Để người tiêu dùng điện không cảm thấy bị “móc túi”

Hóa đơn tiền điện của nhiều hộ tiêu dùng tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM tăng đột biến trong tháng 5 là tâm điểm của thông tin tuần qua. Nhiều lý giải đã được đưa ra nhưng dường như vẫn chưa làm thỏa mãn người dân. Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam.
Để người tiêu dùng điện không cảm thấy bị “móc túi”

Hóa đơn tiền điện của nhiều hộ tiêu dùng tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM tăng đột biến trong tháng 5 là tâm điểm của thông tin tuần qua. Nhiều lý giải đã được đưa ra nhưng dường như vẫn chưa làm thỏa mãn người dân. Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam.

Để người tiêu dùng điện không cảm thấy bị “móc túi” ảnh 1

Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long

- Phóng viên: Thưa ông, tháng 5 vừa qua, rất nhiều hộ dân tại Hà Nội, TPHCM phản ánh việc hóa đơn thu tiền điện tăng đột biến, cao hơn rất nhiều so với thông thường. Ông nghĩ sao về điều này?

>> Ông TRẦN ĐÌNH LONG: Việc điện sinh hoạt của nhiều hộ dân tăng cao có thể là do 2 yếu tố: do giá điện tăng theo biểu giá điện mới và do tháng 5 có nhiều thời điểm nắng nóng nên lượng điện sử dụng cao hơn. Hai yếu tố đó đã khiến cho lượng điện của nhiều hộ dân rơi vào biểu lũy tiến với mức giá cao và số tiền điện phải trả cao. Bên cạnh đó, cũng có thể người tiêu dùng nghi ngờ về độ chính xác của thiết bị đo. Với trường hợp này, nếu khách hàng có thắc mắc thì cũng có thể thuê các cơ quan kiểm định độc lập kiểm tra công tơ điện đó. Theo Luật Điện lực, nếu kết quả cho thấy đồng hồ đo điện sai ngành điện sẽ không những phải bồi hoàn số tiền tính sai mà còn phải chịu phí kiểm định. Còn nếu công tơ điện chạy đúng thì khách hàng phải chịu chi phí kiểm định.

- Đã nhiều lần giá điện tăng nhưng lần tăng này, những tiếng kêu ca về giá điện phải trả cao lại phổ biến hơn rất nhiều so với các lần trước, thậm chí nhiều người có cảm giác bị “móc túi” với tiền điện. Theo ông lý do tại sao?

Tôi cho rằng, khách hàng hoàn toàn có thể tự xác minh các nghi vấn của mình như nêu trên. Bên cạnh đó cũng có thể tính toán qua hóa đơn ghi chi tiết tổng số kWh điện sử dụng và cách áp giá ở bảng bậc thang giá điện. Mức giá điện trung bình tăng 7,5% nhưng không có nghĩa mức cao nhất của bậc thang trước đây với mức cao nhất hiện nay chênh nhau 7,5%. Mức giá này phụ thuộc quan điểm, chính sách của Chính phủ. Ví dụ, để hạn chế việc tiêu dùng điện quá mức thì có thể các bậc thang sau tăng rất cao, có thể 10%, thậm chí 20% - 30% nhằm tránh dùng quá nhiều điện vào thời điểm nắng nóng.

- Nhiều người nghi ngờ về việc gian lận trong ghi số điện, như thời điểm khác nhau hay dồn số điện thời điểm mát vào tháng nắng nóng. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Người dân vẫn có thể tự kiểm tra và bản thân ngành điện cũng phải thực hiện nghiêm việc ghi chỉ số công tơ điện vào thời điểm cố định, không sớm hay muộn hơn. Trước đây cũng có những thắc mắc như vậy. Nếu anh ghi chỉ số điện chậm 1-2 ngày thì có thể lượng điện tiêu thụ lại nằm ở bậc thang cao và khách hàng sẽ bị bất lợi.

- Có ý kiến cho rằng, việc dùng càng nhiều, giá càng đắt như điện là ngược với xu thế thế giới. Ông nghĩ sao về điều này và kinh nghiệm thế giới đối với tính giá điện ra sao?

Đúng là điều này ngược với quan điểm thương mại là anh bán càng được nhiều hàng thì giá phải rẻ đi. Nhưng trong trường hợp điện bị thiếu, nhu cầu cao hơn khả năng đáp ứng thì việc áp dụng giá cao ở các bậc sau sẽ giúp hạn chế nhu cầu không hợp lý.

