Giấc mơ “thương hiệu Việt” của chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) đang trở nên xa vời hơn bao giờ hết khi ĐTDĐ Trung Quốc (TQ) âm thầm xâm nhập và lấn chiếm các phân khúc thị trường. Cầm chiếc ĐTDĐ iPhone, chỉ có người sành điệu và am hiểu mới nhận ra đó là chiếc iPhone do TQ sản xuất, hay chiếc Nokia E71 thì khi sử dụng mới hay nó không phải là hàng chính hãng của Nokia… mà là hàng “sơn trại”. Thêm một phân khúc khác, đó là ĐTDĐ “thương hiệu Việt” đã chiếm được chỗ đứng trong thị trường vì giá rẻ, nhiều tính năng… song cũng chỉ là thương hiệu trên “thân xác” từ TQ.
Hàng “sơn trại” đầy chợ, khắp phố
Theo đúc kết của anh Nghi, người có gần 5 năm du học ở TQ và tốn khá nhiều thời gian nghiên cứu loại sản phẩm này, hàng “sơn trại” là hàng copy 99% và thêm 1% sáng tạo. Anh Nghi cho biết, trước đây còn ít người TQ hiểu được nghĩa bóng của từ sơn trại thì gần đây, từ sơn trại được bình chọn là từ tiêu biểu của thế giới ảo ở TQ. Tết rồi, về Việt Nam, anh Nghi mới giật mình thấy ĐTDĐ sơn trại đã “nằm trong túi” của không ít người Việt.
“Em thích cái iPhone lắm nhưng sinh viên làm gì có đủ tiền mà mua nên xài cái này cho đỡ thích…” – Huyền, sinh viên năm hai Đại học Kinh tế TPHCM cho biết khi nói chuyện về chiếc ĐTDĐ TQ có hình dáng không khác gì chiếc iPhone của Hãng Apple. Giá chỉ 2 triệu đồng nhưng chiếc ĐTDĐ TQ của cô sinh viên này cũng có màn hình cảm ứng, Camera 0.3 Mega pixel, MP3 & MP4 player và kết nối GPRS, Bluetooth và Wifi... Rõ ràng, nó đáp ứng đầy đủ giá trị sống: Rẻ, đủ tính năng và… vẫn sành điệu.
Không chỉ iPhone “sơn trại” mà các dòng máy cao cấp như Vertu, Mobiado… cũng có hàng sơn trại với giá chưa đến 4 triệu đồng, trong khi giá của các loại điện thoại chính hãng này từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng.
Anh Nhân, nhân viên của một công ty môi giới bất động sản ở quận 1 cho biết triết lý xài Mobiado sơn trại của mình: “Em làm nghề này cũng cần hình thức bên ngoài nên xài cái Mobiado TQ này cũng thấy tự tin. Người không am hiểu ĐTDĐ vẫn thấy nó sang trọng, cao cấp không thua gì hàng chính hãng. Tìm hiểu kỹ, chiếc Mobiado của anh Nhân đang sử dụng có vỏ không khác gì vỏ chính hãng là mấy nhưng phần ruột bên trong là của TQ và chạy trên hệ điều hành của máy Nokia dòng N được mua với giá 3 triệu đồng.
Các chợ “ảo” bán ĐTDĐ sơn trại nhiều vô số, muốn mua loại nào chỉ cần alô sẽ có ngay… Tại www.vatgia.com, ĐTDĐ sơn trại được bày bán chi chít. Giá, hình ảnh và thông số kỹ thuật của ĐTDĐ sơn trại được phơi đầy giao diện web… Địa chỉ này được giới xài ĐTDĐ sơn trại bình dân cho là điểm cung cấp ĐTDĐ sơn trại phong phú nhất hiện nay. Khác với trang vatgia.com, tại www.raovatdidong.vn, đa phần ĐTDĐ sơn trại là hàng cao cấp và được sắp xếp khá chuẩn theo từng dòng sản phẩm. Đặc biệt nhất của trang này là dòng ĐTDĐ sơn trại Mobiado và Vertu. Với máy Mobiado Professional 105 GMT Gold fake, chiếc đồng hồ của GMT luôn hoạt động mà không cần nhờ đến năng lượng của pin mà chỉ cần một con lắc có sẵn trực tiếp của đồng hồ. Giá bán của chiếc ĐTDĐ này chỉ 4 triệu đồng. Đúng là 99% copy, còn 1% sáng tạo là phần mềm “rẻ tiền” như bao chiếc ĐTDĐ TQ khác.
