Khi chị Tiếp khóc than cầu hồn chồng giữa nghĩa trang trong chiều hoàng hôn, thực ra đó chỉ là một động tác thuộc về tâm linh, tất cả chúng ta đều muốn tin rằng trước tình cảm cháy lòng của chị, anh Lưu chồng chị có lẽ phải nhìn thấy, và đã về cùng với chị… Câu chuyện đã không có hậu, người phụ nữ đơn côi ấy đành nuốt nước mắt cầm nắm đất nơi chồng hy sinh để lên bàn thờ. Nhưng có lẽ lòng chị đã thực sự thanh thản cùng với chuyến đi, bởi vì chị đã đạt được tâm nguyện, đến gần hơn cùng với linh hồn anh, hiểu được tất cả những gì đã xảy ra chung quanh anh, trước lúc anh hy sinh…
 
Không có một lời bình. Nhưng đằng sau những khuôn hình động với giọt nước mắt của những con người còn sống sau chiến tranh, ta đã nghe được hết lời bình trong trái tim đạo diễn. Bộ phim đã chiếu ở Pháp, và người Pháp đã hiểu đó chính là tâm hồn Việt Nam. Và khi chiếu ở Việt Nam thì người Việt Nam đã phải lặng đi với chính mình. Đó là một khoảng lặng để chúng ta tự soi vào mình. Để chính chúng ta chứ không ai khác sẽ phải nhắc lại hoài lời kết của Boris khi hỏi vì sao anh lại bỏ cả công việc để lặn lội làm bộ phim này: “Tôi làm phim này với tất cả trong khả năng tôi, để giữ lại ký ức chiến tranh. Và hy vọng nhân dân Việt Nam sẽ không quay lưng lại với quá khứ”.
Đừng quay lưng lại với quá khứ hào hùng của dân tộc mình. Lời nhắc nhở ấy là của một người nước ngoài. Chúng ta đừng quên điều ấy!!…

BÍCH CHÂU

Tin cùng chuyên mục