Đến thăm làng của Anh hùng Núp

Đến thăm làng của Anh hùng Núp

Ngày làm lễ bỏ mả tại làng Sơ Tơr cho Đinh HRuk, con trai duy nhất của Liêu, người vợ đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp của Anh hùng Núp, bè bạn ở Gia Lai có báo tin và nhắn sang, nhưng vì nhiều lý do tôi không đến cùng anh được.

Mong ước có một chuyến đi tới làng của bác Núp đã nung nấu trong tôi từ lâu. Nhất là sau chuyến lưu diễn vở nhạc kịch “Đất nước đứng lên” ngay tại Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, của thầy và trò Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, mà nghe nhạc sĩ Thiếu tướng An Thuyên kể, tôi càng ao ước được một lần đến đó.

Những năm cuối đời, vợ chồng bác Núp rất gắn bó với Bệnh viện Đa khoa Gia Lai, nên lần nào công tác ngang qua, tôi cũng ghé vào thăm bác, nhưng những lo toan của cuộc sống đời thường, khiến chưa lúc nào tôi có dịp thực hiện mong ước của mình.

Đến thăm làng của Anh hùng Núp ảnh 1

Nhạc sĩ K’RaZan Plin và quả phụ Anh hùng Núp bên bàn thờ, ở làng Kông Hoa. Ảnh: H’Linh Niê

Chúng tôi có 4 người: nhạc sĩ Kpă Y Lăng, dân tộc Bâhnar Chăm (từ TPHCM), nhạc sĩ K’RaZan Plin - dân tộc K’ho (từ chân núi Lang Biang huyền thoại ở Lâm Đồng), Nghệ sĩ ưu tú - nhạc sĩ Thảo Giang – “người Bâhnar lãng mạn cuối cùng” theo cách gọi của bè bạn - mà chúng tôi đón ngay ở cửa Bệnh viện Đa khoa Gia Lai, và tôi, dân tộc Êđê đến từ Đắc Lắc, quyết định rủ nhau làm một cuộc “hành hương” về làng Kông Hoa xưa của bác Núp. Đi, không chỉ để tìm cảm hứng sáng tác (chúng tôi đều đang tham gia Trại sáng tác của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tại TP Plei Ku), mà còn có điều gì đó sâu hơn trong tâm tưởng, muốn được một lần chiêm ngưỡng vùng đất thiêng, nơi “đã bắn Pháp chảy máu”, ghi dấu trong tác phẩm văn học đã trở thành kinh điển của nhà văn Nguyên Ngọc “Đất nước đứng lên”, về một thời Tây Nguyên chống ngoại xâm.

Phải mất gần nửa giờ, chúng tôi mới vượt qua được 7km từ quốc lộ 19 vào đến làng Sơ Tơr. Đấy là điều bất ngờ nhất, bởi không ai nghĩ đường đến làng bác Núp lại xấu đến thế. Không biết gọi là gì, bởi không phải đường cấp phối, cũng không phải đường nhựa, cứ lỗ chỗ vậy, mưa mà xuống chắc xe đi đến nơi phải lâu hơn nhiều. May quá, cuối cùng thì đoạn đường từ trung tâm xã vào đến cuối làng, ước chừng hơn một cây số, cũng vừa được đổ một lớp bột đá trước Tết Mậu Tý.

Xa xa, núi Yă Dôk như người đàn bà xõa tóc duỗi dài thân hình mềm mại nằm sưởi nắng ấm, ngắm suối K’Drăk, ngắm làng Kông Hoa (Kông tiếng Bâhnar có nghĩa là núi, Hoa, là để chỉ những người hái lượm như loài dọc - một loại vượn lông xám trong rừng).

Ngôi nhà gác tỉnh xây định dành cho vợ chồng bác cư trú khi về làng, nhưng chưa có dịp, nay trở thành nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Những phòng trưng bày kỷ vật thì khóa kín (vì khách không đăng ký trước, nên người trông coi không biết để đến mở cửa). May quá, sa bàn di tích làng Sơ Tơr kháng chiến thì không bị khóa.

Dù đã thuộc lắm những câu chuyện đánh Pháp mà nhà văn Nguyên Ngọc kể trong tiểu thuyết “Đất nước đứng lên”, tôi vẫn say sưa lần tìm xem cho kỹ gốc đa nơi Anh hùng Núp đã lần đầu tiên “bắn Pháp chảy máu”, từng nơi đặt bẫy đá, cài chông thò, chông treo, bãi chông lẫn mang cung... mà người Kông Hoa đã làm bằng bàn tay khéo léo của mình, dưới sự dẫn dắt của bác Núp, đẩy lùi bước những kẻ xâm lược trang bị súng ống đầy đủ.

Tất cả mọi hình ảnh, cho dù đã qua lâu rồi, vẫn gây cho tôi niềm xúc động sâu lắng. Bởi thế hệ chúng tôi là chứng nhân của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiếp theo kháng chiến chống Pháp ở Tây Nguyên, mà những N’Trang Gưh, N’Trang Lơng, Anh hùng Núp... là người đã mở đầu.

