Đây là khẳng định của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại buổi làm việc với các sở, ngành và doanh nghiệp (DN) về nâng sức cạnh tranh của thị trường bán lẻ tại TPHCM vào chiều 29-6. Mục tiêu đến năm 2025 - 2030, TPHCM phải phát triển được hệ thống phân phối đa dạng, trở thành trung tâm mua sắm chủ lực trong khu vực Đông Nam Á.
Theo số liệu tổng quan, năm 2015 thị trường bán lẻ của Việt Nam đạt tổng doanh số gần 1.920.000 tỷ đồng, trong đó bán lẻ hiện đại chiếm hơn 32%, tốc độ tăng trưởng đạt hơn 15%/năm. Cả nước hiện có 700 siêu thị, 130 trung tâm thương mại (TTTM) và gần 1.000 cửa hàng tiện ích. Cũng trong năm 2015, bán lẻ hiện đại tiếp tục bùng nổ, nhiều DN mới xuất hiện hoặc mở rộng quy mô thông qua các thương vụ M&A. Việt Nam luôn được đánh giá là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng, với cơ cấu dân số trẻ dưới 40 tuổi chiếm khoảng 60%.
Về tương quan của khối nội và ngoại trên thị trường theo doanh thu năm 2015, nhà bán lẻ nước ngoài hiện chiếm lĩnh hơn 51% thị phần bán lẻ hiện đại trên cả nước. Riêng tại TPHCM, nơi tập trung khá nhiều siêu thị của các DN trong nước, thị phần bán lẻ nội khối chiếm khoảng 59%, 41% còn lại là của các DN nước ngoài. Với nguồn lực lớn mạnh, theo dự báo trong 5 năm tới, nếu các DN nội không cải tiến và liên kết, thị phần sẽ bị thu hẹp và mất dần vào tay các tập đoàn đa quốc gia.
Trước hình hình trên, báo cáo tại buổi làm việc, nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam là Liên hiệp HTX thương mại TPHCM - Saigon Co.op, cho biết, trong định hướng phát triển, sẽ có 3 mảng công việc liên quan đến hàng hóa và logistics, hoạt động vận hành và phát triển mạng lưới, mảng nguồn lực. Theo đó, Saigon Co.op cũng kiên quyết giữ vững và cải tiến hoạt động các điểm bán hiện hữu, xây dựng thêm các mô hình kinh doanh mới, phù hợp với nhiều phân khúc mới vào năm 2017. Dự kiến trong 2 năm tới, Saigon Co.op sẽ mở thêm 10 siêu thị Co.opmart lớn ở các đô thị và 20 siêu thị vừa và nhỏ. Đến năm 2020 sẽ có 130 siêu thị Co.opmart, có từ 8 - 10 đại siêu thị Co.opXtra và từ 3 - 5 TTTM Sense City. Đối với mạng lưới cửa hàng Co.opFood, dự kiến sẽ phát triển thêm từ 30 - 50 cửa hàng, thực hiện liên kết và nhượng quyền với các cửa hàng tạp hóa truyền thống với 60-80 điểm bán mỗi năm. Mặt khác, trong giai đoạn 2017 - 2020, Saigon Co.op dự kiến phát triển 30 - 50 cửa hàng tiện lợi tập trung tại các khu vực dân cư đông đúc tại TPHCM và các tỉnh, thành khác nhằm phủ kín mạng lưới.
Tương tự, với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng thực hiện mục tiêu chiến lược năm 2016 - 2020 xây dựng 11 siêu thị Satramart, 5 TTTM Central Mall và 200 cửa hàng tiện lợi Satrafoods. Kế hoạch doanh thu về bán lẻ giai đoạn 2016 - 2020 đạt hơn 31,5 ngàn tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng từ 20% - 30%/năm.
Theo các DN, để nâng cao sức cạnh tranh, điều quan trọng là phải có sự liên kết để tạo ra khối lớn mạnh so với các DN ngoại. Đại diện Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, bà Lý Kim Chi vui mừng trước định hướng phát triển rất cụ thể, rõ ràng của các nhà bán lẻ trong nước. Trong bối cảnh DN ngoại ra sức ép các DN sản xuất trong nước, bằng cách nâng mức chiết khấu thêm từ 4% - 5% thì việc phát triển mạng lưới rộng khắp hệ thống phân phối đến các khu dân cư, đồng thời tạo điều kiện cho DN sản xuất cung ứng hàng hóa là rất cần thiết. Nếu DN nội tận dụng tốt thế mạnh sân nhà, chắc chắn sẽ có cơ hội thắng so với các đối thủ nước ngoài.
Phát biểu kết luận, chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Thành Phong cơ bản đồng tình với định hướng phát triển của các DN. Tuy nhiên, khi đầu tư, đặc biệt là tại các huyện ngoại thành, các DN cần tính toán đến nhu cầu, thói quen mua sắm cho phù hợp. Trên thực tế, hiện có nhiều nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam và họ đã mạnh dạn vạch ra chiến lược phát triển như Lotte sẽ đạt 50 siêu thị vào năm 2020, Aeon xác định Việt Nam là thị trường chủ lực thứ 2, sau Malaysia... Không chỉ đầu tư trên mặt đất, các nhà bán lẻ FDI cũng đang nhắm đến việc đầu tư các TTTM bên dưới mặt đất để chi phối thị phần. Như vậy, DN trong nước phải tính toán đầy đủ và toàn diện để thực hiện đúng và trúng nhiều vấn đề, đồng thời cần có bước đi dài hơi để tránh bị tụt hậu. Saigon Co.op, nên tính việc vươn đến tầm của nhà bán lẻ hàng đầu trong khu vực vào năm 2025. Với Satra cũng có mục tiêu rõ ràng đến 2025. Khi đó, các DN trong nước phải xây dựng được các TTTM lớn, chứ không chỉ đơn thuần là siêu thị. Cùng với các DN trong nước, chúng ta phải giữ thị trường bán lẻ, đây là định hướng. Không thể để thị trường bán lẻ rơi vào người nước ngoài quản lý.
“Đi nhiều, tiếp xúc nhiều, điều khiến tôi suy nghĩ tại sao DN FDI lại đưa ra chiến lược chiếm lĩnh thị phần ngay tại Việt Nam, còn DN trong nước lại không. Với tình hình hiện nay đã đặt những vấn đề rất thực tế cho DN là phải không ngừng vươn lên để cạnh tranh và chiếm lĩnh. Các DN hoàn toàn có thể thực hiện giấc mơ trở thành người khổng lồ trong ngành bán lẻ. Có ai cấm chúng ta mơ một giấc mơ lớn. Nói cách khác, chỉ có những giấc mơ lớn mới có thể làm nên chuyện lớn. Lãnh đạo TP sẵn sàng tạo những điều kiện tốt nhất để DN làm chủ mạng lưới phân phối, tạo chỗ đứng cho DN sản xuất, cho hàng Việt phát triển” - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Thúy Hải