Để tiếng cồng chiêng mãi ngân vang

Ngày 1-12, tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp Sở VH-TT-DL Gia Lai tổ chức chương trình hội thảo “Bảo vệ và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. Đây là một hoạt động nằm trong Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên do tỉnh Gia Lai tổ chức.

 

Biểu diễn cồng chiêng ở Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai
Biểu diễn cồng chiêng ở Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai

Không gian văn hóa mai một

Trong đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, cồng chiêng có vai trò rất quan trọng, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân. Cồng chiêng được coi là tài sản quý giá, linh thiêng và đã trở thành bản sắc văn hóa riêng của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, là nguồn cảm hứng cho các nghệ nhân, tác giả sáng tác những trường ca, sử thi đi vào lòng người. Ngày nay, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã lan tỏa, không chỉ là di sản văn hóa quý báu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, của các dân tộc Việt Nam mà còn là di sản phi vật thể của nhân loại.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng còn tồn tại nhiều vấn đề. Theo GS Tô Ngọc Thanh, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, sau khi được UNESCO vinh danh, các tỉnh Tây Nguyên đều có những biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị cồng chiêng. Tuy nhiên, cách làm trong thời gian qua không mấy hiệu quả, không hấp dẫn công chúng, nhất là giới trẻ và không bền vững. GS Tô Ngọc Thanh chỉ ra thực trạng, các chủ nhân của di sản bắt đầu có hiện tượng làm mới di sản theo chiều hướng sân khấu hóa kiểu các liên hoan của văn hóa quần chúng một cách tùy tiện, dẫn đến việc làm méo mó, sai lệch giá trị của di sản. Đơn cử, các bài chiêng vốn là những tác phẩm đa thanh, biểu hiện một trình độ thẩm âm cao của người Tây Nguyên, người ta treo tất cả chiêng của một dàn chiêng vào một cây tre dài rồi cho một người chạy đi chạy lại gõ từng chiêng một, biến tác phẩm đa thanh thành đơn thanh.

Nhà nghiên cứu Linh Nga Niek Dăm, Trung tâm Phát triển nông thôn Tây Nguyên, cho rằng, sau 13 năm kể từ khi không gian văn hóa cồng chiêng được công nhận là di sản của nhân loại, những lễ hội tự buôn làng tổ chức rất ít. Các cháu được truyền dạy cồng chiêng nhưng chỉ chờ đến các liên hoan để đi dự. Thứ 2 là tất cả các tỉnh Tây Nguyên đều có di sản cồng chiêng đã chú ý đến việc bảo tồn, truyền dạy nhưng không gian văn hóa cồng chiêng lại không được chú trọng. Thậm chí khoảng 5 năm đầu sau khi được UNESCO tôn vinh, không gian cồng chiêng không được để ý đến... Bà Linh Nga Niek Dăm dẫn chứng một công trình bảo tồn làng nghề cấp bộ nhưng cuối cùng thành tan hoang, không còn gì.

Cần nhiều chính sách

GS Tô Ngọc Thanh cho rằng, chúng ta cần phân biệt bảo tồn cái đã định hình, cái đã trở thành tinh hoa, thành thương hiệu của ông cha. Không thể làm hỏng việc bảo tồn bằng cách nhân danh hiện đại, sáng tạo. Bây giờ chúng ta đem tinh hoa đó để sửa chữa mà nhân danh hiện đại, nhân danh đổi mới, nhân danh đủ thứ thì chính chúng ta tự “chặt tay” chúng ta. Xã hội Tây Nguyên cổ xưa, người ta sử dụng cồng chiêng để nói lên nội dung mà người ta muốn mô tả, đối thoại. Bây giờ chúng ta dạy thế hệ trẻ là dạy bài chiêng mà không dạy bài chiêng đó nói cái gì, nói ở đâu. Ông dẫn ra câu chuyện có nơi làm lễ cầu an cho lúa mà lại đánh… chiêng tang, qua đó đề nghị nếu dự định dạy cồng chiêng thì nên dạy nền văn hóa sinh ra cồng chiêng. Ngoài ra, đối với một vài hoạt động có dàn cồng chiêng tham gia đang còn “sống sót” như ăn trâu, bỏ mả thì cần cố gắng giúp đồng bào tiếp tục thực hành trong cuộc sống hôm nay với điều kiện là bảo tồn mọi mặt như nó đã từng có trong quá khứ.

Theo PGS-TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, hạn chế lớn đối với công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hiện nay là thiếu về kinh phí, do đó dẫn đến hiệu quả bảo vệ di sản chưa cao. 5 tỉnh Tây Nguyên đều là các tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn, do vậy, sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của nhà nước theo cơ chế đặc biệt là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng. Các địa phương phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để huy động mọi nguồn lực xã hội chung tay bảo vệ di sản. Cần tiếp tục nhân rộng mô hình chung tay hỗ trợ nghệ nhân cồng chiêng; xây dựng mô hình du lịch cộng đồng có sự tham gia của người dân địa phương. Tiến hành khẩn cấp các cơ chế, chính sách hỗ trợ nghệ nhân trao truyền di sản; khuyến khích cộng đồng bảo vệ di sản. Hiện nay, trình độ chuyên môn, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác di sản văn hóa vẫn còn yếu kém, do vậy rất cần chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn năng lực quản lý của đội ngũ này.

Tin cùng chuyên mục