(SGGPO).- Đẹp, không phải đến một nơi để được xếp hàng, đánh số, cười thân thiện và phô ra số đo ba vòng cho ai đó khác bình phẩm và quyết định. Đẹp không cần xin phép!
Những ngày gần đây, "hoa hậu" trở thành một từ khóa có sức cạnh tranh cao ("hot keyword") trong các nội dung thông tin về văn hóa-giải trí. Thú vị thay nếu gõ dòng chữ "Hoa hậu Việt Nam" trên công cụ tìm kiếm Google thì các nhan đề bài báo hiện ra trong top đều có cụm từ: "rút khỏi cuộc thi".
Rút hay bị rút tên khỏi một cuộc thi nhan sắc, nghe có nghiêm trọng không? Có là tin động trời không? Không hề. Nếu như xem phản ứng và bình luận của "cư dân" trên các mạng xã hội thì thấy rõ. Bi hài ở chỗ, có bàn tán việc "rút" này "rút" nọ thì người ta mới biết có cô A, cô B đi thi, bình thường chắc gì đã theo dõi để biết!
Danh xưng "hoa hậu" ngày nay không còn mang tính đại diện cao mà đơn thuần là người được đánh giá "đẹp nhất" theo tiêu chí một cuộc thi về nhan sắc, được một số ít người thuộc ban tổ chức lựa chọn ra trong số những người tham gia. Người đẹp X biết là hoa hậu đó, nhưng là hoa hậu của cuộc thi nào thì mấy ai nhớ.
Các nước văn minh trên thế giới từ lâu đã không đề cao các cuộc thi về nhan sắc - nơi họ thấy rõ sự hạ thấp nữ quyền. Và Việt Nam cũng vậy, ở cường độ thấp hơn, không lên án hay xem thường, nhưng người ta đã không còn trông chờ đến giờ mở ti vi để xem một cuộc thi nhan sắc.
Thế giới từ lâu đã không đề cao các cuộc thi nhan sắc - nơi họ thấy rõ sự hạ thấp nữ quyền
Một cuộc thi nhan sắc rõ ràng kém sức hút hẳn so với một chương trình truyền hình thực tế. Rating cho thấy rõ điều đó. Có chăng, ở một cuộc thi sắc đẹp, người ta chỉ xem top 5 ứng xử ra sao?
Nói về phần ứng xử trong cuộc thi nhan sắc, gần đây ồn ào việc một facebooker đã "đoán" khá trùng khớp 5 câu hỏi của đêm chung kết một cuộc thi hoa hậu sẽ phát sóng trực tiếp trên truyền hình sau đó hơn cả tiếng đồng hồ. Sự việc làm dấy lên nghi ngờ ban tổ chức cho trước câu hỏi để thí sinh chuẩn bị.
Ở phần thi ứng xử của một cuộc thi nhan sắc khác cũng trong năm nay, giám khảo hỏi: "Nếu bạn còn một ngày để sống, bạn không phải theo một nguyên tắc nào cả, thì bạn sẽ cư xử như thế nào?", thí sinh trả lời: "...là một người con gái thì C. luôn khắt khe trong việc ăn uống, phải luôn kiêng khem. Nếu chỉ còn một ngày để sống, C. sẽ phá vỡ nguyên tắc, C. sẽ ăn hết tất cả những món ăn của Việt Nam mình...". Tuy phần trả lời tiếp theo đó là dẫn dắt đến việc khen ngợi và quảng bá ẩm thực Việt, xem như là có thông điệp đi, nhưng nghĩ đến việc ăn trong một ngày cuối cùng để sống thì quả là câu trả lời "không theo một nguyên tắc nào cả".
Một số người cho rằng, họ còn chờ xem phần thi ứng xử vì nó "mang tính giải trí cao"!? Tuy nhiên, có lẽ không phải vậy, còn xem phần thi ứng xử cho thấy người ta còn chờ đợi vẻ đẹp được thể hiện ở khía cạnh khác, khía cạnh con người và trí tuệ.
Vẻ đẹp lâu bền không nằm ở số đo các vòng được phô bày ra cho người khác bình phẩm, nó nằm ở khía cạnh con người và trí tuệ. Ảnh minh họa
Một cô gái trẻ lưu loát 7 thứ tiếng, nói chuyện về Nelson Mandela, ngẫu hứng rap "Can't hold us" của Macklemore trên sân khấu với thần thái tự tin, rạng ngời. Trong chiếc áo trắng và váy trơn, cô gái tỏa sáng. Mọi người thấy cô đẹp. Cô hẳn biết mình đẹp và nó nằm trong tay cô, không ai định đoạt.
Đẹp, không phải đến một nơi để được xếp hàng, đánh số, cười thân thiện và phô ra số đo ba vòng cho ai đó khác bình phẩm và quyết định. Đẹp không cần xin phép!
LÂM AN