Những câu chuyện bây giờ kể lại chắc lớp trẻ không mấy chú ý, ngay cả những cư dân làng Sơ Tơr nữa, hay những cháu bé của Trường Tiểu học Đê Ba ngay trước nhà lưu niệm, chắc càng không biết đến. Nhưng người bạn đời cuối cùng của bác thì không quên. Bà bây giờ sống bên cạnh ngôi nhà lưu niệm cùng cô con dâu, vợ của Đinh Hruk. Hai người đàn bà cô đơn, một già một trẻ nương tựa lẫn nhau. Bà đã già lắm, không còn nhớ nổi số mùa rẫy mình đã qua, việc hôm nay, ai đến thăm, tặng gì, cả chuyện trong ngày đã ăn cơm chưa, bà cũng lúc biết, lúc không. Nhưng chuyện những ngày ở trong bệnh viện, lúc khỏe, lúc ốm bác Núp nói gì bà lại nhớ... Cột cho chúng tôi hai ghè rượu, bà vỗ vào vai từng người, nói với con dâu: “Tên không biết nhưng cái mặt thì nhớ, thấy nhiều rồi, hồi ở bệnh viện ấy”. Mẹ bảo nhiều người tới thăm lắm, không biết hết ai, nhưng ai đến cũng thấy vui cái bụng.

Ngôi nhà xây của bác Núp còn có thêm hai căn phòng sau dự định làm bếp và phòng ăn, nay vẫn còn vẹn nguyên màu sơn. Chỉ có giếng nước sau nhà thì Đinh Hruk cho đặt máy bơm kéo ống nước sang nhà bên cho mẹ kế dùng. Cả khuôn viên lẫn ngôi nhà, bác Núp đã chính thức trao cho Sở Văn hóa-Thông tin quản lý từ năm 1994. Còn nhà bên cạnh bây giờ mẹ ở, cũng là của một đơn vị nào đó làm tặng, không nhớ năm nào. Mái tôn, hai phòng, mỗi phòng rộng chừng 15m2, màu sơn đã mốc xanh. Góc tường nào cũng có một mảng những vệt dài hoen ố do mưa dột. “Bàn giao xong, ba tháng sau vào mùa mưa đã dột rồi. Em cố lợp lại, mà mưa to vẫn phải lấy ni lông che, nên đành phải làm thêm phòng trước và công trình vệ sinh nối vào phía sau. May mà chỗ bàn thờ không bị dột”. Cô vợ Hruk hồn nhiên khoe.

Cứ như những gì chúng tôi nhìn thấy thì làng Sơ Tơr đã khác xưa lắm. Làng bây giờ có 45 hộ, hơn 470 nhân khẩu. Nhà nào cũng treo ảnh vợ chồng Anh hùng Núp (tất nhiên là ảnh Liêu), ai cũng khoe mình là bà con với Anh hùng Núp. Cả làng chỉ có 2 ha lúa nước hai vụ, còn hầu hết là đất rẫy. Gia đình ít nhất có 5 sào, nhiều nhất là 3-4 ha. Chủ yếu trồng mía và một ít bắp, củ mì. Mía những năm được giá, nhà nhiều đất cũng có được 20-30 triệu đồng. Làng chưa giàu, nhưng có lẽ không còn thiếu ăn những ngày giáp hạt. Trạm điện hạ thế ngay giữa làng, trên mái nhà nào cũng có “chảo” truyền hình DTH.

Chúng tôi đếm có tới 36 ngôi nhà xây gạch cả mới cũ, lẫn to nhỏ, dựng ngay bên cạnh nhà sàn nứa, gỗ truyền thống. Khang trang nhất là ngôi nhà rông, lớp mẫu giáo và hai phòng của Trường Tiểu học Đê Ba. Bây giờ gia đình nào cũng muốn có nhà xây, cho dù chỉ là căn hộ cấp bốn nhỏ xíu vài chục mét vuông. Chỉ có hai mẹ con Yang Năm thì lại đang gom góp gỗ và tiền để làm căn nhà sàn (“vì mẹ thèm được ngủ trên nhà sàn lắm” - Chao ôi, ước mơ mới khó thực hiện làm sao và không biết có kịp với tuổi tác của mẹ không?).

Say sưa trong các trò chơi trên sân trường chờ đến giờ vào lớp, lèo tèo có khoảng hơn 20 học sinh lớp một và hai. Thầy Hiếu, người Bâhnar, nhà ở bên làng Đê Ba và cô giáo Nhâm, người Tày quê ở Cao Bằng, trông coi hai lớp buổi chiều. (Phân hiệu có 5 lớp, nhưng chỉ có hai phòng, nên lớp một đến lớp bốn học tại đây, còn lớp năm phải học nhờ bên làng Tong, cách chừng một cây số). Trong khung cảnh chung trẻ em miền núi nhiều nơi bỏ học thì hình ảnh một lớp tiểu học vùng sâu thế này, vẫn là niềm vui. Làng còn có 3 cháu đang theo học ở Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội tại Hà Nội.

