Là một giáo viên, tôi luôn giáo dục học sinh những bài học trung thực. Đó luôn là đức tính hàng đầu và là hành trang cho các em trên bước đường đời. Thế nhưng nhiều năm qua tôi vẫn luôn áy náy về một sự việc và bài học đáng nhớ cho mình trong sự nghiệp trồng người.
Năm đầu tiên đi dạy, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 10. Em là bí thư Đoàn của lớp, chức vụ này do em tự nguyện và được tập thể ủng hộ. Tôi khá tự hào về em và lòng thầm vui vì mình có được một bí thư tự tin, nhiệt huyết. Khoảng giữa học kỳ, một vài tin đồn trong lớp rằng em thường hay thu tiền quỹ của lớp sai quy định. Mỗi môn học đều tốn tiền photocopy tài liệu, đề cương, nên cán bộ lớp thu tiền nộp lại cho giáo viên. Tôi chứng thực với các giáo viên bộ môn, nhưng tôi lại đứng ra đính chính với một số học sinh trong lớp để tránh mất đoàn kết tập thể. Nhưng thật sự các học sinh vẫn không phục. Vấn đề chính là em đã thu nhiều hơn số tiền giáo viên yêu cầu. Tôi đem số tiền em thu của các bạn đối chiếu với số tiền giáo viên yêu cầu thấy rõ ràng chênh lệch gần gấp đôi. Tôi im lặng, không nói gì, nghĩ rằng em lỡ dại lần đầu nên tôi bỏ qua để em tiếp tục làm cán bộ lớp. Trường quyên góp tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt, em thu của lớp rất nhanh. Nhưng sau đó em nộp lại cho trường chỉ một nửa, còn lại em đã cắt xén để tiêu pha cá nhân.
Sau khi xác minh sự việc, tôi quyết định mời em lên phòng giám thị gặp riêng. Mọi lời lẽ khéo léo của tôi cũng chỉ mong nghe sự thật từ phía em. Em chối bay chối biến, vờ như không biết. Khá bực, tôi vào thẳng vấn đề chính: “Tiền em thu khoảng chênh lệch photocopy tài liệu các môn học sao không thấy báo cáo với thầy? Tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt sao em lại cắt xén một nửa?”. Bực tức vì bị học sinh qua mặt, lại là một cô nữ sinh mà mình tin tưởng nên tôi đã cầm điện thoại gọi cho phụ huynh. Em liền quỳ xuống và khóc, xin lỗi tôi và nói cho em cơ hội để phân trần. Em nói, thời gian gần đây nội em bệnh nặng, gia đình khó khăn, không thường xuyên chu cấp các khoản phí sinh hoạt, nên em mượn tạm, sau này sẽ tìm cách trả lại cho lớp. Lý do hoàn toàn thuyết phục nên tôi chỉ khuyên em phải thành thật với thầy cô và các bạn để tránh xầm xì trong lớp.
Không lâu sau, tôi nhận được cuộc gọi của ba em: “Thầy cho tôi hỏi, cuộc họp đầu năm, tôi đã đóng quỹ lớp cho thầy đầy đủ, sao con tôi nói thầy bắt đóng quỹ gì nữa tới 200.000 đồng?”. Linh tính chuyện không hay, tôi trả lời ba em rằng chắc có sự nhầm lẫn nào đó, tôi sẽ kiểm tra và liên lạc lại để phụ huynh yên tâm. Tôi lại mời em lên phòng giám thị và hỏi thẳng em về vấn đề ba em vừa gọi, em lại khóc rấm rứt, kể lể... Tôi không chấp nhận và viết thư mời đưa em về mời phụ huynh tới trường. Em lại van xin, lại khóc lóc. Tôi vẫn cương quyết! Tan học chiều hôm đó, em không về nhà ngay mà tìm đến nhà tôi nài nỉ. Tôi không mở cửa, em đứng hơn 2 giờ, tôi thấy lo nên đồng ý để em vào. Em lại tiếp tục xin tôi cho một cơ hội. Nhìn học trò vừa khóc vừa lo ba đánh, tôi lại động lòng, rút lại thư mời, đồng thời tìm lý do giải thích cho ba em hiểu.
Gần ngày thi giữa kỳ, em thường hay nghỉ học, tôi gọi cho ba em, ba em cho biết vẫn chở em đến trường đều đặn. Sinh nghi, tôi nhắc ba em để ý em kỹ hơn. Nhưng mọi chuyện đã quá muộn khi ba em thông báo em đã bỏ nhà đi và mang theo số tiền khá lớn của gia đình. Ba em lên gặp tôi khóc rất nhiều, cho biết vừa phải chăm lo cho cả nhà, nội lại đang hấp hối trong khi con cái không ra gì.
Giọt nước mắt của 2 con người ấy cứ ám ảnh tôi suốt những năm qua. Tiếc nuối, cắn rứt, hối hận, hờn trách... Tôi hối hận vì mình không trung thực với phụ huynh ngay từ những lần sai trái đầu tiên của em. Nếu kịp thời, mọi chuyện có thể không tệ như vậy. Tôi hối hận vì mình đã thương học sinh không đúng cách, đã “tiếp tay” cho học trò thiếu trung thực đến 3 lần. Tôi trách em vì em xem thường sự trung thực, bỡn cợt lòng tin của mọi người. Tôi tự trách mình và lấy đó làm bài học để giáo dục những thế hệ học trò sau này.
Phan Công Sơn (TPHCM)