Điểm sáng FDI và nỗi lo…

Trong bối cảnh nền kinh tế chật vật cán mốc tăng trưởng 4,9%, khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn phát triển tốt và trở thành điểm sáng. Tuy nhiên, chính sự “tỏa sáng” đó đã làm nảy sinh những quan điểm trái chiều. GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư trực tiếp nước ngoài - một chuyên gia kỳ cựu trong cả hai vai trò quản lý và đại diện doanh nghiệp - đã chia sẻ góc nhìn của mình với Báo SGGP.
Điểm sáng FDI và nỗi lo…

Trong bối cảnh nền kinh tế chật vật cán mốc tăng trưởng 4,9%, khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn phát triển tốt và trở thành điểm sáng. Tuy nhiên, chính sự “tỏa sáng” đó đã làm nảy sinh những quan điểm trái chiều. GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư trực tiếp nước ngoài - một chuyên gia kỳ cựu trong cả hai vai trò quản lý và đại diện doanh nghiệp - đã chia sẻ góc nhìn của mình với Báo SGGP.

Ghi nhận những đóng góp

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tính từ đầu năm đến nay đạt khoảng 11,2 tỷ USD, bằng 119,6% cùng kỳ năm trước.

Quan trọng hơn, các DN FDI đang hoạt động đã đóng góp tới 56.300 tỷ đồng trong tổng nguồn thu ngân sách từ nội địa (không kể dầu thô); đồng thời chiếm tới 65% tổng kim ngạch xuất khẩu…

Điều đầu tiên phải khẳng định FDI năm nay đóng góp tới 25,3% GDP. Nhưng ngoài những con số thống kê về GDP, còn phải nhìn nhận một số khía cạnh nữa về đóng góp của khối FDI.

Lấy ví dụ Samsung, năm 2012, doanh nghiệp này xuất khẩu đạt giá trị 12,6 tỷ USD, năm nay có khả năng đạt 20 tỷ USD. Nếu đạt 20 tỷ USD, chỉ riêng Samsung đã chiếm tới xấp xỉ 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2013. Họ sử dụng khoảng 100ha đất để tạo ra giá trị này và bắt đầu từ năm 2013 sẽ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 5%, đồng nghĩa với đóng góp thêm khoảng 1.000 tỷ đồng cho ngân sách; tương đương 10 tỷ đồng/ha đất. Con số này còn tăng lên gấp đôi, khi họ đóng đủ thuế TNDN 10% từ thời điểm hết hạn giảm thuế cho đến hết thời gian hoạt động của dự án. Có bao nhiêu DN của ta đóng góp được ở mức đó trên một đơn vị diện tích đất?

Bên cạnh đó, Samsung đã sử dụng hàng ngàn công nhân, trong đó có đội ngũ đông đảo kỹ sư, cán bộ quản lý cao cấp mà chúng ta không dễ gì đào tạo được; chưa kể hơn 60 nhà sản xuất phụ trợ. Quan trọng hơn, khi một nhà đầu tư tầm cỡ như thế quyết định đầu tư xây dựng nhà máy lớn nhất tại Việt Nam, họ gửi đi một thông điệp đầy sức thuyết phục với giới đầu tư thế giới rằng, VN là địa điểm đầu tư rất hấp dẫn. Họ còn thành lập một Trung tâm Nghiên cứu phát triển tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và sử dụng hàng ngàn nghiên cứu viên. Công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao được ươm mầm ở đó!

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân...

Nói như thế không có nghĩa FDI không có chuyện đáng lo. Chuyển giá là chuyện có thật và không bao giờ hết hẳn, vì cơ chế thị trường là thế. Nhà nước làm ra thể chế, luật pháp; còn dù là nước ngoài hay trong nước vẫn luôn có những DN tìm cách trốn thuế. Cả nước hiện có khoảng 12.000 doanh nghiệp FDI, bao nhiêu trong số đó chuyển giá, phải làm rõ và điểm mặt chỉ tên cụ thể. Như Coca-Cola bao năm họ khai lỗ, không nộp thuế TNDN, nếu họ chuyển giá thật thì cơ quan thuế rõ ràng chưa làm tròn trách nhiệm! Hay Keangnam trốn được thuế là do luật pháp của mình cho phép họ lựa chọn phương thức A hoặc B. Dĩ nhiên họ sẽ chọn cách có lợi nhất cho họ.

