Đổ xô đi phượt

Chinh phục
Đổ xô đi phượt

Cuối năm, giới trẻ đang đổ xô đi du lịch bụi (hoặc phượt) để “săn” những mùa hoa lạ hoặc ngắm cảnh đẹp nên thơ, thiên nhiên hùng vĩ của vùng Tây Bắc và Đông Bắc. Những điểm du lịch đã nổi tiếng như Sa Pa (Lào Cai), Mù Căng Chải (Yên Bái) hoặc mới nổi như Mộc Châu (Sơn La), Đồng Văn - Mèo Vạc (Hà Giang)… đều bội thu khách du lịch, nhưng sau bức tranh sôi động đó đang bộc lộ những hệ lụy.

Một hình ảnh của nhóm phượt vừa gây tranh cãi trên mạng xã hội khi chụp ảnh hoa tam giác mạch Hà Giang. Những người trong ảnh nói rằng họ không giẫm vào hoa của bà con nhưng nhiều người lại cho rằng đó là hình ảnh không đẹp mắt.

Một hình ảnh của nhóm phượt vừa gây tranh cãi trên mạng xã hội khi chụp ảnh hoa tam giác mạch Hà Giang. Những người trong ảnh nói rằng họ không giẫm vào hoa của bà con nhưng nhiều người lại cho rằng đó là hình ảnh không đẹp mắt.

Chinh phục

Nhiều năm nay, đi phượt hoặc du lịch bụi đã trở thành đam mê của nhiều bạn trẻ trong khắp cả nước. Những đỉnh non cao, dải đất xa xôi nơi địa đầu Tổ quốc hoặc miền hoa đẹp nở rộ luôn là niềm khao khát được chinh phục và đặt chân tới của họ. Đặc biệt là khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, các địa chỉ như Mộc Châu (Sơn La), Đồng Văn - cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) đang thu hút rất nhiều bạn trẻ không chỉ ở miền Bắc mà còn từ miền Nam. Tại những nơi này, không chỉ có thiên nhiên đẹp, cảnh vật nên thơ, hùng vĩ mà còn có những tặng phẩm vô cùng quyến rũ du khách, đó là mùa hoa cải trắng ở Mộc Châu và hoa tam giác mạch ở Hà Giang.

Tại tỉnh Hà Giang, cứ vào độ tháng 10 dương lịch hàng năm là hoa tam giác mạch nở. Đây là một loại cây do bà con người Mông, Hoa, Lô Lô… ở các huyện biên giới như Đồng Văn, Xín Mần, Yên Minh, Quản Bạ… trồng để lấy hạt nấu rượu và làm bánh dịp cuối năm, xen canh giữa lúc đất trống. Do bà con trồng cả vạt rộng ở khắp triền đồi, thung lũng nên khi nở hoa rất đẹp. Ban đầu, hoa có màu trắng sữa, sau ngả dần tím và cuối cùng là đỏ sậm. Hoa tam giác mạch đã hòa vào bức tranh thiên nhiên hùng vĩ và khắc nghiệt, tô điểm thêm bức tranh huyền hoặc với gam màu lạ cho xứ sở cao nguyên đá.

Còn ở thảo nguyên Mộc Châu - Sơn La, nơi nổi tiếng là vùng nuôi bò sữa lớn nhất cả nước, có những đồng bãi, triền đồi trải rộng phủ đầy hoa cỏ, từ nhiều năm nay đã mọc lên một loài hoa gọi là cải trắng. Đây là thứ cải do bà con người Mông và Thái trồng để khai thác củ hoặc hạt bán cho nhà máy tinh ép dầu cải. Cứ độ tháng 11 - 12 hàng năm là hoa cải nở trắng cả dãy núi, đẹp lung linh huyền ảo nên khách du lịch ai cũng đều muốn kéo lên ngắm cảnh, chụp ảnh. Ngoài “thiên đường hoa cải trắng”, Mộc Châu còn có những đồi chè hình trái tim, nông trường cỏ và bò sữa rộng bát ngát, thơ mộng…

Một khi đã chán những địa điểm nhuộm tính chất thương mại hóa, đô thị hóa, bê tông hóa… thì những vùng đất mới lạ, hoang sơ như Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai… đang là đích đến của nhiều bạn trẻ. Khỏi cần phải nói dòng người đi du lịch dịp cuối năm đông như thế nào, chỉ cần đứng ở thị trấn Đồng Văn vào mỗi cuối tuần là đủ biết cảnh “cháy” phòng, quá tải… Mỗi tối thứ sáu, tại Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), các hãng xe khách giường nằm (chất lượng cao) đều chen chúc khách đi Hà Giang, Mộc Châu, Sa Pa… Ở Đồng Văn và TP Hà Giang, có thời điểm các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê xe máy đã kín lịch từ 1 tháng trước. Có đêm thứ bảy, nhiều nhóm phượt phải ngủ tạm ngoài nền chợ cổ Đồng Văn vì không còn phòng… Dọc đường lên huyện Xín Mần, xe du lịch rồng rắn, gây ùn tắc… Tương tự ở thị trấn huyện Mộc Châu - Sơn La cũng vậy. Khoảng 1 tháng nay, các nhà nghỉ, khách sạn đều chật kín khách. Sáng ra, xe của giới trẻ đi du lịch bụi chạy rầm rầm xuôi ngược, đoàn ít cũng gần 10 người, có nhóm đông tới 20 - 30 người… Khu vực thác Dải Yếm có hôm khách đứng ken kín chụp ảnh.

