
Đi ngược lên hướng ga Mương Mán được hai cây số đầu tiên, mồ hôi đã ướt đẫm lưng áo, cẳng chân thì mỏi nhừ, cột sống tôi bắt đầu đau thắt. Nghĩ đến đoạn đường 15 cây số còn lại, tôi chợt rùng mình. Còn những người đồng hành với tôi, hai anh tuần đường thuộc cung đường km1560 (Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn) vẫn rất bình thản. Trong đêm tối, ánh sáng phát ra từ chiếc đèn nhỏ bé, âm thầm và lặng lẽ nhưng tôi vẫn thấy trong mắt họ lấp lánh niềm vui mỗi khi đoàn tàu vút qua an toàn.
Những bước chân lặng thầm

Anh em giải lao trong lúc ký xác nhận và đổi thẻ.
Chúng tôi xuất phát từ km 1560. Đêm nay là ca tuần của hai anh em ruột Hải, Nam. Sau khi ký nhận giao ban, đúng 22 giờ chúng tôi bắt đầu ban trực. Tôi cũng được cung trưởng giao cho chiếc áo phản quang để cùng đi tuần. Túi đồ nghề của chúng tôi gồm: 6 trái pháo lệnh, 2 cờ đỏ, 1 cờ vàng để báo hiệu, 1 đèn phòng vệ để báo tín hiệu cho đoàn tàu. Ngoài ra còn có chai dầu nóng phòng khi trúng gió, kèm theo chiếc áo mưa vì đang trong mùa mưa bão.
Tôi làm theo lời hướng dẫn: đi lên phần bê tông của thanh tà vẹt. Những bước đầu tiên khá suôn sẻ. Các anh vừa đi nhịp nhàng trên những thanh tà vẹt, vừa phải liên tục quan sát các phụ kiện, thanh ray. Gặp chỗ nào “có vấn đề” thì dừng lại ngay. Đến những đoạn có mương, cống lớn, các anh thoăn thoắt nhảy qua kiểm tra kỹ càng. Họ chẳng khi nào phải cúi xuống nhìn bước chân vì đã thuộc cung đường của mình đến từng khúc quanh, bụi cỏ.
Còn tôi cứ chăm chăm nhìn những thanh tà vẹt mà chẳng dám ngẩng đầu lên. Nếu trật bước sẽ dẫm phải lớp đá nền phía dưới. Mỗi khi mất thăng bằêng, tôi lại lao ngay xuống phần đá lởm chởm. Thế là “được” cái cảm giác đau buốt khắp lòng bàn chân và các đầu ngón chân. Thời tiết càng xấu, các anh càng phải tập trung hơn. “Nắng tốt dưa, mưa tốt cầu đường”, họ hay nói vui với nhau như thế. Những đoạn bị sụt lún, đất đá, cây cối ngã đổ trên đường ray phải được dọn sạch thật nhanh để bảo đảm đường tàu được thông suốt.
Tàu đến. Cả một vùng trời sau rặng cây ửng đỏ. Các toa tàu trượt sầm sập trên thanh ray lao nhanh về phía chúng tôi. Đèn phòng vệ được giương cao báo hiệu đoạn đường an toàn. Gió táp thật mạnh vào mặt. Tôi được nhắc phải tránh xa đoàn tàu hơn nữa, nếu không muốn bị dính bẩn do tàu thải ra. Tàu qua. Chỉ trong ít phút, tất cả im ắng trở lại. Xung quanh chỉ còn tiếng côn trùng, ếch nhái. Các anh đùa: “Đi tuần đêm vừa có gió mát, sao đầy trời, lại có cả giai điệu thiên nhiên”. Còn tôi, bước chân càng lúc càng loạng choạng. Có lúc mất thăng bằng thì va ngay vào những viên bê tông hoặc thanh sắt. Đồng hành với chúng tôi còn có một thành viên khá đặc biệt: chú chó Cún, lanh và siêng nhất nhà. Cún lăng xăng, luôn chạy lên phía trước rồi dừng lại chờ, mũi khịt khịt liên tục. Nghe mấy anh bảo, có hôm chú đi tuần suốt cả 3 ban.
Sau khi hoàn tất 5,5 km, chúng tôi đến chốt, gặp 2 người tuần của ga Mương Mán để đổi thẻ. Ngồi với nhau giây lát là chúng tôi chia tay. Lại 5,5km để quay về. Rồi bắt đầu hành trình 3km hướng về ga Suối Vận. Mỗi lần đi tuần như vậy là 17 cây số. Mấy chú cún trông nhà vẫy đuôi mừng từ xa. Bát mì tôm nghi ngút khói và ly bột đậu xanh thơm ngậy vào lúc 2 giờ sáng thật chẳng có gì sánh bằng.