Lẽ ra phải thừa nhận chúng ta đã phản ứng chính sách quá chậm. Các cơ quan nhà nước có liên quan phải họp lại, bàn xem vì sao họ trốn thuế được, “trám” lỗ hổng đó bằng cách nào. Chuyện doanh nghiệp vì lợi nhuận làm ảnh hưởng đến môi trường cũng tương tự.

Nói cho cùng, trong thực tế hoạt động đầu tư nước ngoài suốt 25 năm qua, chưa thấy có nhà đầu tư nước ngoài nào chủ ý phá hoại nền kinh tế VN. Kinh tế VN vững mạnh thì họ mới thịnh vượng. Không ai suy nghĩ bình thường mà lại đi chọc thủng mái của cái nhà mình đang ở trong đó.

Sản xuất linh kiện cơ khí chính xác tại nhà máy thuộc Tập đoàn Nidec (Nhật Bản) trong KCX Tân Thuận. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Sản xuất linh kiện cơ khí chính xác tại nhà máy thuộc Tập đoàn Nidec (Nhật Bản) trong KCX Tân Thuận. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Nhưng lo ngại là có cơ sở!

Chuyện đáng nói hiện nay là liều lượng FDI thế nào cho đủ, để vừa tận dụng được đầu tư quốc tế, thế mạnh từ hội nhập quốc tế vừa phát huy được thế mạnh trong nước. Với gần 90 triệu dân, Việt Nam không thể phụ thuộc quá lớn vào ngoại lực. Nói một cách hình tượng, đội quân chủ lực trên mặt trận kinh tế của chúng ta phải là khối doanh nghiệp nội.

Hiện nay việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang được nói đến rất nhiều, nhưng cũng có cách tiếp cận khác đáng lưu ý. Đó là ưu tiên, khuyến khích khối tư nhân phát triển mạnh lên, tự khắc những “ông lớn” cồng kềnh, kém hiệu quả sẽ giảm dần vai trò đi. Cá nhân tôi cho rằng đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp tư nhân cũng là việc cần làm, nhưng khó hy vọng tiến triển vượt bậc được, bởi nhiều DNNN có những khuyết tật khó mà sửa chữa được. Nếu tập trung lo khung chính sách tốt, thực thi chính sách tốt cho khối tư nhân thì mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp tư nhân cũng không phải quá xa vời.

Có vẻ như nghịch lý khi bàn về đầu tư nước ngoài nhưng lại nói chuyện đối xử với DN trong nước, nhưng đúng là như vậy. Luật Đầu tư nước ngoài đã ra đời trước các luật về đầu tư trong nước rất lâu, gần đây mới được gom vào một luật thống nhất. Trong khi đó, ở các nước - kể cả nước giàu như Mỹ hay nước lớn như Trung Quốc -  đều dành sự ưu ái cho DN trong nước của họ, miễn là không vi phạm các nguyên tắc hội nhập kinh tế quốc tế đã cam kết. Hiện nay, Chính phủ chưa chú trọng làm hết những việc có thể để hỗ trợ DN trong nước, còn những việc đã làm lại chưa xử lý được các khó khăn từ gốc rễ.

Tôi muốn nhấn mạnh, chưa bao giờ Việt Nam có vị thế tốt như hiện nay, một phần do những diễn biến trên trường quốc tế có lợi cho ta; phần khác nội lực của chúng ta cũng được cải thiện đáng kể, mặc dù có thể chưa bằng lòng, có thể làm tốt hơn.

Đừng hô hào chung chung

Vậy bây giờ phải làm gì? Suy rốt ráo thì tất cả mọi khâu, từ lập pháp, chủ trương, chính sách ở trung ương đến quy định ở địa phương rồi khâu thực thi đều do con người. Nếu toàn đội ngũ ấy không tự hoàn thiện mình thì sẽ chỉ cải cách kiểu... gà mắc tóc, tức bỏ giấy phép con này lại đẻ ra cái giấy khác, phân quyền xong lại phải thu quyền về. Chọn người vào đúng vị trí, theo tôi là yêu cầu cốt tử.

Gần đây, tôi thấy Chính phủ và các địa phương rất quan tâm đến những nhận xét của bên ngoài về môi trường đầu tư. Đó là điều cần, nhưng chưa đủ. Chừng nào chưa có được hệ thống tự đánh giá đúng đắn bản thân mình mà chỉ sửa đổi để đối phó với bên ngoài thì chỉ mang tính vụ việc, không thể toàn diện được.

