Đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng bảo hiểm thất nghiệp

Dự án Luật Việc làm được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến trong phiên họp sáng nay, 11-4. Dự án đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại phiên họp lần thứ 12 (ngày 5-10-2012), sau phiên họp, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp để tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bổ sung chỉnh lý dự thảo.
Đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng bảo hiểm thất nghiệp

(SGGPO).- Dự án Luật Việc làm được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến trong phiên họp sáng nay, 11-4. Dự án đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại phiên họp lần thứ 12 (ngày 5-10-2012), sau phiên họp, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp để tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bổ sung chỉnh lý dự thảo.

Thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Việc làm, song Ủy ban Về các vấn đề xã hội - cơ quan thẩm tra dự án Luật - yêu cầu cụ thể hóa hơn nữa một số quan điểm; trong đó nhấn mạnh mục tiêu việc làm bền vững cho người lao động, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập hợp lý và chất lượng việc làm tốt hơn cho người lao động; xây dựng cơ chế thông tin - dự báo, định hướng cho việc phát triển thị trường lao động…

Doanh nghiệp nộp hồ sơ kê khai thuế tại Cục thuế TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Doanh nghiệp nộp hồ sơ kê khai thuế tại Cục thuế TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Trong số các vấn đề cụ thể, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội tán thành phần lớn những đề xuất của Chính phủ; trong đó có việc bổ sung một chính sách mới là chương trình việc làm công. Chương trình do Nhà nước tổ chức thực hiện nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm tại chỗ và tạm thời ở khu vực nông thôn thông qua các chương trình, dự án ở các địa phương như: chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho xã nghèo, xã bãi ngang ven biển và hải đảo, chương trình 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững,…

Đối tượng tham gia Chương trình phần lớn là lao động không có tay nghề, lao động thuộc các hộ nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động thiếu việc làm ở nông thôn, lao động mất viêc làm trong một thời gian do suy giảm kinh tế…

“Chính sách này không chỉ tác động đến giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao hiệu quả của các chương trình, dự án mà còn phát huy được tính chủ động của chính quyền địa phương, sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên, cần nghiên cứu để thu hẹp phạm vi phù hợp với tính chất giải quyết việc làm tạm thời và khuyến khích xã hội hóa để thu hút sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách”, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai bình luận.

Hỗ trợ 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp?

Đáng lưu ý, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tập trung phân tích, cho ý kiến về chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đây là chính sách bảo hiểm ngắn hạn, được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, thực hiện từ ngày 01-01-2009 nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, đồng thời hỗ trợ người lao động học nghề, tìm việc làm mới phù hợp, sớm đưa họ trở lại làm việc. Dự thảo Luật dự kiến chuyển các quy định về bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội về dự án Luật Việc làm. Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng sắp xếp theo hướng này hợp lý hơn. Trong tương lai, Luật Bảo hiểm xã hội chỉ nên tập trung vào chính sách bảo hiểm hưu trí – tử tuất, những chính sách bảo hiểm xã hội dài hạn.

Nội dung quy định bảo hiểm thất nghiệp trong dự thảo Luật Việc làm về cơ bản kế thừa các quy định của chế độ bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời, bổ sung thêm chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề đối với người lao động trong thời gian đang đóng bảo hiểm thất nghiệp nhằm thực hiện chính sách phòng ngừa rủi ro cho người lao động; mở rộng phạm vi áp dụng cho đối tượng là người lao động không có quan hệ lao động.

Bà Trương Thị Mai bày tỏ quan điểm: mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là cần thiết nhằm đạt mục tiêu về an sinh xã hội, vì hiện nay có khoảng 70% lực lượng lao động không có quan hệ lao động, do vậy, cần có những biện pháp để thu hút số lao động này tham gia loại hình bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng tính bền vững cho việc làm của họ trong điều kiện thị trường lao động đang phát triển.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội lưu ý, việc mở rộng và quản lý các đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với khu vực không có quan hệ lao động là khá phức tạp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp dễ bị lạm dụng do những khó khăn trong việc xác định tình trạng thất nghiệp, công tác thu - chi, khả năng quản lý đối tượng hạn chế.

“Đến nay, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã triển khai thực hiện được hơn 3 năm, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá để khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong tổ chức thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật cần quy định các tiêu chí mang tính nguyên tắc đối với mô hình tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp và giao cho Chính phủ quy định cụ thể”, bà Trương Thị Mai đề nghị.

Về hỗ trợ ngân sách nhà nước vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, bên cạnh trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp do người lao động và người sử dụng lao động, dự thảo Luật quy định Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp và giao Chính phủ quy định cụ thể mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Trong khi đó, theo cơ quan thẩm tra, trong thời kỳ đầu, nhà nước có thể hỗ trợ một phần cho người lao động để chính sách đi vào cuộc sống, nhưng khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã ổn định, ngân sách Nhà nước sẽ không hỗ trợ thường xuyên cho quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp bội chi thì ngân sách Nhà nước hỗ trợ phần còn thiếu để đảm bảo cân bằng quỹ. 

* Buổi chiều 11-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai (tên gọi đúng theo Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII; nay được Chính phủ đề nghị lấy tên là Luật Phòng, chống thiên tai). Qua thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng tán thành tên gọi là “Luật Phòng, chống thiên tai”.

Hiện nay, mới có khoảng 33,8% lao động làm công ăn lương, vẫn còn khoảng 67,2% lao động không có quan hệ lao động trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân.

(Trích Báo cáo thẩm tra dự án Luật Việc làm của Ủy ban Về các vấn đề xã hội)

ANH PHƯƠNG

>> Tán thành quy định thẩm quyền công bố dịch cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh

Tin cùng chuyên mục