Hơn 4 giờ sáng, chuyến tàu TN3, chuyến tàu cuối cùng trong ngày lướt qua thật nhanh. Gió mát lạnh. Một ngày mới bắt đầu.
Công việc vất vả, thiếu thốn...

Anh Hải đang giương đèn phòng hộ báo tín hiệu an toàn cho đoàn tàu đi qua. Ảnh: như QUỲNH
Cung đường km 1560 được anh em trong nghề gọi vui là “cung đường thanh niên” vì “già” nhất là anh Dương Kiều Anh cũng chỉ 32 tuổi. Em út của đội là Nam, vừa tròn 22 tuổi, là một trong hai “đồng nghiệp” trong buổi đi tuần đầu tiên của tôi. Đơn vị có 12 thành viên, trong đó 7 người là công nhân duy tu, bảo trì và 5 người phụ trách tuần đường.
Nghề này vừa là lao động kỹ thuật cao vì đòi hỏi chính xác đến từng chi tiết, vừa là lao động chân tay vì những lúc cần khắc phục sự cố thì khiêng, vác là chuyện bình thường. Tà vẹt sắt nặng 40kg - 45kg, tà vẹt bê tông thì lên đến hơn 100kg. Ít nhất trong tháng, các anh phải luân phiên nhau tuần 22 ban (mỗi ban 8 tiếng) trên đoạn đường dài 17 km. Có khi hôm nay tuần ban 3 từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, thì ngay chiều hôm ấy đã phải lên ban 2 (từ 14 giờ đến 22 giờ). Dịp lễ tết, một ngày đi hai ban là chuyện bình thường. Vậy trung bình mỗi năm, mỗi người phải đi tuần gần 5.000km, gấp 3 lần quãng đường từ TPHCM ra Hà Nội.
Với lịch làm việc dày đặc, các anh chỉ còn chút thời gian ít ỏi dành cho gia đình. Anh Lê Sỹ Cường, 27 tuổi, từ Thanh Hóa vào lập nghiệp hơn 8 năm nay là cung trưởng trẻ nhất đội Bình Thuận. Trước đó, anh làm việc cho một tiệm rửa xe nhỏ ở Phan Thiết. “Khi bắt đầu vào nghề, công việc vất vả quá, việc sinh hoạt gia đình gặp nhiều trở ngại nên cũng có lúc mình bị dao động. Nhưng rồi càng làm lại càng yêu công việc”, anh Cường tâm sự.
Thoáng cái đã gần 7 năm trôi qua, trong đó 3 năm giữ vị trí cung trưởng. Tranh thủ những ngày phép ít ỏi, anh Cường mới có thể về thăm vợ và chăm sóc gia đình. “Lúc có việc rời đơn vị, tôi cứ canh cánh trong lòng, không biết có sự cố gì không. Còn khi ở đơn vị, gặp lúc mưa bão, lại lo cho vợ thui thủi một mình”. Vợ anh Cường là giáo viên nên chỉ 3 tháng hè là khoảng thời gian họ hạnh phúc nhất vì luôn ở gần nhau. Vào năm học, chị lại trở về khu tập thể giáo viên.
Người phụ nữ duy nhất ở đây là chị Tú, 26 tuổi, quê Hà Tĩnh. Nửa năm nay, chị phụ trách cơm nước cho cả nhóm. Có chị lo toan, mọi thứ trở nên gọn gàng hơn. Chồng chị là công nhân duy tu, sửa chữa của cung đường nhưng không phải lúc nào cũng được gần nhau, như lúc này anh đang sửa chữa đường tại khu vực ga Sông Dinh.
Cung đường km 1560 nằm giữa 2 ga Mương Mán và Suối Vận. Lúc trước, muốn vào đây phải đi bộ hơn 7 km đường rừng. Mỗi khi đi chợ, họ phải mua thức ăn để dành cho cả tuần. Anh em và bà con xung quanh trầy trật lắm mới đắp được đoạn đường đất dẫn vào. Nhưng điện thì vẫn chưa có, nên phải sử dụng nguồn điện trữ từ năng lượng mặt trời. Đơn vị cũng được trang bị một chiếc tivi nhỏ nhưng chỉ phát được tối đa 4 tiếng. “Có khi phim hay nhưng gần hết điện, mình cũng phải tắt đi thôi. Ưu tiên số một là sạc pin cho đèn đi tuần”. Hơn 6 giờ chiều, xung quanh tối om. Không khí thân mật và ấm áp của bữa cơm chiều át đi sự cô quạnh hàng ngày nơi đây.
Như Quỳnh