“ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức. Bản quy hoạch trên không giải quyết được câu chuyện thiếu hụt phù sa, thiếu cát do thủy điện ở thượng nguồn, gây sạt lở bờ sông, bờ biển. Tuy nhiên, quy hoạch lần này khi hoàn thiện sẽ giải quyết được những vấn đề nội tại của ĐBSCL, ắt sẽ làm cho khu vực này “khỏe mạnh” hơn, tăng “sức đề kháng” ứng phó với các yếu tố biến động từ bên ngoài”, Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL, nhận định.
Phần lớn các ý kiến đồng tình với mục tiêu quy hoạch phải bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường. ĐBSCL tập trung thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng lấy chất lượng, thu nhập, lợi nhuận; không nên chạy theo số lượng. Về sản xuất lúa gạo, giữ ở mức cần thiết tối thiểu, tăng giá trị sản phẩm, tập trung vào vùng có lợi nhất, còn những khu vực khác cho phép chuyển đổi đất lúa nhằm giảm và tiến tới bỏ lúa vụ 3. Xác định nuôi trồng thủy sản là lĩnh vực mũi nhọn để tăng thu nhập, đi đôi với đầu tư hạ tầng thuận lợi.
Th.S Nguyễn Hữu Thiện lưu ý: Cần vận dụng nguyên tắc “không hối tiếc” trong quy hoạch ĐBSCL để ít rủi ro sai lầm, ít tác dụng phụ; tránh tình trạng “đâm lao phải theo lao”. Trong khi các địa phương như Trà Vinh, Cà Mau, Cần Thơ… đề xuất định hướng quy hoạch cần quan tâm đến phát triển kinh tế biển và ven biển; khai thác luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu. Cần định hướng ban hành chính sách liên kết vùng để tạo ra sản phẩm hàng hóa chủ lực vốn là lợi thế của ĐBSCL. Kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù phát triển vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, ĐBSCL cũng lo ngại về điểm nghẽn giao thông khi toàn vùng hiện chỉ có 40km đường cao tốc, đạt 28% chỉ tiêu quy hoạch đến 2020, mật độ cao tốc đạt 0,2km/100.000 dân. Các tuyến trục dọc chưa hỗ trợ giảm tải cho quốc lộ 1, chưa có cao tốc kết nối đến trung tâm vùng. Vì vậy, cần ưu tiên tháo điểm nghẽn giao thông trong bản đồ quy hoạch tới đây.
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng, Nghị quyết 120 của Chính phủ đã mở chân trời hy vọng cho kinh tế ĐBSCL. Chính phủ và địa phương cần điều chỉnh lại quy hoạch, xem xét kỹ những vùng không thích hợp với cây lúa, không nên cưỡng lại thiên nhiên như thời gian trước đây, tiêu tốn ngân sách quá nhiều mà lợi ích cho nông dân không bao nhiêu. Tới đây, cần chuẩn bị một số cây, con có giá trị cao, thích nghi với các vùng để kêu gọi đầu tư. Chuẩn bị sẵn điều kiện cho nông dân trong các vùng quy hoạch mới có thể xây dựng HTX nông nghiệp, sản xuất cụ thể những cây, con nói trên, gắn với doanh nghiệp tiêu thụ…
Sẽ còn nhiều ý kiến đóng góp của nhà khoa học, với mong muốn ĐBSCL cần phải được giải quyết trên quan điểm tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, trên cơ sở xử lý đồng bộ, tổng thể và sự phối hợp, liên kết giữa các ngành, các địa phương trên một tầm nhìn dài hạn. Việc Bộ KH-ĐT tiếp thu các ý kiến đóng góp chính đáng để hoàn thiện quy hoạch tích hợp cấp vùng đầu tiên cho ĐBSCL sẽ là tiền đề giúp vùng đất này khỏe mạnh hơn!