Nông dân “nổi giận”

Gần đây, trên các diễn đàn và mạng xã hội bắt đầu nổ ra cuộc tranh cãi và lên án các hiện tượng dân du lịch bụi, phượt làm cho bà con nông dân bức xúc, xuất hiện những hình ảnh gây phản cảm. Cụ thể là chuyện dân du lịch bụi, “phượt thủ” đổ xô kéo về các vựa hoa tam giác mạch, hoa cải trắng để chụp ảnh. Tuy nhiên, nhiều người không có ý thức giữ gìn, bảo vệ tài sản cho nông dân vốn chỉ trông đợi vào vạt đồi, thửa ruộng bé nhỏ… Có không ít người, nhóm phượt đã nhảy hẳn vào thửa ruộng để ngồi, giẫm đạp, thậm chí nằm và xoay đủ kiểu dáng để chụp ảnh. Chỉ sau 1 - 2 tuần rộ hoa, cả vạt hoa cải, hoa tam giác mạch đã bị quần, giẫm nát.

Tại vựa hoa xã Sủng Là (Đồng Văn - Hà Giang) hoặc ruộng hoa cải bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu - Sơn La), tuần trước hoa vẫn nở đẹp lung linh, cây lá tươi tốt nhưng sau một tuần quay lại, đã có những vết loang lổ như bị bão quần, nhưng thực tế đó là vết chân xô đạp của rất nhiều khách du lịch. Trên đồi chè hình trái tim ở Tiểu khu mía đường Mộc Châu hoặc xã Tân Lập, những chiều thứ bảy, sáng chủ nhật, có hơn 10 đôi uyên ương lên chụp ảnh cưới, mỗi đôi lại kéo theo cả “phòng studio” làm hậu cần ánh sáng, trang điểm. Vì thế, họ gần như chen chúc nhau quần kín cả đồi chè.

Khi đến một đồi hoa cải ở xã Tân Lập (Mộc Châu), chúng tôi đã từng chứng kiến cả thảm hoa bị giẫm đạp nát nhừ, thậm chí nhiều bạn trẻ còn vô tư giựt cả khóm củ cải lên làm “đạo cụ” chụp ảnh cho lạ để “up” lên Facebook khoe bạn bè. Bên dưới những tiếng cười nói, cợt đùa nhệu nhạo là cả đống củ cải bị nhổ lên vứt vung vãi, rồi vỏ cam quýt, vỏ bưởi, bã mía và đủ thứ rác do nhóm “phượt thủ” bày biện ra ăn vứt lại trên đồi. Anh Nguyễn Đức Tư, chủ một vườn cải ở xã Tân Lập, than thở: “Năm nay, giá cải từ 25.000 đồng/kg đột ngột giảm xuống chỉ còn 14.000 - 15.000 đồng, chúng tôi đã buồn lắm rồi. Vậy mà ra đồng lại nhìn cảnh cải bị khách du lịch giẫm nát bét như thế này...”.

Ở các xã có đông khách du lịch đến chụp ảnh như Tân Lập, Mường Sang, Đông Sang (Mộc Châu) hoặc Sủng Là, Ma Lé, Lũng Táo (Đồng Văn - Hà Giang)… gần đây cũng đã có chủ các vườn cải ra thu tiền của du khách với mức 10.000 - 15.000 đồng/người để bù đắp lại phần hoa màu bị thiệt hại. Tuy nhiên, như lời tâm sự của chị Lý Seo Sử ở Sủng Là thì không phải lúc nào cũng ra canh ruộng được vì còn bận đi làm ăn, mà cũng không biết khách du lịch khi nào tới, nên cũng chẳng thu được bao nhiêu.

Thực ra không phải khách du lịch, “phượt thủ” nào cũng vô ý. Có rất nhiều bạn trẻ vì yêu thiên nhiên, mê say vẻ đẹp hùng vĩ của đất nước, muốn khám phá những địa điểm mà chưa từng hoặc ít người đặt chân tới… nên đã không quản đường xa, lặn lội từ tận TPHCM và nhiều nơi ra để chinh phục đỉnh cao “nóc nhà Đông Dương” (Fansipan), đặt chân chụp hình kỷ niệm bên những cột mốc nơi địa đầu Tổ quốc như cột mốc ở Sơn Vỹ, Lũng Cú (Hà Giang), rồi thác Bản Giốc (Cao Bằng), đứng trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng ngắm dòng sông Nho Quế xanh ngăn ngắt… Hầu như họ là những “phượt thủ” có nhiều kinh nghiệm và biết thể hiện sự trân trọng các giá trị của thiên nhiên và tài sản của người nông dân nghèo khó. Tuy nhiên, khi phong trào du lịch bụi – phượt lan rộng và nở rộ như hiện nay thì cũng đã có những bạn trẻ có thể do nhận thức còn non kém hoặc đôi khi chỉ là vô tình mà để lại những hình ảnh phản cảm như giẫm lên hoa, vứt rác bừa bãi, nói tục, chửi bậy...

Theo ông Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn (Hà Giang), nơi có những cánh đồng hoa tam giác mạch, việc một địa phương nghèo và xa xôi cách trở như Đồng Văn được khách du lịch quan tâm là điều đáng trân trọng. Theo kế hoạch năm 2014, UBND huyện Đồng Văn sẽ chỉ đạo bà con tất cả các xã trồng hoa tam giác mạch để thu hút khách du lịch, chính quyền sẽ hỗ trợ giống cho bà con. Tuy nhiên, ông cũng mong khách du lịch nêu cao tinh thần chia sẻ khó khăn và biết trân trọng, bảo vệ những gì bà con tạo ra.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục