Dịch đậu mùa khỉ có thể đã đạt đỉnh ở Mỹ

Theo hãng tin Reuters, số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở một số thành phố lớn của Mỹ dường như đang giảm dần, phù hợp với xu hướng hiện nay ở châu Âu. Nhiều chuyên gia Mỹ lạc quan rằng dịch đậu mùa khỉ có thể đã đạt đỉnh ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Một điểm tiêm vaccine đậu mùa khỉ ở TP New York, Mỹ. Ảnh: AP
Một điểm tiêm vaccine đậu mùa khỉ ở TP New York, Mỹ. Ảnh: AP

Số ca mắc mới giảm

Từ cuối tháng 5 đến nay, Mỹ đã ghi nhận gần 17.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Hiện số ca mắc mới có xu hướng giảm ở một số thành phố như New York, San Francisco và Chicago - vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh.

Trước diễn biến mới trên, Tiến sĩ Gerardo Chowell, Trường Y tế công cộng thuộc Đại học bang Georgia, cho biết, rất có thể dịch đã đạt đỉnh vào tuần trước. Mô hình đường cong dịch đậu mùa khỉ của Tiến sĩ Chowell dự báo số ca mắc mới ở Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong 4 tuần tới.

Ông Chowell nhấn mạnh, tốc độ giảm này không đủ mạnh để dập tắt sự lây lan dịch bệnh, nhưng sẽ đưa số ca mắc mới xuống mức rất thấp. Trong khi đó, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ Celine Gounder cho rằng, nhiều người đã nâng cao ý thức phòng dịch hơn, qua đó làm giảm sự lây lan bệnh đậu mùa khỉ.

Theo báo cáo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 25-8, số ca mắc đậu mùa khỉ ghi nhận trên toàn cầu đã giảm 21% trong tuần trước, đảo ngược xu hướng tăng liên tục suốt 1 tháng qua và là dấu hiệu cho thấy đợt bùng phát tại châu Âu có thể đã bắt đầu suy giảm. Tuần trước, giới chức y tế Anh khẳng định có những dấu hiệu sớm cho thấy bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan chậm lại, sau khi nhận thấy số ca mắc mới giảm hàng ngày. Cơ quan An ninh y tế Anh đã hạ cảnh báo với dịch đậu mùa khỉ, khẳng định không có bằng chứng cho thấy căn bệnh này đang lây lan giữa những người không quan hệ đồng tính nam và lưỡng tính.

Không chủ quan

Vẫn có nhiều ý kiến e ngại về khả năng lây lan của bệnh đậu mùa khỉ. Bà Anne Rimoin, nhà dịch tễ học tại Đại học California, nhận định, số ca mắc mới giảm mạnh là một tín hiệu đáng mừng. Thế nhưng, nếu xu hướng giảm này là do sự thay đổi về hành vi và tiêm chủng thì không rõ những thay đổi hành vi có thể duy trì trong bao lâu và việc tiêm chủng thực sự có tác dụng đến đâu để ngăn ngừa lây nhiễm.

Chia sẻ với quan điểm trên, bà Gounder cũng lo ngại rằng nhiều người sẽ trở nên chủ quan, lơ là phòng dịch sau khi đã tiêm 2 mũi vaccine đậu mùa khỉ. Trên thực tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ Rochelle Walensky cho hay, gần 97% số mũi tiêm vaccine đậu mùa khỉ được tiêm tại Mỹ là mũi đầu tiên và dù nhiều người đủ điều kiện để tiêm mũi thứ 2, song rất ít người tiêm mũi này.

Chính vì vậy, giới chức y tế đã kêu gọi người dân không chủ quan, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa để làm chậm sự lây lan của dịch bệnh. Để giúp bao phủ rộng vaccine với người dân, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ đã điều chỉnh liều lượng vaccine mỗi mũi tiêm. Theo đó, mỗi mũi tiêm chỉ sử dụng tối đa 20% liều lượng của mũi tiêm hiện tại. Bà Walensky cho biết giới chức y tế sẽ theo dõi sát tình hình dịch bệnh hiện nay để đưa ra các biện pháp phản ứng kịp thời, hiệu quả.

Kể từ cuối tháng 4 đến nay, thế giới đã có hơn 45.000 ca mắc tại 98 quốc gia. Số ca mắc đậu mùa khỉ tại châu Mỹ chiếm 60% tổng số ca trong tháng 7, trong khi số ca tại châu Âu chiếm khoảng 38%. Báo cáo mới nhất của WHO cho biết 98% các ca nhiễm là ở nam giới và 96% là ở những người quan hệ đồng tính nam. Trong số các hình thức lây nhiễm, sinh hoạt tình dục là nguyên nhân phổ biến nhất.

Tin cùng chuyên mục