Cả đời sống với nghiệp hát, NSƯT Út Bạch Lan được mệnh danh là đệ nhất đào thương, nữ hoàng vọng cổ, vương nữ sương chiều, sầu nữ… bởi suốt 70 năm qua, chưa một lần bà thôi cất tiếng hát buồn, não nuột khi bước chân lên sân khấu.
Nghệ sĩ Út Bạch Lan thời xuân sắc
70 năm làm đào thương
NSƯT Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935 trong một gia đình nghèo khó tại ấp Lộc Hoá, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Cha mất sớm, hai mẹ con bà phải làm thuê quanh Chợ Lớn Mới (chợ Bình Tây) kiếm sống qua ngày. Đồng cảnh ngộ với một phụ nữ khác nên mẹ bà kết nghĩa chị em với người này, sống chung và cùng đi làm thuê. Năm 11 tuổi, Đặng Thị Hai bắt đầu hát dạo ở chợ kiếm sống cùng người anh kết nghĩa là tay đàn Văn Vĩ.
Tiếng lành đồn xa, giọng hát mượt mà làm say đắm lòng người của cô bé hát dạo khiến cô Năm Cần Thơ tò mò đến nghe. Sau đó, cô Năm mời hai người thu bài Trọng Thủy - Mỵ Châu tại Đài Phát thanh Pháp Á và ký hợp đồng làm việc.
Từ đó, cô bé hát rong vỉa hè góc chợ được đứng trên sân khấu lung linh ánh đèn và có nghệ danh là Út Bạch Lan, cuộc đời bắt đầu sang bước ngoặt mới.
Những năm 1950, Út Bạch Lan gây tiếng vang bằng vở dã sử Đồ Bàn di hận. Năm 1958, nghệ sĩ Út Bạch Lan ký hợp đồng về hát cho đoàn Kim Chưởng với nghệ sĩ Thành Được. Cái tên Út Bạch Lan gắn liền với nhiều vở diễn như Dưới hàng phượng vĩ, Thuyền ra cửa biển, Biên Thùy nổi sóng, Tình tráng sĩ, Hoa Mộc Lan, Chén cơm đô thành, Đất Việt của người Việt…
Trên sân khấu Kim Chưởng, nghệ sĩ Út Bạch Lan tiếp tục có những vai xuất sắc qua các vở Nửa bản tình ca, Thuyền ra cửa biển… Đặc biệt, giới mộ điệu không thể nào quên giọng hát bi ai, não nuột của nghệ sĩ Út Bạch Lan qua bài Hoa lan trắng do soạn giả Viễn Châu viết về cuộc đời bà.
80 năm tuổi đời và gần 70 năm gắn bó cùng sân khấu, giọng hát và tài năng diễn xuất đã đưa Út Bạch Lan lên đỉnh vinh quang của nghệ thuật cải lương với nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý.
Thương tiếc người nghệ sĩ đức độ
Từ đầu năm nay, nghệ sĩ Út Bạch Lan phát hiện mắc bệnh ung thư gan. Sau hóa trị tại bệnh viện, bà được đưa về nhà để chăm sóc, thuốc men.
Ngày 24-10 là lần cuối cùng nghệ sĩ Út Bạch Lan tập hát tại rạp Công Nhân, TPHCM, để chuẩn bị cho vở Mẹ ngồi sàng gạo. Nhưng đến ngày 27-10, do bệnh tình trở nặng, vai diễn của bà phải được đóng thế.
Đến khoảng 22 giờ 55 ngày 4-11, nghệ sĩ Út Bạch Lan trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng, hưởng thọ 81 tuổi.
Nghệ sĩ Út Bạch Lan qua đời để lại bao thương tiếc khán giả mộ điệu cải lương và giới nghệ sĩ
Sự ra đi của đại thụ cải lương miền Nam khiến nhiều người bàng hoàng, thương tiếc.
Nghệ sĩ ưu tú Hữu Quốc chia sẻ: “Chúng tôi đã nghe tin từ lâu nhưng không tin được sự thật đau đớn này. Tôi đã không có mặt trong những ngày cuối đời của má. Má là nghệ sĩ dành cả tấm lòng cho cải lương và dìu dắt thế hệ tương lai, con cháu gìn giữ bộ môn nghệ thuật này. Giới nghệ sĩ ai cũng một lòng kính trọng, thương yêu má”.
"Một cây đại thụ của cải lương Việt Nam ra đi. Xin vĩnh biệt nghệ sĩ ưu tú, sầu nữ Út Bạch Lan. Nguyện cầu hương hồn má sớm về cõi Phật. Xin chia buồn cùng gia đình và khán giả mộ điệu cải lương.", nghệ sĩ Hoài Linh bày tỏ sự thương tiếc.
Ca sĩ Phương Thanh gọi nghệ sĩ Út Bạch Lan bằng mẹ và xúc động nói: “Dù tuổi cao nhưng chưa một nghệ sĩ nào lại có niềm đam mê lớn như mẹ, mẹ không biết mệt mỏi vẫn sẵn sàng cống hiến và truyền nghề cho các thế hệ trẻ. Một người nghệ sĩ tài đức như vậy khiến chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ, yêu thương.”
Lễ tẩm liệm nghệ sĩ Út Bạch Lan diễn ra vào 12 giờ trưa 5-11 tại tư gia trên đường Trần Hưng Đạo, TPHCM. Linh cữu được quàn tại chùa Ấn Quang, phường 9, quận 10. Lễ động quan lúc 7 giờ sáng 8-11, sau đó linh cữu được hỏa táng ở Bình Hưng Hòa.
LAM VĨNH