Mỗi người trong đời sống đều có thần tượng của riêng mình. Và người ta đâu chỉ hâm mộ ca sĩ, diễn viên! Hồi còn nhỏ, tôi mê đọc truyện Robinson Crusoe, mơ được đi khắp nơi, sống cuộc sống phiêu lưu như nhân vật trong truyện. Cho nên có lúc tôi muốn làm nghề địa chất để đi khắp nơi trên mọi miền đất nước. Ước mơ làm nghề địa chất không thành, tôi trở thành người làm phim tài liệu. Và thực hiện được mơ ước đi khắp nơi trên mọi miền đất nước. Và những nhân vật của phim trở thành những thần tượng của mình. Đối với người làm phim tài liệu, những chuyến đi về khắp mọi miền đất nước là để gặp những con người, nghe những câu chuyện kể… để từ đó hình thành nên những kịch bản phim, những ý đồ cho những bộ phim tương lai. Và tôi đã gọi những chuyến đi này là những chuyến đi tìm nhân vật của phim.
Ông Nguyễn Hòa Hiệp, lúc ấy đang là Phó Bí thư Thường trực huyện Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang luôn hào hứng kể với tôi về chuyện một “chàng Robinson” ở đây. Điều đó đã thôi thúc chúng tôi theo ông ra tận Hòn Đầm - một trong ba hòn Đầm: Đầm Giếng, Đầm Dương và Đầm Đước - trong cụm quần đảo Bà Lụa để gặp cho được người thật mà không sợ bị những cơn say sóng hành hạ.
Người địa phương đã kể rất nhiều truyền thuyết ở quần đảo này, nhưng giống như ông Hiệp, tôi vẫn mê nhất chuyện chàng Robinson của thế kỷ 21. Năm 1968, có 2 chiến sĩ cách mạng của Kiên Giang hoạt động bí mật bị lộ phải đem cả gia đình trốn ra đảo. Họ sinh sống, lập nghiệp ở đảo cho đến ngày hòa bình lập lại mới cùng gia đình trở về đất liền. Riêng chàng thanh niên Phạm Văn Mực, người con trai lớn, ở lại đảo, cưới vợ, có con và lập nghiệp. Người thanh niên ấy với hơn 40 năm gắn bó với vùng biển đảo, bây giờ đã là một trung niên với nước da sạm màu nắng gió và bàn tay chai sần. Từ một ngư dân đánh cá, ông Hai Mực đã trở thành một đảng viên cộng sản, đại biểu Hội đồng nhân dân xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang mấy nhiệm kỳ. Ông được giao nhiệm vụ là “ông chúa đảo” với dự án 10ha đất của hòn Đầm Đước để phát triển du lịch sinh thái biển. Gia đình ông còn có một người con trai và con rể cũng là đảng viên.
Ông Phạm Văn Mực kể lại vì sao ông trở thành vị “Chúa Đảo”. Làm nghề đánh cá nhiều năm ở khu vực quần đảo Bà Lụa, ông Mực phát hiện Đầm Đước có thể giúp mình làm giàu, bèn thuyết phục vợ bỏ đất liền, ra đảo làm ăn. Ông lặng lẽ đến Đầm Đước moi đá tìm cách khai thác nước ngọt trong một thời gian dài. Đào giếng cực nhọc, đến mét thứ 17 thì có nước. Từ đó, vợ chồng ông chí thú làm ăn, khai khẩn đất đai, được địa phương giao đất trồng cây gây rừng trên đảo, sở hữu hòn đảo với dự định phát triển du lịch sinh thái biển.
Tôi cũng đã cùng những đồng nghiệp của mình vượt biển đến một hòn đảo nhỏ nằm giữa biển khơi để làm phim, chỉ vì nghe giọng nói của người dân ở đây rất độc đáo và câu chuyện về sức sống của những người dân ở huyện đảo này. 9 giờ đồng hồ lênh đênh cùng một chiếc tàu nhỏ chở hàng, mà người dân ở đây gọi là ghe gỗ, trải qua những cơn sóng gió ác liệt, chúng tôi mới đến được đảo Phú Quý vào lúc rạng sáng. Người dân ở đảo không ngủ vào những lúc có những chuyến tàu từ đất liền ra, và cả những đêm có truyền hình trực tiếp bóng đá. Bởi vậy, cảng Phú Quý đón chúng tôi bằng một sự náo nhiệt bởi không khí ở cảng và một nhóm đàn ông quây quanh chiếc ti vi của một quán nước, vì VTV3 đang truyền trực tiếp một trận đấu của Cúp C1 châu Âu.
Từ bờ biển Phan Thiết theo hướng Đông - Đông Nam, vượt qua 56 hải lý ta sẽ đến một hòn đảo nằm giữa biển Đông, với hình thù rất kỳ thú. Nhìn từ phía Đông của đảo, ta thấy nó nổi lên như một con rồng, nhìn từ phía Bắc nó giống như một con cá thu và nếu ở về phía Tây Nam, ta sẽ dễ dàng hình dung đó là một con cá voi khổng lồ trồi lên mặt nước. Theo sử sách còn để lại, trải qua những thay đổi của lịch sử, Phú Quý - mảnh đất chưa khai phá ngư trường thuận lợi, là nơi hội tụ của nhiều luồng dân di cư từ lục địa ra và thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Khi bắt đầu phát triển mạnh việc lợi dụng sức gió làm nên những chiếc buồm để đưa thuyền ra khơi xa thì cũng là lúc có nhiều người từ lục địa đặt chân lên đảo. Đá quánh là một nguồn tài nguyên, nguồn lợi đáng kể của Phú Quý, nó được dùng thay gạch trong xây dựng nhà cửa, trường học, hầm trú ẩn và những công trình công cộng khác, rất chắc chắn, không sợ gió bão. Đá quánh thường có ở các vị trí ven biển và tập trung thành những hầm, hố với độ sâu tối đa là 5m nên dễ khai thác.
DƯƠNG CẨM THÚY