Doanh nghiệp địa ốc TPHCM chuyển hướng vì gặp khó

Hạn chế cấp phép dự án mới, thủ tục đầu tư dự án bị siết chặt cùng với thực trạng quỹ đất sạch, đặc biệt là khu vực nội đô tại TPHCM ngày càng khan hiếm là một trong những nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp (DN) địa ốc TPHCM chuyển hướng ra các tỉnh khác.

Hiện không ít các DN đã chuyển hướng đầu tư ra các tỉnh đang có sự đột phá về hạ tầng và nhiều tiềm năng như Đồng Nai, Cần Thơ, Long An, Đà Nẵng, Bình Định thậm chí mở ra cả vùng phía Bắc.

Cụ thể, là tập đoàn từng phát triển thành công các dự án nhà ở “vừa túi tiền” E-home cũng như các khu đô thị lớn tại TPHCM như khu đô thị Mizuki - Nguyên Sơn (Nam Sài Gòn), Akari City (Bình Tân)… nhưng trong năm 2019, Tập đoàn Nam Long lại chuyển hướng mở rộng thị trường kinh doanh ra phía Bắc và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với việc mua lại 3 quỹ đất mới tại Đồng Nai và Hải Phòng. 

Doanh nghiệp địa ốc TPHCM chuyển hướng vì gặp khó ảnh 1 Nhiều dự án bất động sản đang xây dựng tại huyện Nhà Bè . Ảnh: CAO THĂNG
Công ty Bất động sản Phát Đạt cũng cho biết, phát triển thị trường tại TPHCM đang khó khăn nên DN này có chiến lược mới là tập trung thị trường miền Trung, vào các dự án có pháp lý hoàn chỉnh để có thể đưa sản phẩm ra thị trường càng sớm càng tốt.

Tương tự, trong năm 2018, Tập đoàn Novaland cũng bắt đầu phát triển dự án tại các tỉnh lân cận như Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tập đoàn Hưng Thịnh sau một thời gian phát triển mạnh tại TPHCM cũng chuyển hướng sang đầu tư 3 khu đô thị tại Bình Định…

Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, 3 tháng đầu năm 2019, các DN bất động sản càng lo ngại hơn trước tình trạng nhiều dự án bị ách tắc, không được cơ quan nhà nước xem xét giải quyết kịp thời.

Hệ lụy là DN bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản; môi trường kinh doanh bị suy giảm tính minh bạch, khó đoán định và có thể làm tăng tính rủi ro cho DN.

Đó là một trong những lý do mà không ít các DN địa ốc tại TPHCM phải bỏ phố để đi làm dự án tại các tỉnh. Bởi lẽ không chỉ vì những tiềm năng và cơ hội đầu tư rất lớn của các địa phương mà tại các thị trường mới, họ được mời chào, được nhiều ưu đãi, chi phí đầu tư thấp, tiềm năng sinh lời cao. 

Tại cuộc họp về thị trường bất động sản TPHCM mới đây, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cũng cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, số lượng cấp phép các dự án nhà ở thuộc thẩm quyền Sở Xây dựng giảm 63%; dự án được chủ đầu tư thực hiện các thủ tục để được công nhận chủ đầu tư giảm mạnh; các dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai cũng giảm sâu…

Với tình trạng này, không chỉ các DN địa ốc gặp nhiều khó khăn mà khiến việc thu ngân sách từ bất động sản của TPHCM cũng giảm mạnh. Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, hiện nay các dự án nhà ở thương mại có 3 vướng mắc.

Thứ nhất là lựa chọn chủ đầu tư. Thứ 2 là chuyển mục đích sử dụng đất và thứ 3 là cấp phép xây dựng. Do vậy nếu không có giải pháp tháo gỡ, thị trường bất động sản TPHCM sẽ còn khó khăn hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục