Tổ chức các dịch vụ bổ trợ phù hợp hoạt động của hệ thống bảo tàng từ lâu đã trở nên phổ biến và là yếu tố không thể thiếu của ngành bảo tàng thế giới hiện đại. Thông qua các loại hình dịch vụ được thiết kế riêng biệt, các bảo tàng vừa kiến tạo cách thức thu hút công chúng vừa tạo nên nguồn tài chính đóng góp cho sự phát triển của chính mình. Đây là hướng phát triển tất yếu của bảo tàng tại nhiều nước. Ở Việt Nam, chủ trương tổ chức hoạt động dịch vụ bổ trợ phát triển bảo tàng đã có từ lâu, tuy nhiên đến nay việc tổ chức dịch vụ lĩnh vực này chưa được mấy quan tâm, chưa chuyển động cũng không mấy người mặn mà. Vì sao?
Quầy hàng lưu niệm do các nạn nhân chất độc da cam thực hiện tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh
Kênh thông tin văn hóa lịch sử cho du khách
Ngoài phục vụ việc tìm hiểu thông tin về lịch sử, văn hóa xã hội của một vùng đất, một quốc gia, có một thực tế là du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan bảo tàng còn có nhu cầu khác như ăn uống, vui chơi giải trí và mua sắm. Ngoài các hoạt động chuyên môn đơn thuần, người ta kết hợp tổ chức các hoạt động như: trao thưởng, hội thảo, diễn thuyết, giao lưu tọa đàm, họp mặt truyền thống hay khiêu vũ, lễ cưới văn hóa… thông qua cơ sở sẵn có như phòng họp, hội trường hay khuôn viên thoáng đãng của bảo tàng. Tất nhiên, những hoạt động này phải phù hợp nhiệm vụ và mục tiêu giáo dục của bảo tàng. Ở Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp, Áo… hầu như không nơi nào không có “cửa hàng bảo tàng”, những nơi này thường được đầu tư rất công phu, chăm chút, bởi lẽ nhiều mặt hàng đặc trưng chỉ có ở bảo tàng mà không có ở bất cứ quầy hàng nào đối với khách thông thường.
Họ quan niệm rằng, các cửa hàng này không đơn thuần chỉ là nơi cho các tổ chức cá nhân thuê mặt bằng kinh doanh, mà đây còn là nơi để bảo tàng giới thiệu các mặt hàng có liên quan hiện vật lịch sử hoặc chuỗi đề tài thuộc chuyên đề của bảo tàng. Vì thế, việc bán hàng sẽ góp phần vào nguồn tài chính quan trọng cho bảo tàng, lợi nhuận thu được sẽ quay trở lại phục vụ cho nhiệm vụ chung của bảo tàng mà không phải vì một tổ chức, cá nhân nào…
Ở Việt Nam, những cửa hàng dạng này tuy phổ biến nhưng thường sản phẩm lưu niệm chưa phong phú, thiếu đặc sắc và chưa tạo được dấu ấn riêng. Đến nay, dịch vụ phổ biến nhất mới chỉ dừng lại ở hình thức quầy hàng lưu niệm, các dịch vụ như cho thuê địa điểm tổ chức hội thảo, diễn thuyết, giao lưu họp mặt, sinh hoạt tập thể, chụp ảnh lưu niệm, tổ chức đám cưới… hầu như không đáng kể.
Bảo tàng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, những giá trị lịch sử của dân tộc, của cộng đồng. Để những giá trị này thấm sâu, lan tỏa thì rất cần sự kết nối với cộng đồng thông qua việc tổ chức hoạt động dịch vụ bổ trợ, điều này vừa phục vụ cho mục tiêu phát triển của bảo tàng, vừa thỏa mãn nhu cầu của khách tham quan.
Loay hoay tìm hướng đi
Thật ra, chủ trương tổ chức các dịch vụ phù hợp bổ trợ hoạt động bảo tàng đã có từ lâu, được quy định cụ thể tại Luật Di sản Văn hóa năm 2009. Tiếp đó, Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT-DL từ năm 2010 cũng đã có hướng dẫn cụ thể về việc cho phép tổ chức các hoạt động dịch vụ bổ trợ. Tuy nhiên, suốt những năm qua, câu chuyện đầy thời sự và mang tính sống còn này của ngành bảo tàng vì nhiều lý do khác nhau mà chưa được sự quan tâm đúng mức của thành phố và các ban ngành liên quan. Ở nhiều địa phương, một số người còn có nếp nghĩ tiêu cực khi cho rằng bảo tàng phải là nơi trang nghiêm nên đến nay hoạt động dịch vụ hầu như không mấy khởi sắc, các đơn vị vì nhiều nguyên do cũng không mấy mặn mà.
Học sinh Trường THCS Võ Trường Toản làm hướng dẫn viên nhí tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TPHCM băn khoăn: “Để các bảo tàng phát triển hiện đại tương xứng một trung tâm kinh tế lớn như TPHCM luôn là điều ngành văn hóa quan tâm. Xu hướng phát triển của bảo tàng thế giới rất rõ ràng như thế. Ở ta, luật thì đã có, chủ trương cũng có nhưng thực hiện thì khó trăm bề. Bảo tàng đâu hẳn chỉ là nơi thờ cúng, nó cần phải có sức sống, phải tạo được sự linh động, kết nối, phải hướng đến cộng đồng xã hội thì mới phát triển bền vững”.