Với đầu tư nước ngoài cũng cần điều chỉnh cách ứng xử. Toàn bộ chính sách về FDI hiện nay chưa có gì thay đổi căn bản mà gần như vẫn là chính sách từ những ngày đầu, năm 1987; chủ yếu dựa vào thế mạnh là lao động giản đơn, rẻ tiền. Công nghiệp phụ trợ không tiến triển; các khu kinh tế, khu công nghiệp nhan nhản nhưng không hề có dấu ấn vùng, cũng không căn cứ vào đặc thù của địa phương. Ví dụ, Đà Nẵng muốn làm khu công nghệ cao thì phải làm gì đó khác với Hà Nội và TPHCM, nếu không thì ngay tại Hà Nội hay TPHCM đã sẵn nong, sẵn né rồi mà còn chưa lấp đầy, liệu có thể hy vọng nhà đầu tư đổ xô vào Đà Nẵng?

Lợi thế của địa phương là sự khác biệt, phải tìm cho ra cái khác biệt mà phát triển. Như Vũng Tàu có lợi thế khai thác hóa dầu, du lịch, cảng trung chuyển quốc tế, vậy có nên đi làm thép? Từ khi phân cấp quản lý cho các tỉnh, có cái lợi là thi đua nhau làm tốt hơn, cải cách thủ tục hành chính nhanh hơn... nhưng chính quyền địa phương hầu hết không đặt lợi ích quốc gia lên trên hết để chấp nhận sự phân công lao động theo ngành nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Kể cũng không sai khi có người gọi đó là mô hình “63 nền kinh tế nhỏ”.

Bây giờ, với việc Samsung đang triển khai đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, tại sao chúng ta không bàn với họ xem họ cần loại linh kiện, thiết bị nào, rồi xem những doanh nghiệp Việt Nam nào có khả năng đáp ứng. Thậm chí có thể dành hẳn một phần nguồn thu chính từ Samsung để hỗ trợ cho ra tấm ra miếng. Khéo làm thì có thể tiếp sức cho hàng trăm DN. Tất nhiên cũng đừng nghĩ rằng ta “bao thầu” được tất cả mọi lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, vì các tập đoàn đa quốc gia thường thiết lập hệ thống sản xuất toàn cầu, họ sản xuất linh kiện khắp thế giới, vậy ta chỉ nên chọn cái gì thuận lợi nhất, có thể cạnh tranh nhất để làm. Hô hào khuyến khích đổi mới công nghệ chung chung thì bao giờ mới có kết quả được.

  • GS-TSKH NGUYỄN MẠI

"Một việc rất cụ thể và khả thi ngay trước mắt là tìm cách khai thác lợi thế có được khi các tập đoàn lớn mạnh đã quyết định đầu tư vào Việt Nam. Tôi còn nhớ trước đây, khi Intel còn phân vân lựa chọn giữa 4 điểm đến là Ấn Độ, Singapore, Malaysia và Việt Nam, Chính phủ đã thành lập “đội đặc nhiệm” với quyết tâm rất cao “kéo” cho được Intel vào Việt Nam. Nhà đầu tư đưa ra một danh sách gần 30 vấn đề, đội đặc nhiệm đã nhanh chóng phân loại những gì có thể chấp nhận ngay, những gì phải đàm phán và những gì không nhân nhượng. Chính phủ quyết đáp nhanh, đàm phán suôn sẻ và ta đã thành công. Intel không chỉ tạo ra lực đẩy đối với công nghệ thông tin của Việt Nam mà còn tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút thêm nhiều DN FDI khác vào Việt Nam"

GS-TSKH NGUYỄN MẠI
ANH PHƯƠNG ghi

 Báo SGGP trân trọng kính mời các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, tài chính, quản lý đô thị… cùng quý bạn đọc tham gia viết bài, đóng góp ý kiến, phản hồi cho chuyên mục Góc nhìn chuyên gia. Bài viết, ý kiến phản hồi xin gửi về: Ban Kinh tế - Báo SGGP, 399 Hồng Bàng, phường 14 quận 5 TPHCM. Email: bankinhtesggp@gmail.com. Trân trọng cảm ơn!

Tin cùng chuyên mục