Đề nghị tuyên phạt ông Nguyễn Quang Tuấn 4-5 năm tù

Sau một ngày xét hỏi, sáng 18-4, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội (VKS) nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với 12 bị cáo trong vụ sai phạm về đấu thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội dưới thời ông Nguyễn Quang Tuấn làm giám đốc.

Vụ án là minh họa điển hình cho lợi ích nhóm

Ghi nhận bị cáo Nguyễn Quang Tuấn cùng 4 nguyên cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội và 7 bị cáo thuộc doanh nghiệp đều khai nhận hành vi và đồng tình với các cáo buộc, VKS có đủ căn cứ giữ nguyên những quan điểm truy tố.

Theo VKS, vụ án là minh họa điển hình cho lợi ích nhóm, thể hiện sự cấu kết giữa doanh nghiệp và người có chức vụ quyền hạn tại Bệnh viện Tim Hà Nội.

Đại diện VKS công bố bản luận tội. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Đại diện VKS công bố bản luận tội. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Theo bản luận tội, giai đoạn 2016 - 2017, Bệnh viện Tim Hà Nội triển khai thực hiện 5 gói thầu mua sắm vật tư, hóa chất. Trong đó, một gói thầu tổ chức đấu thầu rộng rãi, 4 gói còn lại theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.

Do quen biết từ trước, các bị cáo Nguyễn Đức Đảng (Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Nga) và Phan Tuấn Đạt (Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Hòa Phát) đã đặt vấn đề và được ông Nguyễn Quang Tuấn chấp thuận cho 2 doanh nghiệp này bán vật tư y tế cho bệnh viện và hợp thức bằng hồ sơ đấu thầu sau.

Quá trình thực hiện, các cựu cán bộ bệnh viện mời Công ty AIC thẩm định giá, nhưng thẩm định theo mức giá đã được ông Tuấn phê duyệt từ trước để hợp thức hồ sơ.

VKS xác định ông Tuấn và các bị cáo đã không thực hiện đấu thầu các gói thầu theo phương thức đấu thầu tập trung, mà đồng ý cho 2 doanh nghiệp gửi vật tư trước vào bệnh viện, sau đó mới hợp thức hồ sơ đấu thầu thanh toán. Hành vi can thiệp trái quy định vào hoạt động đấu thầu này gây thiệt hại cho bệnh viện và quỹ bảo hiểm tổng số tiền hơn 53 tỷ đồng.

Từ nhận định trên, VKS đề nghị phạt ông Nguyễn Quang Tuấn 4-5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng tội này, VKS đề nghị phạt các bị cáo Hoàng Thị Ngọc Hưởng (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) và Đoàn Trọng Bình (cựu Phó phòng Vật tư y tế Bệnh viện Tim Hà Nội) cùng mức án 30-36 tháng tù.

Ông Nguyễn Quang Tuấn chăm chú nghe bản luận tội. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Ông Nguyễn Quang Tuấn chăm chú nghe bản luận tội. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Bị cáo Nguyễn Đức Đảng (Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Nga) bị đề nghị 3 năm 6 tháng - 4 năm tù; Phan Tuấn Đạt (Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Hòa Phát) 24-30 tháng tù treo.

Hai nguyên cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội là Nguyễn Thị Dung Hạnh và Nghiêm Tuấn Linh bị đề nghị lần lượt 24-30 tháng tù và 36-42 tháng tù. 5 bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 24 tháng đến 36 tháng tù.

Kiến nghị xem xét giảm nhẹ cho ông Tuấn vì có nhiều công trạng

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quang Tuấn, luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, mức án mà VKS đề nghị đối với thân chủ của mình là quá nặng, chưa phản ánh một cách khách quan hành vi phạm tội của bị cáo.

Theo luật sư Bùi Đình Ứng, hành vi vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng của ông Tuấn được phản ánh bởi 2 lần mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao để khám chữa bệnh của Bệnh viện Tim Hà Nội (Tổ chức 5 gói thầu mua sắm vật tư, hóa chất năm 2016 và tổ chức 4 gói thầu mua sắm vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch năm 2017). Riêng các gói thầu năm 2016, luật sư Ứng không có kiến nghị gì đối với cáo trạng của VKS.

Luật sư Bùi Đình Ứng bào chữa tại phiên tòa. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Luật sư Bùi Đình Ứng bào chữa tại phiên tòa. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Luật sư cho rằng, ông Nguyễn Quang Tuấn đã trao đổi luật sư trước đó là không đổ lỗi cho hoàn cảnh như những người khác thường làm như là: bản thân chuyên tâm vào công tác chuyên môn, khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, giảng dạy… nên trong công tác quản lý còn yếu, không hiểu hết quy định của pháp luật nên dẫn đến sai phạm. Là người đứng đầu Bệnh viện nên ông Tuấn nhận trách nhiệm về mình.

Còn lý do của việc hợp thức hồ sơ để cho 2 doanh nghiệp trúng thầu, theo luật sư Ứng xuất phát từ các nguyên nhân: Chất lượng vật tư, hóa chất của các đơn vị cung cấp là tốt, đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh tốt nhất cho bệnh nhân; giá cả hợp lý; lúc khó khăn, thiếu thốn vật tư chữa bệnh, các doanh nghiệp đã chia sẻ khó khăn bằng cách cho mượn để kịp thời chữa bệnh cho bệnh nhân.

Hơn nữa, theo luật sư Ứng, trong vụ án này, pháp luật về đấu thầu còn nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là áp dụng trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và vấn đề này đã phản ánh rõ nét trong thời gian qua, dẫn đến các cấp đang phải xem xét sửa lại Luật đấu thầu.

Luật sư Bùi Đình Ứng mong HĐXX xem xét, trong những năm qua, ông Tuấn có nhiều đóng góp trong các hoạt động xã hội, trong đó ông đã khởi xướng và trực tiếp tham gia chương trình “Trái tim cho em”, đã tổ chức cho hơn 6.500 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh được phẫu thuật, hơn 160.000 trẻ em nghèo trên toàn quốc được khám sàng lọc miễn phí.

Luật sư cũng dẫn ra những công trạng của ông Tuấn trong công tác phòng, chống dịch khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: “Bị cáo là giáo sư đầu ngành về tim mạch và nay chính mình lại mắc căn bệnh này. Chúng tôi và ông không muốn nói, nhưng trong hoàn cảnh này đành phải nói để mong nhận được sự phán quyết nhân văn của HĐXX”, luật sư nói lên mong muốn.

Tin cùng chuyên mục