Không chỉ chợ “ảo”, tuyến đường 3 Tháng 2 (TPHCM) đã trở thành “chợ thật” với vô số cửa hàng bán ĐTDĐ TQ. Loan, bán ĐTDĐ ở cửa hàng Q.L., cho hay: “Muốn mua loại nào cũng có… Cần hàng “khủng” thì tụi em đặt hàng, chừng 15 ngày sẽ có máy cho anh”. Để minh chứng, cô chào một số chiếc Mobiado và Vertu “sơn trại” mà khách hàng đặt và tiếp tục khẳng định: “Mua hàng ở cửa hàng em thì anh yên tâm, cửa hàng bảo hành miễn phí cả năm”. Tại tiệm V.A., ĐTDĐ TQ được bày bán la liệt trong hai tủ kính. Khi hỏi đến hàng “cao cấp”, anh thanh niên bán ĐTDĐ liền nhanh nhảu: “Anh cần loại nào? iPhone 3Gs, Vertu em đều có… nhưng anh chờ cho 15 phút”. Anh thanh niên nói xong liền bốc điện thoại gọi, chưa đầy 10 phút đã có người đến giao máy.
Thương hiệu trên “thân xác” khác
Các nhà phân phối ĐTDĐ lớn hiện nay tại TPHCM như Thế Giới Di Động, Viễn Thông A đều khẳng định: ĐTDĐ giá rẻ như Q-mobile, MobiStar, F-mobile, ConnSpeed… (ĐTDĐ thương hiệu Việt) hay Mobell, Cayon, Malata… (ĐTDĐ nhập khẩu từ TQ) đã có sự tăng trưởng đáng kể. Bà Hoàng Ngọc Vy, Tổng Giám đốc Công ty Viễn Thông A, cho biết: “Hàng tháng, Viễn Thông A bán ra trên 70.000 máy với đa phần là nhãn hiệu giá rẻ và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay vì giá cả phù hợp”.
Theo Thế Giới Di Động, năm nay nhu cầu của ĐTDĐ giá rẻ sẽ tăng trưởng trên 30% so với năm 2009. Một cô gái bán ĐTDĐ trong hệ thống Thế Giới Di Động cho biết những chiếc điện thoại giá rẻ có xuất xứ từ TQ với tên gọi là ĐTDĐ thương hiệu Việt rất hút hàng, khách hàng chủ yếu là những người trẻ. Chính vì thế, giới phân phối ĐTDĐ nhận định, thị trường ĐTDĐ năm nay sẽ có sự vươn lên mạnh mẽ của phân khúc thương hiệu Việt và dòng mới, trong đó đáng chú ý là ĐTDĐ tích hợp 3G có xuất xứ từ TQ với giá từ 3 – 5 triệu đồng.
ĐTDĐ thương hiệu xuất xứ từ TQ có giá rẻ, dao động dưới 3 triệu đồng với các mẫu 2 sim, 2 sóng, nhiều tính năng đã xuất hiện trên thị trường cách đây không lâu. Gần đây, dòng ĐTDĐ mang thương hiệu Việt Mobistar có dòng máy Mobistar @55, Mobistar @56 với rất nhiều tính năng… được đặt hàng tại TQ và gắn tên MobiStar, giá bán 500.000 - 2 triệu đồng. Trước đó đã có hai doanh nghiệp của Việt Nam là Công ty Viễn thông An Bình (Q-mobile) và FPT Mobile (F-mobile) thành công khi tham gia vào phân khúc điện thoại thương hiệu Việt. Cả hai doanh nghiệp này tập trung vào phân khúc bình dân và cùng thực hiện công đoạn lắp ráp tại TQ.
Như vậy có thể thấy ĐTDĐ “thương hiệu Việt” thực chất… chỉ là mã “Việt” trong khi cả “hồn” và “xác” đều không có chút bản sắc dân tộc. Nhạy bén với thị trường, một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cũng đang tích cực nhập cuộc chơi. Chẳng hạn Viettel công bố sẽ tung ra một số sản phẩm thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối trong đó có ĐTDĐ, sẽ do chính Viettel thiết kế theo nhu cầu của người Việt còn việc lắp ráp có thể sẽ được tiến hành tại TQ…
Cần thẳng thắn thừa nhận với sự đa dạng và giá rẻ, dù là hàng “sơn trại” hay khoác áo “thương hiệu Việt”, ĐTDĐ TQ đã đáp ứng phần nào nhu cầu “sang nhưng rẻ” của người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên rõ ràng, trong lĩnh vực sản xuất ĐTDĐ, chúng ta không có một vị thế nào cả… có chăng là những cái tên tự tạo trên thân xác khác. Đáng nói, chúng ta chưa có một chương trình tổng thể cho ngành công nghiệp ĐTDĐ mà cứ để các doanh nghiệp có khả năng vô tư “sáng tạo”, tạo nên một thị trường ĐTDĐ bị lấn chiếm.
BÁ TÂN