Tạo môi trường thuận lợi
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, tình hình thu hút đầu tư trong và ngoài nước khá khởi sắc, kết quả thu hút đầu tư 9 tháng đầu năm 2018 cao hơn cùng kỳ. Đối với đầu tư trong nước, có 1.085 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 15.424 tỷ đồng, tăng 7,1% doanh nghiệp và 23,1% vốn đăng ký so với cùng kỳ; 113 dự án trong nước được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn 15.376 tỷ đồng, giảm 5 dự án nhưng tăng 2.194 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11.589 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 267.778 tỷ đồng.
Về đầu tư nước ngoài (FDI), cấp mới 59 dự án với tổng số vốn đăng ký 215,85 triệu USD, 50 dự án tăng vốn 91,12 triệu USD; tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 306,97 triệu USD; giảm 8 dự án và tăng 66 triệu USD vốn đăng ký so với cùng kỳ. Tổng số dự án FDI đăng ký trên địa bàn tỉnh đến nay là 941 dự án với tổng số vốn 5.950 triệu USD. Hiện tại, có 576 dự án đi vào hoạt động, chiếm 61,2% tổng số dự án đăng ký; tổng vốn thực hiện khoảng 3.614 triệu USD, đạt 60,7% so với tổng vốn đăng ký.
Đạt được những kết quả như trên là do tỉnh Long An đã có những chính sách thu hút đầu tư rất cởi mở, thuận lợi. Cụ thể, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các sở ngành và địa phương đã tích cực thực hiện cơ chế một cửa liên thông, một cửa điện tử để giải quyết nhanh các thủ tục hành chính. Các sở ngành, huyện, thị xã, thành phố thực hiện niêm yết và hướng dẫn rõ ràng 100% thủ tục hành chính tại trụ sở và trên trang thông tin điện tử của cơ quan.
Thực hiện công khai, minh bạch văn bản quy phạm pháp luật; các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển, cơ chế, chính sách quản lý trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của các sở ngành, địa phương.
Đồng thời, các cấp, các ngành triển khai thực hiện cải cách hành chính theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 và giai đoạn 2016-2020; kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2018. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động cụ thể hóa thành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, đúng định hướng.
Chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp tục được nâng cao. Đến nay, đã tập trung thủ tục hành chính của 18/18 sở ngành vào giải quyết tại trung tâm từ ngày 2-7-2018. Đối với cấp huyện, đã thành lập 15/15 trung tâm hành chính công (trên cơ sở nâng cấp từ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện) và kết nối với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để theo dõi, hỗ trợ hoạt động.
Đẩy mạnh liên kết và kết nối
Ông Nguyễn Văn Tiều, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, cho biết thời gian qua, các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp do UBND tỉnh triển khai luôn được duy trì thực hiện tốt, nhất là thực hiện kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh PCI và các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài, hội nghị đối thoại doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, thực hiện phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tỉnh đã tổ chức ban chỉ đạo hỗ trợ lập thủ tục đầu tư đối với các dự án lớn như Vingroup, VSIP; tổ chức lại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp từ các trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch riêng lẻ…
Trong kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh, định hướng đến năm 2020, Long An đặt mục tiêu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 15%, công nghiệp 45%, dịch vụ 40% và phấn đấu trở thành tỉnh đầu tàu kinh tế của khu vực ĐBSCL. |
Về thực hiện liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An đang tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện đề án liên kết. Đến nay đã hoàn thiện nội dung liên kết phát triển kinh tế - xã hội với tỉnh Tiền Giang, dự kiến 2 địa phương tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác trong thời gian tới. Đồng thời, tỉnh cũng tổ chức đoàn công tác xúc tiến tiêu thụ hàng hóa nông sản tại Campuchia; làm việc với các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể trong khu, cụm công nghiệp để kết nối thúc đẩy tiêu thụ nông sản; khảo sát các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, xuất khẩu hạt điều để tìm hiểu khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Long An đang tạo bước đột phát trong thu hút đầu tư bằng cách huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp, gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuỗi giá trị ngành hàng theo hướng bền vững. Long An luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đến tìm hiểu cũng như thực hiện dự án đầu tư; xem khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng là khó khăn của tỉnh, thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh Long An cũng đã xác định, thu hút vốn đầu tư phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng tăng trưởng xanh, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; tập trung vào các ngành có hàm lượng kỹ thuật công nghệ và dịch vụ cao cấp... Liên kết với các tỉnh ĐBSCL và TPHCM trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, cảng biển…