Để nền công nghiệp sinh học vươn tầm - Bài 3: Sức bật từ con người và cơ chế

Nghị quyết 36-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành sẽ tạo động lực thúc đẩy công nghệ sinh học (CNSH) Việt Nam tiến bộ, tiến thời hình thành nền công nghiệp sinh học mạnh trong khu vực và trên thế giới. Trao đổi với PV Báo SGGP, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đã gợi mở về hướng đi của ngành trong thời gian tới.
Nghiên cứu, thử nghiệm chế phẩm sinh học tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM Ảnh: ĐĂNG QUÂN
Nghiên cứu, thử nghiệm chế phẩm sinh học tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM Ảnh: ĐĂNG QUÂN

- GS-TS NGUYỄN THỊ LAN, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:

Thu hút nhân lực chất lượng cao

Để Nghị quyết 36 đi vào cuộc sống và đạt được hiệu quả như mong đợi, theo tôi, cần đánh giá lại các nền tảng, thành tựu về CNSH của chúng ta trong suốt chặng đường dài vừa qua, qua đó thấy được những mặt tốt để tiếp tục phát huy, những mặt chưa thực sự mạnh cần được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Trước tiên, cần phải đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay có nhiều tiến sĩ được đào tạo từ các quốc gia trên thế giới, khi về nước họ cần có môi trường làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp - những nơi đang thiếu các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực CNSH, để tạo nên vai trò dẫn dắt trong chiến lược phát triển.

Về cơ sở vật chất, chúng ta cũng cần rà soát lại những gì còn thiếu để tiếp tục đầu tư, chẳng hạn các phòng nghiên cứu thí nghiệm đạt chuẩn khu vực, chuẩn thế giới để thu hút các nhà khoa học quốc tế đến cùng làm việc, hình thành các nhóm, trường phái nghiên cứu.

- TS ĐINH MINH HIỆP, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM:

Cơ chế quản lý tài sản nghiên cứu cởi mở hơn

KHCN nói chung, ngành CNSH nói riêng đang “vướng” rất nhiều từ Nghị định số 70/2018/NĐ-CP của Chính phủ (về Quy hoạch việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước). Nguyên nhân chủ yếu là do tài sản hình thành từ nghiên cứu sử dụng ngân sách đang được quản lý như các dạng tài sản công thông thường.

Chẳng hạn trong vấn đề thẩm định giá tài sản trí tuệ hình thành từ nghiên cứu khoa học. Đặc thù của dạng tài sản đặc biệt này là giá trị rất khó xác định chính xác, nhanh chóng bị thay đổi theo thời gian và vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn; trong khi giá trị tài sản KHCN đã được đơn vị tư vấn độc lập xác định mà không có doanh nghiệp đồng ý trả giá bằng hoặc cao hơn thì xem như tài sản không thể được chuyển giao, đưa vào ứng dụng. Kinh nghiệm ở Australia, các đơn vị nghiên cứu được tự do thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp để đưa các sản phẩm công nghệ vào ứng dụng sản xuất và thương mại. Nhà nước sẽ thu lại từ tiền đóng thuế của doanh nghiệp mà không quan tâm việc thu hồi từ đơn vị nghiên cứu.

Đặc thù của hoạt động nghiên cứu là cần tính sáng tạo, linh hoạt thay đổi theo thực tế nghiên cứu, cho nên người nghiên cứu sẽ cần phải điều chỉnh về phương pháp, nội dung và kinh phí vật tư, hóa chất trong quá trình thực hiện là rất bình thường. Theo quy định hiện hành thì những điều chỉnh này sẽ phát sinh rất nhiều thủ tục hành chính và tốn kém thời gian, công sức.

Nhà nước cần mở ra cơ chế quản lý KHCN và quản lý tài sản hình thành từ nghiên cứu một cách thông thoáng để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ, nhất là CNSH và việc chuyển giao ứng dụng sản phẩm công nghệ vào sản xuất, thương mại hóa được dễ dàng, nhanh chóng.

- TS SONNY TABABA, Giám đốc mảng Công nghệ sinh học, CropLife châu Á:

Chính sách quyết định khả năng tiếp cận công nghệ

Hiện nay, có rất nhiều tổ chức, công ty nghiên cứu và phát triển hoạt động tích cực trong khu vực ASEAN và trên phạm vi toàn cầu. Từ đó tạo nhiều cơ hội tăng cường hợp tác, trao đổi các thành tựu công nghệ. Ngoài ra, hiện có các phương thức đánh giá an toàn sinh học hiện đại được phổ biến, mà qua đó, các quốc gia tiết kiệm được nhiều năm kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống pháp chế. Điều này đặc biệt có giá trị, cho phép ứng dụng công nghệ mới nhanh hơn.

Bên cạnh cơ sở hạ tầng nghiên cứu và phát triển tốt, môi trường pháp lý thuận lợi sẽ thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo. Chính sách sẽ quyết định khả năng tiếp cận nhanh hay chậm của người nông dân đối với các giải pháp đổi mới. Một ví dụ, đó là hiện nay hầu hết các nước đều có những quy định khá rõ ràng về toàn sinh học đối với các sản phẩm chuyển gene, nhưng đối với các sản phẩm chỉnh sửa gene, rất nhiều nước vẫn chưa đưa ra khung hướng dẫn pháp lý cụ thể.

Mục tiêu, tầm nhìn phát triển công nghệ sinh học

(Theo Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới)

Đến năm 2030

- Nền công nghệ sinh học đạt trình độ tiên tiến thế giới; 1 trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học

- Công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững

- Có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh

- Doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư

và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu

- Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng; đóng góp 7% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.

Đến năm 2045

- Nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới

- Việt Nam là trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á

- Công nghiệp sinh học đóng góp 10-15% vào GDP

Tin cùng chuyên mục