Phát biểu tại diễn đàn này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của phần lớn các quốc gia ASEAN. Sản xuất nông, lâm, thủy sản trong khu vực không chỉ đảm bảo an ninh lương thực nội khối với dân số 650 triệu người mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Phó Thủ tướng khẳng định, tại Việt Nam, mô hình đối tác công - tư (PPP) là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và tăng cường đầu tư vào chế biến sâu. Chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư theo hình thức PPP đã được Chính phủ thể chế hóa bằng các chính sách. Trong kế hoạch hành động triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ Việt Nam đặt nông nghiệp làm trọng tâm cho phát triển kinh tế bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn thịnh vượng. Khoa học - công nghệ và đầu tư theo mô hình PPP sẽ là 2 nhân tố giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định, doanh nghiệp là tác nhân năng động nhất trong chuỗi giá trị, có tiềm lực ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất và chế biến nông sản trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nói về chủ đề của GAF, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, muốn hội nhập sâu rộng hơn, ngành nông nghiệp cần phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa với sự tham gia sâu rộng hơn của khu vực tư nhân, sử dụng các công nghệ hiện đại của cách mạng công nghiệp 4.0 để chuyển đổi ngành nông nghiệp, trở nên hiện đại hơn, hiệu quả hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, kinh tế nông nghiệp vẫn chiếm vai trò rất quan trọng của nhiều quốc gia, bởi vì dân số thế giới hiện nay đã lên tới 7,5 tỷ người, trong khi nhu cầu cho tiêu dùng thực phẩm của bình quân thế giới là 15%. Đây là một trong những cơ hội để nông nghiệp có thể phát triển. Ông Nguyễn Xuân Cường đặt vấn đề: “Đầu tư theo hình thức PPP là một trong những phương thức cốt lõi để thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp bền vững, thực hiện được mục tiêu từng quốc gia về nông nghiệp”. Chia sẻ với các đại biểu tham dự diễn đàn, ông Cường cho biết, năm nay Việt Nam có thể xuất khẩu được 40 tỷ USD về nông sản. “Nếu làm tốt từ vùng nguyên liệu đến chế biến, tổ chức thị trường và xâu chuỗi lại từ người nông dân với doanh nghiệp, với tập đoàn thì giá trị còn tăng nhiều. Rõ ràng, muốn thực hiện được điều đó thì không có con đường nào khác là hợp tác công - tư. Đây sẽ là một trong những chìa khóa, giải pháp căn cơ nhất thực hiện tầm nhìn của WEF về nông nghiệp”, ông Cường nói.