Quả thật, để tạo ấn tượng và thu hút công chúng, nhiều bảo tàng đã nỗ lực tự làm mới mình với rất nhiều hoạt động, phải kể đến chương trình “Ông bà cháu cùng đến bảo tàng”, “Hướng dẫn viên nhí”, tổ chức các chương trình giao lưu với nhân chứng lịch sử của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh; chương trình “Học sử ở bảo tàng”, giới thiệu các chuyên đề văn hóa nghệ thuật tại bảo tàng của Bảo tàng TPHCM và Bảo tàng Lịch sử TPHCM; thi tìm hiểu, thuyết minh về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM… Các hoạt động “làm nóng” bảo tàng đã thu hút được sự quan tâm tham gia của nhiều đối tượng công chúng, nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ!
Dịch vụ mang “thương hiệu” bảo tàng
Theo quan niệm của Tổ chức Bảo tàng Quốc tế (ICOM), hoạt động của bảo tàng hiện đại không chỉ nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục mà còn là nhu cầu giải trí của công chúng. Chính vì xác định nhu cầu thư giãn và giải trí của công chúng ở bảo tàng là có thật nên nhiều bảo tàng trên thế giới đã có cách làm rất quy mô, chuyên nghiệp, thu hút đông đảo du khách mỗi khi đến địa phương.
Tại nhiều bảo tàng ở các nước, đặc biệt ở Mỹ, từ lâu đã thực hiện dịch vụ thiết kế hộp tư liệu giáo dục của bảo tàng. Trong các hộp này thường là tư liệu, hiện vật nguyên bản hoặc bản sao, phim tư liệu hay một ấn phẩm nào đó liên quan một đề tài cụ thể để cho thuê hoặc bán. Bảo tàng Thiếu nhi ở Boston được các cơ quan giáo dục của Mỹ ký hợp đồng để thực hiện Hộp tư liệu giáo dục của bảo tàng với từng chủ đề: “Một gia đình Nhật Bản năm 1966” hay “Một ngôi nhà ở Hy Lạp cổ đại”…
Các chương trình đều được sản xuất và phân phối theo kiểu thương mại. Giống như vậy, nhưng Bảo tàng Nghệ thuật New York mang lại hiệu quả ở tầm cao hơn. Bảo tàng đã thiết kế một hệ thống gồm 8 chương trình dành cho học sinh trung học chủ đề “Khám phá lịch sử Châu Mỹ bằng nghệ thuật”. Mỗi chương trình gồm phim tư liệu, hiện vật gốc, sách giáo khoa, đĩa nhạc… nhằm cung cấp cho học sinh những thông tin phổ quát nhất về nghệ thuật, âm nhạc và các nghệ sĩ tiêu biểu. Từ ý tưởng độc đáo, thực hiện quy mô của bảo tàng, những chương trình này sau đó được một công ty trả tiền bản quyền để sản xuất và phân phối trên toàn nước Mỹ.
Tại Bảo tàng Chiến thắng Trou, Normandy (Pháp), hầu như du khách nào khi đến đây cũng đều rất háo hức muốn khám phá những món ăn được cho là từ thời… Thế chiến I được phục vụ bởi một nhà hàng rất lớn ngay trong khuôn viên bảo tàng. Để thưởng thức được một bữa ăn ở nhà hàng này, ngoài số tiền không nhỏ, khách nhất định phải đặt chỗ trước. Ngay cả Ban Giám đốc Bảo tàng mỗi khi muốn đãi khách ở đây cũng phải tuân thủ nguyên tắc này, tức phải đặt chỗ trước. Hay như khi đến với xứ sở được mệnh danh là “thành phố bảo tàng” Hiroshima của xứ hoa anh đào, ai cũng muốn được thưởng thức món ăn truyền thống từ trên 200 năm trước của người dân thành phố này. Để thưởng thức, du khách vừa phải đặt chỗ trước ở nhà hàng vừa phải rồng rắn xếp hàng hơn 2 tiếng đồng hồ mới tới lượt được phục vụ.
Hoành tráng hơn cả và tổ chức dịch vụ quy mô hơn hết phải kể đến Bảo tàng Mỹ thuật đương đại quốc gia Đan Mạch tại thủ đô Copenhagen, vốn thu hút hàng chục triệu lượt khách tham quan mỗi năm. Ngay trong khuôn viên của mình, bảo tàng tổ chức 2 nhà hàng rất quy mô: một nhà hàng phương Tây và một nhà hàng phương Đông. Tại nhà hàng phương Tây, món ăn truyền thống của người Đan Mạch được giới thiệu và được du khách thế giới ưa chuộng, rất đơn giản chỉ là món bò hầm và khoai tây đút lò. Chưa hết, bên dưới tầng hầm của bảo tàng là một trung tâm siêu thị hoành tráng rộng hàng chục ngàn mét vuông, phục vụ tất cả các mặt hàng cho khách thưởng lãm. Đặc biệt, chỉ có những sản phẩm xuất xứ từ siêu thị mới được phép in biểu tượng của bảo tàng nổi tiếng này!
MINH AN
>> Để bảo tàng không thành kho chứa hiện vật