Kết thúc quý 1-2013, những khó khăn của nền kinh tế vẫn chậm được cải thiện, lòng tin của người dân nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng vào nền kinh tế vẫn suy giảm thể hiện qua sức cầu yếu, số doanh nghiệp tiếp tục phá sản, ngừng hoạt động trong 3 tháng là 15.283 doanh nghiệp. PV Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện và ghi lại ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, về chủ đề trên.
Ngay từ đầu năm, tôi đã cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn và có thể cuối năm 2013 mới có thể đảo ngược được đà suy giảm của những năm qua. Nhưng với kết quả kinh doanh của quý 1 cho thấy, nền kinh tế vẫn có xu hướng xấu đi, thể hiện qua các chỉ số: sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,9%, thấp hơn mức 5,9% của cùng kỳ năm 2012; 15/32 nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm so với cùng kỳ năm trước; tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tăng khoảng 16,5%... Rõ ràng, điều đó cho thấy sản xuất vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tiêu thụ hàng hóa vẫn ở mức thấp. Song điều đáng lo ngại hơn cả là vẫn chưa thấy nhiều triển vọng trong những tháng tới.
Về các giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 02 của Chính phủ, đặc biệt là các biện pháp xung quanh chính sách tài chính và tiền tệ đã áp dụng, theo tôi các biện pháp ngắn hạn như: giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiền thuê đất đã được thực hiện và phần nào mang lại kết quả tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp. Dù mức giãn, giảm không nhiều nhưng nó có tác dụng nhất định tạo niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp về sự đồng hành của Chính phủ trong việc chia sẻ những khó khăn hiện nay.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay hay giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã áp dụng năm 2012 không có tác dụng vì doanh nghiệp có thu nhập đâu mà giãn hay giảm. Tuy nhiên, tôi cho rằng chính sách hỗ trợ hiện nay nói chung hay việc giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng không chỉ là hướng vào những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển nhưng đang khó khăn tạm thời để họ vượt qua giai đoạn hiện nay mà cả những doanh nghiệp đang phát triển, có hiệu quả, có năng lực cạnh tranh tốt để họ tiếp tục vượt lên, trở thành các đầu tàu, lực đẩy cho tăng trưởng.
Còn đối với những doanh nghiệp dù được hỗ trợ nhưng vẫn khó khăn và cũng không có khả năng hồi phục, phát triển thì nên để cho phá sản. Với thuế GTGT, hiện nay chúng ta mới chỉ giãn thời gian nộp thuế, nếu giảm được thuế GTGT thì tốt hơn, bởi đó là cách hữu dụng để tháo gỡ cho doanh nghiệp ở thời điểm này.
Về vốn tín dụng, lãi suất sẽ phải được giảm theo lạm phát. Với lạm phát đang tăng thấp như hiện nay thì hoàn toàn có thể giảm lãi suất. Tuy nhiên, điều quan trọng để tín dụng với lãi suất thấp đến với doanh nghiệp và doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn này lại phụ thuộc vào việc tái cơ cấu ngân hàng trong nâng cao quản trị, giải quyết nợ xấu, tiết giảm chi phí...
Về lâu dài, cũng có một tín hiệu tích cực là Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trương giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống và rút ngắn lộ trình áp dụng từ 1-1-2014. Đây là giải pháp quan trọng và lâu dài để hỗ trợ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quan điểm của tôi vẫn cho rằng nên nghiên cứu áp dụng ngay mức thuế suất đồng loạt là 20% thay vì 23% như đề xuất của Bộ Tài chính.
Có người đặt vấn đề từ đầu năm đến nay lượng trái phiếu Chính phủ huy động thành công khoảng 65.000 tỷ đồng, trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Điều này dường như đang là một nghịch lý, theo tôi trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang còn nhiều khó khăn như hiện nay, lòng tin của cộng đồng kinh doanh suy giảm thì việc dòng tiền từ các tổ chức tín dụng tìm đến trái phiếu Chính phủ là điều có thể hiểu được. Cách làm của các ngân hàng cũng thể hiện xu hướng trong kinh doanh hiện nay là hướng đến sự an toàn hơn là việc mở rộng sản xuất kinh doanh.
Nền kinh tế vẫn chưa chạm đáy, các chỉ số kinh tế vĩ mô đang xấu đi. Doanh nghiệp đang ngày càng có xu hướng co cụm lại. Trước đây, kinh tế phát triển tốt, môi trường kinh doanh thuận lợi, việc góp vốn là tương đối dễ dàng. Có những người bạn của tôi nói rằng, hiện nay dù là bạn bè với nhau nhưng không dám cho vay hay hợp tác kinh doanh vì mức độ rủi ro quá cao. Điều này cho thấy, không chỉ lòng tin vào môi trường kinh doanh của doanh nhân thấp mà ngay cả lòng tin vào đối tác kinh doanh cũng bị suy giảm.
Do đó, vấn đề đặt ra là Chính phủ cần và phải tiếp tục làm gì để hỗ trợ, củng cố niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp?
Những động thái mà Chính phủ đang làm và làm được hiện nay là việc giảm lạm phát và kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Nhưng cũng phải nói rằng, việc làm được đó đơn giản hơn nhiều so với một việc khác cần phải làm là: tạo ra những động lực cho phát triển.
Để làm được điều đó thì bên cạnh ổn định kinh tế vĩ mô cần phải tạo một môi trường kinh doanh rõ ràng, minh bạch để doanh nghiệp yên tâm về thể chế. Cho nên, theo quan điểm của tôi, vẫn phải tiếp tục cải cách kinh tế theo cơ chế thị trường, đảm bảo môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng cho các thành phần kinh tế, xóa bỏ các can thiệp hành chính... Đó chính là những yếu tố nền tảng tạo nên lòng tin của doanh nghiệp. Kết hợp với việc ổn định kinh tế vĩ mô, các điều kiện như vậy sẽ khiến nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm hơn, tạo động lực để họ tiếp tục bỏ vốn kinh doanh.
Nhấn mạnh yếu tố trên, tôi nêu ví dụ từ việc điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Qua cuộc điều tra đó, chúng tôi thấy rõ: một điều đang khiến rất nhiều doanh nghiệp quan ngại đó là sự yếu kém của yếu tố thiết chế pháp lý. Sự yếu kém trong việc bảo vệ doanh nghiệp đúng khi xử lý các tranh chấp, cộng với sự thường xuyên thay đổi chính sách, cùng những khó khăn khác của nền kinh tế… đã khiến lòng tin của nhiều doanh nghiệp suy giảm. Tôi cho rằng, càng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp càng cần được bảo vệ.
Một lần nữa, tôi muốn nói rõ, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, tín dụng, giải quyết nợ xấu... đã được Chính phủ đề ra, vấn đề còn lại là phải cố gắng rút ngắn thời gian thực hiện, hoặc ít ra là phải thực hiện theo đúng lộ trình.
NGỌC QUANG (thực hiện)