Năm 2008 có 8 con rùa lên đẻ ở Bãi Thịt đã được tổ Bảo vệ rùa biển Thái An trả về biển 600 con rùa con. Năm 2009, có hơn 14 rùa mẹ tìm về Bãi Thịt và đã có 10 ổ trứng được ấp thành công với gần 8.000 con rùa con được tổ Bảo vệ rùa biển của ông Mười Đú thả về biển khơi. Một con rùa biển phải mất 30 năm mới trưởng thành và chỉ có 1 trong số 1.000 con rùa còn sống sót đến ngày đó.
Sát thủ đú đổi nghề
Vào những năm thập niên 80 thế kỷ 20, người dân vùng biển Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận nổi tiếng về nghề bắt rùa biển. Ngoài việc bị săn bắt để làm thức ăn, rùa biển còn được dùng để bào chế các bài thuốc y học cổ truyền, mai rùa biển được chế tác làm vòng tay, hoa tai, kẹp tóc, tẩu thuốc lá, quạt hoặc đồ trang trí nội thất, đồ lưu niệm cho khách du lịch. Và ngư dân xã này là những người cung cấp thịt rùa biển cho gần hết tỉnh Ninh Thuận.
Hiện Việt Nam còn 5 loại rùa biển gồm rùa da, đồi mồi, đồi mồi dứa, vích, quản đồng, nhưng ngư dân vùng này quen gọi chung các loại rùa biển là đú. Sát thủ rùa biển vùng Thái An những năm ấy là ông Lê Nuôi. Ông Nuôi “thu hoạch” rùa biển nổi tiếng đến độ người ta đã đặt cho ông biệt danh “ông Mười Đú”.
Anh Nguyễn Cường một trong 8 thành viên đầu tiên của tổ Bảo vệ rùa biển do WWF thành lập nói với chúng tôi như một lời tâm sự: “Hồi đó vùng biển này rùa biển nhiều lắm. Có đêm chỉ mình chú Mười Đú bắt đã vài ba con. Có con nặng cả tạ chứ ít ỏi gì, ngày nào chợ ở đây cũng bán thịt rùa. Tụi tui còn đem rùa về bán tuốt trên Phan Rang nữa. Thịt đú chẳng khác thịt bò là mấy nên mấy hàng bún bò ưa lắm. Nếu mấy năm đó rùa đừng bị bắt thì vùng biển Thái An này có rùa nhiều nhất nước”.
Hồi đó chẳng có ai tuyên truyền cho người dân ở đây biết ích lợi của con rùa biển. Chẳng ai bảo cho biết rằng chính rùa biển là thước đo sự bền vững của môi trường biển. Và cũng chẳng hiểu tại sao từ ngày mà rùa biển vắng bóng thì cá tôm cũng ít dần đi. Anh Nguyễn Hồng Sĩ, một ngư dân xã Vĩnh Hải nói như thế.
Mãi cho đến năm 2001, khi tổ chức WWF (tổ chức bảo vệ động vật hoang dã) về địa phương nói cho người dân nghe về ích lợi trong việc bảo tồn đàn rùa biển thì làng biển Thái An mới hiểu rằng cá tôm sống vây quanh rùa biển như một quy luật tự nhiên; nơi nào rùa biển thường xuyên sinh sống chắc chắn môi trường ở đó trong lành, không bị ô nhiễm. Cá tôm về nhiều.
Lúc đó cả xã mới giật mình và những người trước đây từng nổi danh là sát thủ rùa đều xung phong vào tổ bảo vệ rùa biển. Chính ông Mười Đú là thành viên chủ chốt trong việc bảo vệ rùa biển tỉnh Ninh Thuận. Và bây giờ, noi gương ông là cả một tập thể trai tráng làng Thái An. Không chỉ gìn giữ, họ còn tìm cách di dời những ổ trứng rùa biển đến nơi an toàn, canh ngày rùa nở để đưa chúng về lại với mẹ biển khơi.
Trở thành “bà đỡ”
Công việc đỡ đẻ cho rùa bắt đầu từ chạng vạng hôm trước cho đến rạng sáng hôm sau và liên tục như thế từ tháng 2 cho đến tháng 10 Âm lịch. “Cái nết đẻ của con rùa cũng lạ lắm nghe. Khi nó đang đẻ anh có làm gì nó cũng mặc kệ, chứ khi đang đào đất làm tổ chỉ nghe hơi người hay có ánh sáng là nó bỏ đi ngay lập tức”, anh Cường, thành viên tổ Bảo vệ rùa biển Thái An nói với chúng tôi như thế.
Nhiệm vụ của các thành viên trong tổ Bảo vệ rùa lúc này là núp thật kín để theo dõi xem con rùa nào đẻ xong thì tìm cách tiếp cận, bấm thẻ cho rùa để theo dõi xem năm sau nó có về đẻ lại. Sau khi rùa mẹ lấp tạm ít cát lên mặt hố bỏ đi, tổ Bảo vệ rùa sẽ di dời trứng về nơi an toàn, ghi sổ sách ngày giờ và canh ngày trứng nở để đưa rùa con trở lại biển.
“Nói nghe thì nhanh thế chứ canh rùa đẻ cực lắm. Gặp con dễ tính không nói chứ gặp con khó tính, chị ta cứ đào hết tổ này đến tổ khác, có khi đào đến 4 - 5 tổ mới chịu đẻ. Lúc đó anh nào được phân công theo dõi chị cũng mệt phờ râu. Mệt là thế, nhưng cứ mỗi lần nhìn mấy chị rùa vượt cạn thành công quay đầu trở về biển là tụi tui vui vô cùng”, anh Sĩ nói thế.
Công việc vất vả, thức đêm thức hôm, không khéo còn bị rùa tát cho rách mặt. Khổ, khó là vậy nhưng chưa một ai trong số họ có ý định sẽ rời tổ Bảo vệ rùa biển cả cho dù thù lao của họ chỉ có 300.000 đồng một tháng mà phải đến vài ba tháng mới nhận được một lần.
HOÀNG TÂM