Điều chỉnh lãi suất cơ bản để kiềm chế giá vàng, USD

Những ngày vừa qua thị trường vàng và USD trong nước đã có những diễn biến đầy kịch tính với biên độ tăng và giảm rộng chưa từng có, từ 700 - 800 đồng đối với USD và hơn 1 triệu đồng/lượng đối với vàng.
Điều chỉnh lãi suất cơ bản để kiềm chế giá vàng, USD

Những ngày vừa qua thị trường vàng và USD trong nước đã có những diễn biến đầy kịch tính với biên độ tăng và giảm rộng chưa từng có, từ 700 - 800 đồng đối với USD và hơn 1 triệu đồng/lượng đối với vàng.

Thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm tung ra thị trường 600 tỷ USD đã tạo sức ép giảm giá mạnh đối với USD và khiến giá vàng tăng mạnh trong 2 ngày 4 và 5-11. Giá vàng thế giới từ mức 1.359,6 USD/ounce vọt lên đến 1.390 USD/ounce vào trưa ngày 5-11. Trước đó có lúc vọt lên giá cao nhất từ trước đến nay 1.393,16 USD/ounce, tăng đến 34 USD/ounce. Cùng ngày giá USD trên thị trường thế giới giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng qua.

Bị ảnh hưởng bởi giá vàng và USD tại Mỹ, thị trường vàng và USD trong nước liên tục chao đảo. Động thái tung USD để giải tỏa áp lực tỷ giá của NHNN đã có những tác động nhất định. Sáng 5-11, khi giá vàng trong nước chạm mốc lịch sử 35 triệu đồng/lượng, đầu giờ chiều, sau khi thị trường nhận được thông tin, lãi suất cơ bản bằng VND được tăng lên mức 9% theo quyết định của NHNN (tăng thêm 1% so với mức công bố ngày 27-10-2010) thì cùng với USD giá vàng lại quay đầu giảm.

Mua vàng tại một tiệm ở quận 1. Ảnh: CAO THĂNG

Mua vàng tại một tiệm ở quận 1. Ảnh: CAO THĂNG

Cụ thể, giá vàng SJC từ mức 35 triệu đồng/lượng (bán ra) vào lúc 10 giờ sáng, đến 12 giờ trưa đã rớt xuống còn 34,67 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 330.000 đồng/lượng nhưng vẫn cao hơn mức giá chốt trước đó một ngày đến 470.000 đồng/lượng và cao hơn mức giá đầu tháng đến 940.000 đồng/lượng.

Để tránh rủi ro do giá liên tục đảo chiều, hầu hết các đơn vị kinh doanh đều rất thận trọng niêm yết giá bằng cách nới rộng khoảng cách giữa giá mua và bán. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sacombank (SBJ), giá vàng miếng SBJ lúc 14 giờ 15 mua vào ở mức 34,46 triệu đồng/lượng nhưng bán ra lại đến 34,64 triệu đồng/lượng (chênh lệch gần 200.000 đồng/lượng).

Trong ngày 4-11, khối lượng vàng giao dịch trên thị trường rất lớn, trong đó lực mua nhiều hơn lực bán. Tại SBJ, tổng số lượng vàng bán ra trên toàn hệ thống đạt hơn đến 8.000 lượng, gấp đôi so với ngày thường. Còn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), số lượng vàng bán ra cùng ngày cũng tăng 2,5 lần so với bình thường. Ngược lại, đến ngày 5-11, sau khi giá lập mốc 35 triệu đồng/lượng, khách bắt đầu thận trọng, không khí mua vào bán ra trên thị trường lặng lẽ trở lại.

Khác với biến động giá vàng, sau khi rớt xuống mức 20.600 đồng/USD (bán ra) do tác động của NHNN về việc rà soát và bán ngoại tệ cho các doanh nghiệp có nhu cầu, cả ngày 5-11 giá USD trên thị trường hầu như không thay đổi. Do khối lượng giao dịch giảm nên các điểm quy đổi vẫn chào ở mức 20.300 đồng/USD (thu vào) và 20.600 đồng/USD (bán ra).

Các chuyên gia tài chính cho rằng vì giá vàng thế giới được định giá bằng USD nên một khi khối lượng tiền mặt USD được tung ra mạnh thì thị trường vàng khó hạ nhiệt. Giá vàng quá cao sẽ xảy ra nhiều hệ lụy như thị trường vàng trở nên kém sôi động hoặc thậm chí đóng băng như trong những ngày qua, ngân hàng khó cho vay vàng vì người vay sợ bị lỗ kép. Từ đó sẽ làm nảy sinh tâm lý đầu cơ, tích trữ vàng. Hệ quả là ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chính sách tiền tệ, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản như trong suốt thời gian qua

LÊ MAI THI

Tin cùng chuyên mục