Yang Năm, nữ ca sĩ nổi tiếng một thời của Đoàn ca múa Dam San tỉnh Gia Lai, đưa chúng tôi ra thắp nhang mộ chồng. Đinh Hruk với cả 3 nhạc sĩ chúng tôi vốn là bạn thuở nhỏ, từ ngày Trường Cán bộ dân tộc miền Nam còn ở làng Gia Thượng ven bờ sông Hồng, bên phía Gia Lâm kia. Những đứa trẻ con Tây Nguyên chúng tôi, da nâu, tóc khét nắng vàng như râu bắp, chạy lông nhông đuổi nhau trên bờ đê ngày ấy, nay đã nên ông nội, bà ngoại cả rồi.

Năm bác Núp mất, HRuk xin nghỉ việc về làng ở để chăm sóc mẹ kế. Vợ chồng HRuk đã có đôi lần trình bày nguyện vọng của bác Núp, gia đình và cả của dân làng nữa, muốn được đưa bác về nằm tại quê hương, sau nhiều năm đã phải xa cách. Nhưng điều ấy khó quá, không đúng chính sách, nên bác cứ phải ở nghĩa trang liệt sĩ Plei Ku, có nhiều đồng đội, nhưng không thể có người bạn đời, bà bảo “nằm ở làng Sơ Tơr thôi”, vì cũng lại không đúng chính sách nếu đưa bà vô đó nằm cạnh ông. Chà! Không biết thế giới bên kia là thật hay hư, nhưng đâu phải một mình vợ chồng bác Núp lâm vào cảnh về cõi Yang atâo cũng không được nằm bên nhau ấy?

Quay lại với chuyện ngôi mộ của Đinh HRuk. Nằm trên lưng chừng đồi, nhìn sang bên kia là núi Yă Dok vẫn còn xanh màu lá cây rừng, dưới chân núi là làng Tong mái tôn sáng lấp lóa trong nắng. Giữa là dải ruộng nước nhỏ, lúa mới bén rễ lá xanh ngăn ngắt đùa trong gió. Cảnh thật đẹp. Ngôi mộ xây, ốp và lát gạch bông, xung quanh có đến 5-6 bức tượng gỗ rất sống động, do bàn tay tài hoa của nghệ nhân Đinh Óp, ở tận huyện KBang đến tạc. Đặc biệt, ngoài những tượng nam, nữ, nồi đồng quen thuộc, trước cổng vào còn có bức tượng anh bộ đội quân hàm, quân hiệu, mũ mão đầy đủ, rất sinh động. Dường như nghệ nhân muốn gửi gắm tấm lòng ngưỡng mộ của mình với người cha anh hùng của HRuk (bởi sinh thời HRuk công tác trong ngành giáo dục, chứ đâu phải quân đội?).

Yang Năm vừa lau bụi, quét quanh mộ, vừa kể: “Hôm bỏ mả cho anh, bạn bè về đông lắm. Múa Xoang hoài ở chỗ này, rất vui. Không đưa được ba về làm lễ bỏ mả tại quê, thì em ráng làm cho anh HRuk to to một chút, đỡ tủi thân. Đó các anh chị coi, có nhà mồ nào còn tạc tượng nữa đâu. Em cũng muốn để mọi người nhớ lại kiểu mộ của người Bâhnar mình xưa”…

Chuyến đi này không chỉ là viếng thăm làng bác Núp, mà tôi còn muốn tìm hiểu thêm cho đề tài văn hóa dân gian Môn-Khmer đang theo đuổi, nên câu chuyện của Yang Năm khiến tôi chú ý. Người Bâhnar là một trong những nhóm tộc người có nghệ thuật dựng nhà mồ đẹp nhất Tây Nguyên. Kể cả hình dạng mộ lẫn sự phong phú của thể loại tượng mồ. Nhưng trong khu nghĩa địa của làng Sơ Tơr chỉ có duy nhất một ngôi nhà mồ của người em gái bác Núp là làm theo kiểu đan hoa văn nứa dáng như mái nhà rông, treo chiếc hàm trâu ngay đầu hồi (chứng tỏ nhà mồ này có ăn trâu), còn lại toàn là mái tôn thiếc, không hề có một bức tượng mồ nào. Tôi đem điều này hỏi Đinh Nhúi, nguyên là cán bộ xã đã nghỉ hưu. Anh bảo, văn hóa Bâhnar nguyên gốc còn ít lắm, chỉ khi nào chuẩn bị có văn nghệ tỉnh thì mới lo tìm người múa hát, đánh chiêng thôi. Điều này quả là đáng buồn.

Cho dù chỉ là một chuyến đi ngẫu hứng, nhưng chúng tôi đã hoàn thành được tâm nguyện đến được ngôi làng Kông Hoa huyền thoại của bác Núp, tận mắt thấy được những sự đổi thay, tuy chưa nhiều - của một mảnh đất đã chịu bao đau thương, bom đạn.

Cầu cho linh hồn vợ chồng bác Núp cùng Đinh HRuk yên nghỉ và luôn phù hộ cho làng Sơ Tơr...

H’Linh Niê

Tin cùng chuyên mục