Ở nhiều nước, việc tính biểu giá điện rất phức tạp. Như ở Pháp, họ có cả chục bậc với giá khác nhau và áp dụng khác với điện sinh hoạt, sản xuất. Biểu giá đó cũng thể hiện quan điểm của Chính phủ với việc sử dụng điện, ngành nào nên ưu tiên, lĩnh vực nào phải hạn chế, phải thay thế sử dụng điện bằng năng lượng khác. Ở nhiều nước, họ cũng áp dụng biểu giá khác nhau vào thời điểm sử dụng, như dùng vào giờ cao điểm thì phải trả giá cao hơn thấp điểm. Hoặc là nhiều nước áp dụng biểu giá điện hai thành phần. Hiện nay ở Việt Nam trả tiền điện theo lượng điện năng sử dụng mà chưa quan tâm đến việc cũng lượng tiêu thụ điện đó nhưng sử dụng có đồng đều hay không. Nôm na là cùng một lượng điện anh sử dụng đều thì sẽ trả tiền thấp hơn so với lượng điện như vậy nhưng lúc thì anh sử dụng quá nhiều, lúc lại không sử dụng.

- Tại sao ở Việt Nam lại không áp dụng các cách đó, thưa ông?

Nếu muốn làm như vậy thì phải sử dụng công tơ điện tử và nó sẽ ghi lại các số điện vào thời điểm anh dùng. Điều này cũng sẽ giúp khách hàng có thể kiểm tra trực tiếp việc sử dụng điện của mình. Còn dùng công tơ điện cơ như hiện nay thì không thể làm được.

- Như vậy, tại sao ngành điện không khuyến khích việc dùng công tơ điện tử để minh bạch và dùng với giá rẻ hơn, thưa ông?

Công tơ điện là ngành điện phải trang bị, còn việc mua công tơ điện tử thì tốn chi phí và cũng không phải ai cũng muốn. Thực tế chúng ta cũng chưa có chính sách khuyến khích đó.

- Theo EVN, tỷ lệ tổn thất điện năng toàn hệ thống trong năm 2014 khoảng 8,6%, cao hơn 0,15% so với chỉ tiêu kế hoạch là 8,45%. Liệu việc bắt người dân phải gánh chịu tổn thất qua giá điện có hợp lý?

Việc tổn thất điện năng là yếu tố không thể tránh khỏi, chỉ là nhiều hay ít mà thôi. Nếu theo dõi quá trình giảm tổn thất điện năng cũng phải thấy ngành điện có nhiều cố gắng, từ mức hai con số xuống còn một con số. Giảm thì ai cũng muốn nhưng để giảm tốt thì anh sẽ phải đầu tư trang bị, như dây điện tốt để ít tổn hao... Thông thường với các lưới điện mới người ta so sánh đầu tư thêm với giảm tổn thất, cái nào hiệu quả thì họ sẽ làm.

- Câu chuyên giá điện hiện nay liên tưởng đến ngành viễn thông, giá cao khi độc quyền và khi có sự cạnh tranh thì giá thấp hơn hẳn. Ông nghĩ sao về điều này?

Đó cũng là chủ trương của nhà nước trong việc thu hút các thành phần kinh tế, doanh nghiệp khác đầu tư vào lĩnh vực điện. Chúng ta cũng đang triển khai thị trường điện cạnh tranh mà điểm quan trọng nhất là khâu phát điện và khi có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp thì giá sẽ được thiết lập trên cơ sở thị trường. Hiện nay, ngoài các nhà máy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, còn có các doanh nghiệp khác tham gia như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam... Để người tiêu dùng có thể dùng điện với giá hợp lý nhất chính là phải thúc đẩy thị trường điện phát triển, có sự cạnh tranh và điều đó đã được đề ra, đang thực hiện.

- Trở lại câu chuyện hóa đơn tiền điện. Chưa biết người tiêu dùng hay ngành điện đúng, sai nhưng mỗi lần hóa đơn điện tăng là người dân có những phản ứng. Theo ông, ngành điện cần phải ứng xử thế nào cho hợp lý?

Điều đó, tôi nghĩ cũng xuất phát một phần ở việc người dân lâu nay “định kiến” với việc ngành điện tự đưa ra giá và trình để thu. Nhưng nay cũng không hoàn toàn như vậy khi giá điện đã được công khai một phần về nguồn mua, chi phí, có sự thẩm định của các cơ quan liên quan khác nên ngành điện cũng không thể tự quyết định được. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng công tác quan hệ, tuyên truyền của ngành điện chưa được tốt. Ngoài ra, cũng phải thấy rằng, khi cuộc sống của nhiều người dân tốt lên đã dẫn đến việc sử dụng nhiều thiết bị điện. Cầu nhiều cũng là lý do mà các bậc lũy tiến, đặc biệt là từ bậc 4 lên đến bậc 6 có giá cao, tăng mạnh.

- Xin cảm ơn ông.

HÀ MY thực hiện

Tin cùng chuyên mục